Tác giả bài báo, đánh giá khách quan tiềm năng khoa học và công nghệ còn khiêm tốn của tổ hợp công nghiệp quân sự Việt Nam, đã gọi hệ thống phòng không A-72 là «mini Pantsir», tương tự với tổ hợp tên lửa — pháo phòng không "Pantsir S1" của Nga đã trải qua thực chiến ở Syria và gây ra sự quan tâm lớn trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Những nỗ lực phát triển hệ thống vũ khí công nghệ cao của riêng mình rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên Việt Nam mới chỉ bước những bước đầu tiên trên con đường này, và còn xa mới đạt đến sự hoàn hảo. Alexei Leonkov, chuyên gia quân sự Nga về lĩnh vực phòng không, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik lưu ý:
«Chế tạo ra các hệ thống phòng không của riêng mình là một thách thức khó khăn về khoa học, kỹ thuật. Mặc dù có tiềm năng kỹ thuật quân sự khá cao, nhưng điều này hiện vẫn chưa nằm trong khả năng của tổ hợp công nghiệp quân sự Việt Nam. Những nỗ lực để chế tạo ra một thứ gì đó «mang dấu ấn quốc gia» từ con số không, sẽ không chỉ mất nhiều thời gian mà còn đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, cuối cùng cũng sẽ tương đương với việc nhập khẩu công nghệ nước ngoài. Cách hợp lý là mua các hệ thống phòng không hiện đại từ một đối tác truyền thống, đã được chứng minh — Nga. Chẳng hạn như tên lửa Tor-M2E, dẫn đầu trong số các vũ khí phòng không tầm ngắn. Nếu Việt Nam muốn phát triển sản xuất các hệ thống của mình, thì họ có thể sử dụng kinh nghiệm của Ấn Độ — liên doanh với ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Trong trường hợp này, các chuyên gia Việt Nam sẽ không chỉ có được kinh nghiệm vô giá trong việc phát triển các bộ phận cho hệ thống phòng không, mà còn có thể thiết lập các cơ sở sản xuất của riêng mình, lắp ráp thiết bị thực sự hiện đại với thương hiệu Made in Vietnam».
Theo tác giả bài báo trên cổng thông tin SOHA, hệ thống phát hiện và chỉ định mục tiêu A-72 hoạt động trong mọi thời tiết và bất cứ lúc nào trong ngày. ( Đài quan sát gồm camera ảnh nhiệt hồng ngoại, camera ánh sáng ngày cùng với thiết bị đo xa lade tích hợp thêm hệ thống ổn định đường ngắm giúp cho hệ thống có thể tác chiến được trong quá trình cơ động và hành quân trong tương lai, đảm bảo quan sát, bắt bám và phóng đạn diệt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm). Nhưng chuyên gia Nga nghi ngờ khả năng này.
«Trông cậy vào thiết bị quang học để phát hiện và chỉ thị mục tiêu A-72 sẽ gặp phải các hạn chế về thời tiết. Vào mùa mưa các thiết bị này sẽ không hiệu quả khi hoạt động, do thiết bị đo xa bằng laser sẽ có phạm vi phát hiện mục tiêu giảm. Trong các hệ thống phòng không Nga cũng có các thiết bị quang học phát hiện mục tiêu, nhưng đó chỉ là để bổ sung cho các trạm radar với ăng ten mảng pha», Alexei Leonkov chú thích.
Các thông số chiến thuật và kỹ thuật của A-72 không được nêu lên cụ thể trong bài báo trên cổng thông tin SOHA. Tuy nhiên nghiên cứu các bức ảnh của tổ hợp, chuyên gia người Nga đã đưa ra giả định về các đặc điểm tính năng chính. Dựa vào đó người ta có thể đoán đượcA-72 có thể đóng vai trò nào trong «dàn nhạc» của phòng không Việt Nam. Trong mọi trường hợp công sức lao động của các nhà khoa học và kỹ sư Việt Nam không phải là vô ích.
«Đây là một hệ thống phòng không tầm ngắn, tương tự như các tổ hợp «Strela-10» và «Sosna" của Liên Xô-Nga (phạm vi đánh chặn mục tiêu là từ 100 đến 6000 mét, chiều cao từ 150 đến 5000 mét). Không có dữ liệu về thời gian đáp ứng của hệ thống và tốc độ bay của các tên lửa phòng không tiêu chuẩn, nhưng bài báo đề cập đến tên lửa của tổ hợp Igla-S di động, có thể bắn hạ các mục tiêu trên không di chuyển với tốc độ đến 400 m / s. Do đó, chúng ta có thể giả định mục tiêu của A-72 là các đối tượng có khả năng di chuyển với tốc độ 300-400 m / s: đó là máy bay cận âm, trực thăng và tên lửa vận tốc bay dưới âm tương tự như Tomahawk. Điểm quan trọng là A-72 có thể là sự bổ sung cho các tổ hợp mạnh hơn đang phục vụ trong phòng không Việt Nam. Nhiệm vụ chính sẽ là bảo vệ những «hệ thống đàn anh» trong quá trình nạp đạn, thời điểm dễ bị tổn thương nhất trước các cuộc tấn công từ trên không trung», Alexei Leonkov kết luận.