“Nếu chúng tôi có được một chiếc P-3 Orion, đó là điều rất tốt. Trừ khi máy bay này được trang bị tất cả các thiết bị nguyên bản, còn không nó chỉ là máy bay vận tải. Chúng tôi sẽ xem xét liệu có thể mua một hoặc hai chiếc không”, tạp chí National Interest ngày 16/6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết.
Bộ trưởng Lorenzana nói rằng máy bay tuần tra sẽ hỗ trợ Philippines tăng cường khả năng giám sát khu vực. Theo ông, các máy bay Orion sẽ đóng vai trò “rất quan trọng” vì năng lực kiểm soát của Philippines trong khu vực sẽ được “nâng cao đáng kể”.
Theo một thông cáo báo chí của chính phủ Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana sẽ “sớm đưa ra đề nghị chính thức về việc mua máy bay Mỹ”.
Năng lực tuần tra hàng hải của Philippines hiện vẫn còn hạn chế. Hải quân Philippines đang được trang bị 5 máy bay tuần tra TC-90 do Hải quân Nhật Bản tặng vào các năm 2017 và 2018. TC-90 có tầm hoạt động gần 2.000 km.
Trong khi đó, máy bay tuần tra P-3 Orion do tập đoàn vũ khí Lockheed Martin sản xuất có tầm bay lên tới 3.800 km. Đây là dòng máy bay chủ lực trong các hoạt động tuần tra hàng hải tầm xa của Mỹ từ thập niên 1960.
P-3 Orion có thể được trang bị các cảm biến phức tạp, tên lửa Harpoon, vũ khí chống tàu ngầm và mìn.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc đang vướng vào một vụ lùm xùm liên quan tới vụ va chạm giữa tàu cá hai nước tại bãi Cỏ Rong trên Biển Đông. Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển trước khi họ được một tàu của Việt Nam giải cứu.