GS.VS Trần Đại Nghĩa là Thiếu tướng QĐND Việt Nam, từng là Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần,… nhưng trước tiên ông là một nhà khoa học chân chính, là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được biết đến với vai trò là người thiết kế và lãnh đạo việc sản xuất ba-dô-ca (bazooka) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Ba-dô-ca là tên chung của loại vũ khí phóng tên lửa chống xe tăng không giật mà người lính bộ binh có thể mang vác được để sử dụng trong chiến đấu. Súng ba-dô-ca bắn ra đầu đạn là tên lửa chống tăng, có sức công phá lớn để tiêu diệt các loại xe bọc thép, các bệ súng máy, các boong-ke kiên cố ở xa ngoài tầm ném lựu đạn hoặc mìn của lĩnh bộ binh.
GS.VS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Vĩnh Long, sau đó lên Sài Gòn học trung học. Với trí thông minh tuyệt vời, ông đã tốt nghiệp trung học suất sắc và được nhận học bổng đi du học ở Pháp năm 1935. Ông đi học ở Pháp với ý chí học để sau này về nước chế tạo vũ khí đánh thực dân Pháp.
Năm 1946, trong chuyến sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp ông và ông đã theo Bác Hồ về nước. Ngày 5/12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo vũ khí để bộ đội ta đánh giặc.
Bác Hồ nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Họ Trần là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo”. Tên gọi Trần Đại Nghĩa ra đời từ sự kiện đó.
Ngày 3/3/1947 đã trở thành mốc son của ngành quân giới Việt Namkhi đạn ba-dô-ca do ông chế tạo đã góp phần bẻ gãy mũi tiến công của địch ở vùng Chương Mỹ tỉnh Hà Đông (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội), khởi đầu cho các trận đánh lớn sau này giữa Việt Minh với quân Pháp.
Cụ thể, đêm 2/3/1947 Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Phan Mỹ đã giao nhiệm vụ cho Cục Quân giới sản xuất cấp tốc đạn ba-dô-ca để cản phá cuộc hành quân của Pháp. Ông Phan Mỹ nói: “ Sáng mai có khả năng quân Pháp sẽ chọc thủng mặt trận Cầu Mới – Hà Đông, đề nghị anh Nghĩa cho nhồi đạn ba-dô-ca ngay trong đêm nay để kịp mang đến cho đồng chí Vương Thừa Vũ vào sáng mai”.
Làm việc cật lực suốt đêm đến 3 giờ sáng, tổ nghiên cứu của đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng anh em của Cục Quân giới kịp nhồi được 5 quả đạn ký hiệu B60.
Sáng ngày 3/3/1947 xe tăng của Pháp với sự yểm trợ của máy bay bắt đầu đánh chiếm thị xã Hà Đông. Quân ta bố trí dọc đê. Tại chùa Trầm, quân Pháp sử dụng 4 xe tăng mở đường, trong khi bên ta chỉ có 5 quả đạn. Quả đạn đầu tiên bắn trúng chiếc xe tăng đi đầu của địch, chiếc xe tăng này bốc cháy ngùn ngụt, trong khi chiếc thứ 2 cũng bị đạn ba-dô-ca của ta bắn thủng sau đó. Cả đoàn xe địch phải dừng lại, hỗn loạn rồi rút lui.
Tiếp theo thành công trong việc việc sản xuất ba-dô-ca, trong những năm 1948-1949 Trần Đại Nghĩa cùng các đồng nghiệp trong Cục Quân giới đã nghiên cứu và chế tạo loại súng có sức công phá mạnh là súng không giật SKZ.
Đây là dòng vũ khí hiện đại mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản cuối chiến tranh thế giới lần thứ 2. Trong khi SKZ Việt Nam chế tạo xuất hiện lần đầu trong trận đánh phố Lu (Bảo Thắng, Lào Cai), khi Việt Minh dùng để đánh phá các lô cốt của quân Pháp.
Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương” của Lucien Bodard xuất bản năm 1963 tại Paris có viết: “Trước đây người Việt Nam chỉ có thể đột phá vào đồn bốt bằng việc lấy sức liều mạng. Nhưng bây giờ họ làm việc đó bằng bazoka hoặc SKZ (một loại đại bác không giật do Việt Minh chế tạo). Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ mà người Việt Nam chế tạo tại Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi”.
Với những đóng góp to lớn cho khoa học nói chung của GS.VS Trần Đại Nghĩa, từ năm 2016 Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã lấy tên ông đặt tên cho giải thưởng dành cho những công trình khoa học xuất sắc và tham gia tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó ở Việt Nam.
Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 được trao cho 4 công trình khoa học gồm: Công trình Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam; Công trình Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm; Công trình Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế; và Công trình Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long.