Không quá bất ngờ khi Táo Quân tiếp tục là từ khóa được quan tâm nhất những ngày Tết Kỷ Hợi, cả trên mạng xã hội lẫn đời thực. Bởi lẽ, từ lâu Táo Quân đã được nhiều người Việt coi là một "gia vị" của ngày Tết, tương tự như cành đào, cây quất.
Thế nhưng, cũng nhiều năm nay Táo Quân nhận phản ứng trái chiều. Không ít khán giả cho rằng Táo Quân nên dừng lại vì đã "hoàn thành sứ mệnh". Táo Quân 2019 thậm chí gây tranh cãi ngay khi đang phát sóng. Người khen, kẻ chê và… vẫn chưa dừng lại.
"Hệ quả" ngược đời của chê bai
Lướt nhanh mạng xã hội hai ngày đầu năm Kỷ Hợi, không khó để bắt gặp những dòng trạng thái như "thất vọng", "tẩy chay", "sẽ không xem Táo Quân nữa".
Thế nhưng, cũng rất khó để kiểm chứng trong những chủ nhân của "status" kể trên, ai mới thực sự dừng xem Táo Quân. Nói như một nhà biên kịch:
"Nhiều người vừa xem vừa chửi, và năm sau vẫn lại đón xem như thường, và lại chửi".
Nhận định ấy có phần hài hước nhưng không phải không có cơ sở, nhất là khi nhìn vào số liệu rating và giá quảng cáo của Táo Quân. Nghiên cứu các báo cáo về rating 3 năm liên tiếp (2016-2018), kết quả mà phóng viên nhận được là rating của Táo Quân tăng.
Đến năm 2018, theo báo cáo phân tích của Hệ thống đo lường định lượng khán giả, rating Táo Quân 2018 đạt tới 15,14% trên kênh VTV1.
"Tại Hà Nội, Táo Quân VTV vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu, và tính trong tổng cộng 7 ngày nghỉ Tết (14 — 20/2) đây là chương trình có sức hấp dẫn nhất đối với khán giả truyền hình", báo cáo nêu rõ.
Hiện tại chưa có số liệu về rating của Táo Quân 2019, tuy nhiên sức nóng của Táo Quân trên sóng VTV năm nay có thể được kiểm chứng bằng giá quảng cáo. Giá quảng cáo năm nay lên tới 530 triệu/block 30 giây trong thời gian phát sóng chương trình.
Ngoài quảng cáo thông thường, nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng lại săn đón quảng cáo bằng nội dung chèn vào kịch bản, đơn cử là năm nay có tới 5 thương hiệu lớn được nhắc đến và đang bị dư luận phản ứng.
Nhìn số liệu có thể thấy dù năm nào cũng gây tranh cãi và bị tẩy chay, Táo Quân vẫn "hot" đúng nghĩa. Tất nhiên, lý do thương hiệu lâu năm, khung giờ vàng giao thừa đóng vai trò quan trọng.
Nhưng cũng không thể phủ nhận Táo Quân là chương trình hài kịch truyền hình đặc biệt được đầu tư chỉn chu, thậm chí được ví là "tiếng cười trào phúng sâu cay, đả kích cuối cùng còn sót lại của hài Việt".
Táo Quân thậm chí còn là bệ phóng cho nhiều diễn viên trẻ có khả năng. Nhiều nghệ sĩ trẻ như Trung Ruồi, Minh Tít, Đỗ Duy Nam đã khẳng định với Zing.vn về việc "dù được mời đóng vai lớn hay nhỏ trong Táo Quân cũng đều hạnh phúc vì đó là cơ hội rất lớn".
Thế nên, nếu Táo Quân năm sau vẫn được thực hiện, cũng rất khó có cơ sở để khẳng định chương trình sẽ ít người xem hơn dù năm nay gây tranh cãi nặng nề.
"Không có vùng cấm" hay có "vùng cấm"?
Đơn cử như Táo Quân 2019, nhiều sự vụ nổi bật, gai góc trong năm đã không được đề cập, hoặc đề cập chung chung, vô thưởng vô phạt. Chuyện xe công, câu chuyện ngành y năm qua… đã không được nhắc tới, thực sự gây tiếc nuối cho nhiều người.
Chương trình có lời thoại "không có vùng cấm", nhưng rõ ràng tự mình lại có vùng cấm. Rõ ràng, Táo Quân 2019 năm nay có ít sự vụ được chỉ mặt gọi tên dù năm qua xã hội Việt Nam "ngồn ngộn" vấn đề thời sự — xã hội.
Chính diễn viên Phương Oanh — tự nhận là một fan của Táo Quân — cũng nhận định những năm gần đây phía kịch bản cũng đã có những hạn chế. Nữ diễn viên cho rằng chương trình có thể cũng đã phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt, biên tập. Do vậy, giới hạn cũng là dễ hiểu. "Cái gì giới hạn cũng giảm đi sự bất ngờ", Phương Oanh nhấn mạnh.
Đuối sức hay bị khoác áo quá rộng?
Nhà biên kịch này nhận xét đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người khôn ngoan khi sử dụng không chỉ một biên kịch mà một nhóm, bởi một nhóm sẽ có nhiều cá nhân, mỗi cá nhân có một thế mạnh. Nhưng nhà biên kịch cũng cho rằng Táo Quân đang cũ.
"Giờ tôi không còn được mời biên nữa. Nhưng cũng từ hai ba năm trước, trong cuộc bàn bạc với vài đạo diễn của chương trình, tôi có nói rằng nếu chương trình Táo Quân không có sự thay đổi thì sẽ nhàm, kiểu gì cũng nhàm, vì dù cho các biên kịch tài năng đến mấy, những diễn viên hài xuất sắc đến mấy, sự sáng tạo của đạo diễn bay bổng đến mấy, thì cái mô-típ không thay đổi, khiến sản phẩm sẽ nhàm", biên kịch viết.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng có ý kiến tương tự, tức cách tư duy cũ, viết kịch bản theo phom cũ, đạo diễn và diễn viên tài cũng "nhạt trò". "Phàm làm cái gì quá lâu cũng lặp lại, mòn cũ, Táo Quân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thì nên dừng lại và tìm vấn đề mới, hoặc ít ra cũng phải tạo ra cách thể hiện mới", nhà văn bày tỏ.
Tất nhiên, việc đề nghị Táo Quân dừng lại cũng chỉ là từ một bộ phận khán giả. Nói như "Phó Thiên Lôi" Trung Ruồi, rõ ràng số đông vẫn yêu thích. Bằng chứng là bên cạnh những lời chê cũng có những lời khen cho nỗ lực và công sức của ê-kíp.
Nhưng thay đổi cũng đã là yêu cầu bức thiết. Một chương trình dù hay đến mấy cũng không thể hấp dẫn đến năm thứ 17 nếu không chịu thay đổi.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải tiếp tục im lặng. Tuy nhiên, anh cũng đã hơn một lần tâm sự thật lòng rằng "công chúng đang trao cho Táo Quân chiếc áo quá rộng".
Có nghĩa, cũng rất khó để gửi gắm vào Táo Quân quá nhiều kỳ vọng mang ý nghĩa, thông điệp xã hội. Táo Quân dù sao cũng chỉ dừng ở tiếng cười trào phùng với ý nghĩa "tống cựu nghinh tân", rất khó để chiều lòng tất cả và nói thay tiếng nói bức xúc của xã hội.
Thế nhưng, nói qua cũng phải nói lại, khi tính chất trào phúng, đả kích không còn lộng lẫy như nhiều năm về trước, Táo Quân đang bị cho là quá đặt nặng vấn đề kiếm tiền cho nhà đài với quảng cáo dày đặc. Không hấp dẫn hơn, nhưng quảng cáo lại nhiều hơn khó tránh bị phản ứng.
Suy cho cùng, Táo Quân đã và đang mang trong mình những nghịch lý. Thay đổi như thế nào đôi khi không phụ thuộc vào một vài cá nhân. Nhưng, cũng không ai mong những nghịch lý đó cứ tồn tại mãi trong vòng xoáy của tranh cãi, khen chê.