Trong đợt tập huấn này, các đại biểu được nghe hướng dẫn sử dụng mẫu biểu quản lý ngành quân khí sửa đổi, công tác quản lý, sử dụng, bảo đảm kỹ thuật súng, đạn bộ binh; công tác đảm bảo kỹ thuật cho đại đội pháo phòng không 37mm-2N đánh đêm bán tự động; giới thiệu về máy chỉ huy K59-03 cải tiến…
Đợt tập huấn là dịp để Quân chủng PK-KQ bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên ngành bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng pháo phòng không, tên lửa; làm cơ sở nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong việc bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng lực lượng phòng không vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Được biết, cùng với máy chỉ huy K59-03, radar K8-60 cũng đã lập nhiều chiến công lớn khi hoạt động trong lực lượng pháo phòng không Việt Nam thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ. Ngay từ tháng 2/1972, Bộ Quốc phòng chỉ thị đưa radar K8-60 phục vụ ở Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 274 lúc đó bố trí tại Quảng Bình.
Kết quả, trong 2 tháng (22/2-6/4/1972), khí tài đã bắt được mục tiêu 18 lần, trong đó có 2 lần bắt được B-52 và 16 lần bắt được máy bay chiến thuật. Cự ly bắt được khoảng 40km, có lần là 60km, bám tự động chính xác 30km.
Đặc biệt, ở Tiểu đoàn 79 đã bắn rơi một B-52 hoàn toàn bằng phương pháp so kim thống nhất phần tử với radar K8-60. Thấy được hiệu quả của đài K8-60, sau ngày 25/12, Bộ Tư lệnh Quân chủng cho sử dụng toàn bộ đài K8-60 có trên địa bàn Hà Nội để bắt B-52.
Nếu bắt được mục tiêu thì thông báo ngược về các sở chỉ huy trung đoàn, sư đoàn phòng không cho đến tận sở chỉ huy quân chủng. Cùng với các kinh nghiệm từ trận đánh trước, từ 26/12 trở đi cho đến khi kết thúc chiến dịch chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi ròn rã hơn.
Ngoài ra, đài K8-60 còn có lợi thế là không bị tên lửa tìm diệt radar AGM-45 Shrike tấn công, do loại tên lửa đó chỉ nhắm vào rãnh 10cm đài tên lửa. Do đó, khí tài gần như thoát được sự chống phá điên cuồng của không quân chiến thuật Mỹ trong hoạt động chế áp điện tử.