Sau đây là bài của Sputnik về một dự án như vậy – mẫu máy bay vượt trước thời đại nhưng không được sản xuất hàng loạt.
Đây là máy bay đánh chặn tầm xa La-250 của Liên Xô. Chỉ có các chuyên gia không quân và một nhóm nhỏ những người có đam mê về kỹ thuật hàng không mới biết về chiếc máy bay này.
Công ty cổ phần “Hiệp hội khoa học và sản xuất mang tên Lavochkin” - một doanh nghiệp của ngành công nghiệp tên lửa vũ trụ Nga - đặt tại thị trấn Khimki (khu vực Matxcơva). Hiện nay doanh nghiệp chỉ sản xuất các loại tên lửa vũ trụ. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ XX khi xí nghiệp mang tên “Phòng thiết kế thử nghiệm” (OKB-301), tại đây các chuyên gia đã nghiên cứu chế tạo không chỉ các loại tên lửa mà cả máy bay. Đứng đầu xí nghiệp này là nhà thiết kế xuất sắc Semyon Lavochkin (1900-1960) - người đã tạo ra các máy bay chiến đấu tiền tuyến nổi tiếng trong Thế chiến thứ hai, LaGG-3, La-5, La-7, La-9, và sau đó – các tên lửa phòng không. Phòng thiết kế Lavochkin cũng đã tham gia thực hiện chương trình tên lửa chiến lược, vào giữa những năm 1950 đã tạo ra tên lửa hành trình chiến lược siêu thanh Burya (La-X-350).
Tuy nhiên, Lavochkin vẫn tiếp tục thiết kế các máy bay chiến đấu. Ông đã nhận thức được rằng, các máy bay chiến đấu với động cơ piston đang đi vào quá khứ. Trong năm 1948, ông đã tạo ra máy bay chiến đấu phản lực cận âm La-15. Máy này này đã được sử dụng trong lực lượng Không quân Liên Xô và Hàng không Phòng không Liên Xô trong những năm 1949-1954. Nhưng, La-15 không có lợi thế rõ ràng so với MiG-15 nổi tiếng. Và Liên Xô đã thông qua quyết định chỉ sử dụng MiG để đồng nhất đội máy bay chiến đấu, đặc biệt là các máy bay MIG đã hoạt động rất hiệu quả trong các trận thực chiến ở Triều Tiên vào những năm 1950-1953.
Vào tháng 11 năm 1953, Liên Xô đã quyết định tạo ra máy bay đánh chặn siêu âm mọi thời tiết với vũ khí tên lửa có khả năng chống lại các mục tiêu trên không bay ở độ cao tới 20 km với tốc độ lên tới 1.250 km / h. Máy bay đánh chặn phải có khả năng bay vào khu vực tấn công theo hướng dẫn từ các trạm mặt đất với sự giúp đỡ của các thiết bị trên máy bay. Nhiệm vụ vô cùng khó khăn vào giữa những năm 1950: tạo ra không chỉ một tổ hợp mới chiến đấu trên không, mà còn cả vũ khí cho nó. Và Phòng thiết kế OKB-301 đã được giao nhiệm vụ này.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Semyon Lavochkin và các đồng nghiệp của ông đã thiết kế máy bay La-250. Chiệc máy bay hai động cơ với đôi cánh hình tam giác ("delta") (nghiêng 57 độ), với đuôi ngang hình tam giác tương tự và khung gầm ba trụ của máy bay phản lực. Các cửa hút khí động cơ được đặt ở hai bên thân máy bay hình bầu dục, các thùng nhiên liệu chiếm gần như toàn bộ không gian trong thân máy bay. Trong "mũi" dài của máy bay bố trí radar Uragan và ăng ten của thiết bị ngắm mục tiêu, và trên các mấu treo bên ngoài có hai quả tên lửa không đối không K-15 cũng được phát triển tại Phòng thiết kế Lavochkin trong năm 1956. Nhiệm vụ kỹ thuật là chế tạo máy bay đánh chặn 1 chỗ ngồi, nhưng nhà thiết kế đã chứng minh sự cần thiết phải bố trí 2 chỗ ngồi ít nhất trên mẫu máy bay thử nghiệm. Vì Phòng thiết kế không có sẵn chiếc động cơ mạnh, một động cơ AL-7F có lực đẩy thấp hơn đã được lắp đặt trên chiếc La-250 đầu tiên. Nhân tiện, để “nhìn” vào các động cơ có thể dễ dàng tháo dỡ phần phía sau thân máy bay ngay cả trong điều kiện sân bay.
Kích thước và các đặc tính kỹ thuật quan trọng nhất của máy bay đánh chặn La-250 vào giữa những năm 1950 là rất ấn tượng. Chiều dài 26,8 mét, chiều cao - 6,5 mét, sải cánh gần 14 mét, diện tích cánh - 80 mét vuông, trọng lượng cất cánh tối đa - 27,5 tấn, khối lượng nhiên liệu - 5,2 tấn, tổng lực đẩy của các động cơ - 17,9 tấn, tốc độ tối đa - 1.800 km / h, tầm bay - 2.000 km, thời gian bay (tuần tra) là 2 giờ 10 phút, trần bay thực tế tối đa - 17. 000 mét.
Chiếc La-250 đầu tiên đã hiện diện trên sân bay vào tháng 7 năm 1956 và gây ấn tượng mạnh với các nhân viên kỹ thuật. Họ ngay lập tức đặt tên riêng của nó - "Anakonda". Nhưng, ngay trong chuyến bay đầu tiên, nhiều thứ đã bị trục trặc, Anakonda nghiêng cánh sang phải và bắt đầu lắc lư theo chiều dọc. Khi hạ cánh, càng bánh xe bên phải gặp trục trặc trên đường băng, nhưng, chiếc máy bay vẫn có thể bay thêm 800 mét và hạ cánh được nhưng vượt ra ngoài đường băng. Phi công thử nghiệm không bị thương, nhưng máy bay bị hư hại.
Sau khi hoàn thiện hệ thống điều khiển, phiên bản nâng cấp La-250A đã thực hiện nhiều chuyến bay thành công. Dù có vấn đề với lốp bánh của càng, với độ tin cậy của động cơ, nhưng, đây chỉ là những căn bệnh thường xảy ra với bất kỳ mẫu máy bay mới nào. Tuy nhiên, vào ngày 28 tháng 11 năm 1957, một tai nạn lại xảy ra: trong khi hạ cánh trong điều kiện thời tiết bất lợi, phi công đã không nhìn thấy điểm đầu của đường băng vì mũi máy bay quá dài, và Anakonda đã xuống đất vài mét trước đường băng. Sau tai nạn này, mũi của La-250A đã được hạ xuống một chút để cải thiện tầm nhìn. Đáng tiếc, vào ngày 8 tháng 9 năm 1958, máy bay thứ ba cũng chịu một tai nạn hạ cánh. Và đây là chuyến bay thử nghiệm cuối cùng của Anakonda, mặc dù chất lượng bay cao của nó đã được xác nhận. Đến năm 1960, chương trình La-250 bị hủy bỏ. Chiếc máy bay đánh chặn còn lại đã được chuyển đến bảo tàng, và OKB-301 đã chấm dứt chương trình chế tạo máy bay và tập trung vào tên lửa.
Nhà thiết kế tài năng rất khó chịu sau thất bại với chiếc máy bay , mà ông tận tâm cống hiến hết sức lực. Vào ngày 9 tháng 6 năm 1960, Thiếu tướng Semyon Lavochkin, người được hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động Xã hội Chủ nghĩa, đã lên cơn đau tim và qua đời không lâu sau đó.