Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong dẫn nhận định của giới quan sát quân sự cho rằng: các cuộc tập trận của Trung Quốc cho thấy Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) muốn thử nghiệm hệ thống điều khiển sẽ được sử dụng khi xảy ra chiến tranh, đồng thời củng cố khả năng phòng vệ bằng tên lửa trên Biển Đông.
Tăng tốc quân sự hóa
Tuyên bố của hạm đội Nam Hải cho biết nhiều loại chiến hạm mới nhất của Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận kéo dài hơn một tháng này. Trong đó có chiếc tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì, tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn và tàu tiếp liệu Hồng Hồ.
Để mô phỏng tình huống chiến tranh thực tế, đợt tập trận không có một kịch bản lên trước và cũng không có thông báo trước nào đưa ra, mọi thông tin chỉ đạo, điều khiển và các phương án xử lý sẽ được đưa ra trên cơ sở tình thế chiến đấu thực tế phát sinh trong khi tập trận.
"Đợt tập trận này giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về tình huống chiến đấu một cách có hệ thống và cải thiện khả năng của chúng tôi", thông báo của hạm đội Nam Hải viết.
Các hoạt động huấn luyện khác bao gồm đánh trả các tàu tấn công, cứu hộ bằng không quân và bắn đạn thật. Trong 34 ngày tập trận, bắt đầu từ ngày 16-1, các lực lượng phối hợp đã tiến hành 20 đợt tập trận khác nhau.
Một nguồn tin gần gũi với PLA cho biết lực lượng tên lửa cũng đã gửi một nhóm thông tin liên lạc tới tham gia tập trận vì một trong những cuộc tập trận có liên quan tới phòng thủ tên lửa.
Đáng chú ý, một nguồn tin giấu tên của SCMP cho biết lực lượng tên lửa của PLA muốn điều động cố định các tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa chống hạm YJ lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Chuyên gia phân tích quân sự tại Hong Kong, ông Song Zhongping, nhận xét các đợt tập trận mới nhất của Trung Quốc cho thấy PLA đang cố gắng hợp nhất hoạt động của các đơn vị thông thường và chiến thuật của lực lượng tên lửa với chiến khu miền nam thuộc PLA, lực lượng giám sát Biển Đông.
"Đợt tập trận này nhằm thử nghiệm cái gọi là bộ chỉ huy lực lượng kết hợp với tất cả những năng lực chiến đấu đó" — ông Song nói.
Ứng phó với thực tế mới
Tại hội nghị bàn tròn về an ninh biển mới nhất gần đây, ngày 15-2, trong khuôn khổ Hội nghị an ninh Munich tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhắc lại việc Trung Quốc đã và đang xây dựng rất nhiều hạ tầng quân sự ở Biển Đông.
Từ một loạt căn cứ tiền đồn được trang bị năng lực tình báo, trinh sát, do thám, điều động quân trên Biển Đông, cho tới những căn cứ không quân với các nhà chứa máy bay, bãi đáp trực thăng và các đường băng kéo dài đủ cho chiến đấu cơ và máy bay tuần tra hải quân, máy bay vận tải quân sự đáp xuống.
Ông Hen mô tả thực tế đó là "Trung Quốc đã thiết lập một tuyến phòng thủ tiền tiêu ở cách xa khoảng 800km so với bờ biển đại lục của họ".
Ông Hen nhấn mạnh những giải pháp xây dựng và tăng cường niềm tin giữa các bên ở Biển Đông trên cơ sở thượng tôn pháp luật, mà COC là vấn đề cần được tăng tốc hoàn thiện, thực thi.
Theo ông Ng Eng Hen, cuối tháng này, vòng đàm phán mới nhất về xây dựng COC giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ diễn ra, mục tiêu để tránh các sự cố quân sự nguy hiểm có thể xảy ra trên biển. Các cuộc thương lượng về COC bắt đầu từ tháng 3-2018, sau khi thỏa thuận khung của bộ quy tắc này được thông qua năm 2017.
Trung Quốc còn dè chừng Mỹ?
Thực tế trong hơn 2 năm qua, quân đội Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiến hành 11 chiến dịch tự do hàng hải (FONOPS) để thách thức các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đợt gần nhất là ngày 11-2 khi hai tàu khu trục của Mỹ là USS Spruance và USS Preble đã di chuyển vào vùng 12 hải lý tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
* TS Nguyễn Thành Trung (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM):
Thông điệp răn đe của Bắc Kinh
Cuộc tập trận này là một nét mới đáng chú ý so với những đợt tập trận trước đây của PLA.
Đó là lý do để đợt tập trận dài ngày lần này họ đề cao khả năng ứng chiến của quân đội.
Cuộc tập trận này cũng không chỉ còn mang thông điệp răn đe nhắm tới Đài Loan như thông thường nữa, mà còn là thông điệp Trung Quốc muốn gửi tới tất cả những đối thủ dọa ảnh hưởng tới quyền lợi của họ tại Biển Đông, mà rõ nhất là những nước tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông như Mỹ.
Có khả năng Trung Quốc sẽ sớm tuyên bố Biển Đông là "vấn đề cốt lõi" của họ, giống như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, và khi đó, mọi động thái can thiệp vào "vấn đề cốt lõi" đó sẽ bị Trung Quốc đáp trả bằng hành động quân sự.