Đây là khẳng định của nhà tư vấn xung quanh câu chuyện Việt Nam được hưởng lợi gì, phải làm gì trước diễn biến mới xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc trong xu thế thoát ly của một số doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc ra nước khác, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng, muốn biết Việt Nam phải làm gì để hút doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, cần phải giải đáp các câu hỏi, liệu có doanh nghiệp tốt rời khởi Trung Quốc hay không? Liệu Trung Quốc có để các doanh nghiệp tỷ đô rời khỏi nước này, liệu với thị trường tỷ dân, các nhà tư bản có sẵn sàng rời khởi Trung Quốc hay không?
Thưa ông, ngày nay, quan hệ thương mại của thế giới đã có những thay đổi rất ghê gớm từ chủ nghĩa đa phương, tự do hóa, chu chuyển công nghệ, kỹ thuật giữa các nước sang bảo hộ, dân tộc, trừng phạt nhau bất chấp cách mạng công nghệ 4.0. Ông có thể nói về cơ hội của Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu 4.0 và thách thức?
- Tôi không thích người ta nói nhiều cơ hội Cách mạng 4.0, gọi là “4.0” cũng giống như người Việt gọi 300 USD là “3 vé”. Tôi không thích cách dùng như thế.
Theo tôi, làm được cái gì là kết quả của sự tích lũy kinh nghiệm, sự hiểu biết của một dân tộc, của một cộng đồng. Không phải cái gì chúng ta không làm được trong ba cuộc cách mạng trước, chúng ta sẽ làm được trong cuộc cách mạng này.
Cho nên, nếu Việt Nam không tích lũy được kinh nghiệm, không đi vào thực tế thì không làm được và chúng ta vẫn sẽ tiếp tục lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Tôi kể câu chuyện, ngày xưa người phương Tây tráng lớp thủy tinh lên gương, sau đó mang sang châu Mỹ la tinh, châu Á để đổi lấy vàng hoặc quà tặng Từ Hy Thái Hậu (Trung Quốc) và các tù trưởng ở châu Mỹ. Thời ấy qua rồi, con người khôn ngoan hơn trước nhiều rồi, không nên nói nhiều quá, nói dễ quá.
Chắc chắn là cuộc chiến tranh lạnh hiện đại sẽ hình thành các tuyến lợi ích khác nhau trên thế giới một cách mềm dẻo và linh hoạt, không giống với cuộc chiến tranh lạnh của hai phe trước đây.
Chính vì vậy, tận dụng thời cơ phải chủ động và thay đổi chính mình, chứ không thể lấy của người này, của người khác.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến ngày càng gay gắt, Mỹ và Trung Quốc thay nhau cảnh báo các thiệt hại của đối thủ. Với Trung Quốc, thị trường có cả tỷ dân song nhiều thiết bị, phần mềm của Mỹ không được chào đón, thậm chí Facebook bị chặn tại quốc gia này. Trong khi đó, Trung Quốc xem Mỹ là thị trường xuất khẩu béo bở, giá trị lớn. Vậy, trong cuộc chơi này, ai thiệt hơn ai?
- Tôi cho rằng, họ sẽ đi đến một cuộc chiến tranh thường xuyên, nhưng không dẫn nhau đến sự sụp đổ vì cả hai sẽ đều tổn thương, cuộc chiến chỉ đi đến sự chừng mực.
Nếu Mỹ có làm gì thì cũng là để kìm hãm Trung Quốc chứ không phải phá được Trung Quốc, càng không phải để tàn phá Trung Quốc. Cả hai quốc gia này đều không đủ tiềm lực để tàn phá lẫn nhau.
Cả hai bên đều cần nhau nên đến giới hạn nào đó thì họ phải dừng lại thôi. Tôi nghĩ đã đôi lúc người ta bật tín hiệu dừng lại rồi, nhưng dừng lại để hòa bình yên ổn trở lại thì không phải, dừng lại là để thực hiện một cuộc chơi khác. Các cuộc chơi thương mại là các cuộc chơi thường xuyên và có tính chất chiến thuật.
Theo ông, đặt Việt Nam trong bối cảnh xung đột giữa hai quốc gia với nhau, nhất là Trung Quốc là nước chúng ta nhập khẩu lớn, Mỹ là bạn hàng chiến lược, chúng ta sẽ phải làm gì?
- Trên phạm vi toàn cầu, văn hóa về cư xử trong tình thế xung đột giữa các nước lớn đang hình thành dần dần. Chúng ta sẽ được hưởng lợi từ những kinh nghiệm mà nhân loại có trong ứng xử.
Các quy cách ứng xử trong tình thế va chạm giữa các nước lớn đều phải cân đối lợi ích rất cẩn thận. Tình thế cuộc chiến tranh thương mại này đang dạy các nhà chính trị của các quốc gia nhỏ bài học đầu tiên về việc phải thấu hiểu lợi ích của quốc gia mình, chứ không phải chỉ thấu hiểu lợi ích chính trị của chính phủ mình.
Trước đây, các quốc gia phải theo phe, chọn phe. Bây giờ, cuộc chiến tranh của ông Trump là cuộc chiến tranh giữa các tuyến lợi ích chứ không phải giữa các phe. Do tính chất lưỡng cực của mọi cuộc đấu tranh nên nó đều hình thành các tuyến, các tuyến ấy là các phe tranh chấp khác nhau trong từng tình huống khác nhau.
Hiện thế giới phát triển thành đa cực, không nặng nề về ý thức hệ, chính trị mà dựa vào lợi ích quốc gia, lợi ích cốt lõi. Chính sách của chúng ta cần phải rất linh hoạt, không nói cứng và không nói nhiều. Các chiến lược phát triển cần được đúc kết, làm nhiều hơn là nói giáo điều, nói mệnh lệnh.
Những năm 1980, xung đột kinh tế giữa Nhật Bản và Mỹ diễn ra thì một số doanh nghiệp của Nhật và Mỹ chuyển sang Singapore, Thái Lan. Đó cũng là một nguyên nhân giúp cho Singapore và Thái Lan thịnh vượng, điều này có xảy ra với Việt Nam ở hiện tại và tương lai?
- Để có câu trả lời, chúng ta phải tự giải đáp các nghi hoặc, câu hỏi. Chắc gì thái độ bài xích Trung Quốc của Tổng thống Trump kéo dài? Ai dám chắc những doanh nghiệp tốt do sự xung đột với người Mỹ mà họ đi khỏi Trung Quốc?
Thứ ba là người Trung Quốc có ngốc đến mức để các doanh nghiệp tốt đi hết mà không thay đổi chính sách của mình để giữ các công ty nước ngoài ở lại?
Hơn nữa, liệu tổng thống Trump liệu có đủ lực để kéo dài hiện tượng dịch chuyển của các công ty Mỹ ra khỏi thị trường khổng lồ Trung Quốc hay không?
Các doanh nghiệp thế giới nói chung và Mỹ nói riêng có dễ từ bỏ một thị trường béo bở có nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ có hơn 1,4 tỷ dân?
Tất cả những câu hỏi ấy cần được giải đáp để định hình cho chủ trương tận dụng luồng vốn hay xếp sẵn chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài. Nếu cứ mãi câu chuyện tận dụng dịch chuyển doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc thì đó mãi chỉ là quan điểm của mấy anh buôn chuyến lặt vặt.
Thế nhưng, đón lấy doanh nghiệp thoát ly khỏi Trung Quốc đang là tư tưởng của rất nhiều chuyên gia, thậm chí quan chức Việt hay nhắc đến gần đây. Phải chăng ông phê phán quan điểm này?
- Trong thế giới thay đổi nhanh chóng và đặc biệt Việt Nam có nền kinh tế có độ mở rất lớn, chúng ta cần phải nghiên cứu để mình trở nên hấp dẫn đối với thế giới, chứ không phải để mình hứng được quả rụng từ Trung Quốc.
Nếu một nhà lãnh đạo hướng dẫn nhân dân chuẩn bị để hứng các quả rụng miễn phí từ Trung Quốc thì đấy là một nhà lãnh đạo kém. Chắc gì những quả rụng đấy lại là quả tốt đối Việt Nam. Nên nhớ Trung Quốc đang cải cách nền kinh tế thâm dụng năng lượng, công nghệ kỹ thuật cũ... nếu chúng ta vô tình đón lấy, sẽ dính bẫy.
Chúng ta phải tự hấp dẫn, không phải chỉ với các công ty nước ngoài chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc mà cả với công ty của Trung Quốc nữa.
Tôi nhắc lại, không nên khuyến khích, truyền bá tư tưởng chuẩn bị lực lượng để hứng các quả rụng từ nền kinh tế Trung Quốc. Lịch sử chỉ được viết một lần, con đường đi của mỗi dân tộc khác nhau, chúng ta không thể rập khuôn, sẽ dẫm phải vết xe đổ và là nạn nhân của chính chúng ta.
Liên hệ thực tế, thời gian vừa qua Bộ GTVT phát đi thông điệp đường bộ cao tốc Bắc Nam thì doanh nghiệp Việt không đủ sức làm, chỉ có doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm. Nhiều bài học như 12 đại dự án thua lỗ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là minh chứng cho chậm tiến độ, đội vốn, phá vỡ quy hoạch… Ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Tại kỳ họp thứ 35 trong cuối tháng 4/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đến ba Thứ trưởng Bộ GTVT bị đề xuất kỷ luật (ông Nguyễn Hồng Trường, ông Nguyễn Văn Công, ông Nguyễn Ngọc Đông và ông Nguyễn Nhật - PV). Anh vi phạm thì làm sao anh quản lý được nhà đầu tư.
Các công ty Trung Quốc không chỉ làm dự án ở Việt Nam mà làm ở mọi nơi trên thế giới, cả ở Châu Âu, cả ở Mỹ. Có những dự án họ làm có vấn đề, nhưng cũng có những dự án họ làm trôi chảy vì họ có nền sản xuất tốt.
Các công ty nhận thầu xây dựng cơ sở hạ tầng có làm tốt hay không là do quản lý Nhà nước. Quản lý nhà nước tồi, tham nhũng thì đương nhiên các nhà thầu sẽ làm ẩu thôi.
Tại nhiều nước, họ đã dừng dự án của nhà thầu Trung Quốc vì sai phạm. Đó là điều khiến cho các nhà thầu biết sợ. Người Trung Quốc cũng biết sợ với các nỗi sợ phổ biến: sợ pháp luật, sợ sự chính đáng, sợ sự đúng đắn.
Đừng nói rằng người Trung Quốc bất chấp lẽ phải. Không phải chúng ta chỉ vướng với các công ty Trung Quốc, với các công ty Nhật Bản chúng ta cũng vướng.
Chúng ta có một nền hành chính kém, không liêm chính. Chính phủ nhắc rất nhiều về liêm chính nhưng vẫn còn đang rất vất vả để đi đến trạng thái ấy.
Trân trọng cảm ơn ông!