Cụ thể trong thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc cho hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, tập đoàn Central cho biết tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7-2019.
Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên được lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.
"Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam", thông báo của Central nêu rõ.
Theo thông báo này, tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2-7-2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại.
Sau động thái đột ngột của tập đoàn đến từ Thái Lan, chiều ngày 3-7 nhiều đại diện của các doanh nghiệp dệt may đã có mặt tại văn phòng đại diện Central Group ở TP.HCM để làm rõ và phản đối quyết định này.
Bởi theo họ việc đột ngột ngưng hợp tác này gây ra nhiều thiệt hại về tài chính, đồng thời là nỗi lo về việc hàng ngoại nhập sẽ chen chân vào hệ thống siêu thị này sau khi ngưng hợp đồng với các đối tác Việt.
Được biết đại diện Big C đã mời các doanh nghiệp này vào văn phòng để giải thích cặn kẽ. Theo thông tin trên báo Người Lao động, đại diện Big C cho hay quyết định dừng nhập hàng may mặc chỉ là tạm thời chứ không phải chấm dứt hợp đồng. Việc này nhằm kiểm kê lại hàng tồn kho, đánh giá lại chiến lược…Sau đó, Tổng giám đốc Big C sẽ làm việc với các doanh nghiệp để bàn bạc về mô hình mới, hướng tới hợp tác phát triển lâu dài.
Và trong thời gian tới, Big C Việt Nam cho biết sẽ có thông cáo báo chí giải thích đầy đủ và cụ thể hơn về quyết định tạm ngưng nhập đồ may mắc của các doanh nghiệp Việt.
Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan vào năm 2016 đã mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ USD. Trước đó tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Mertro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD.
Như vậy, chỉ riêng hai đại gia Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, bao vây thị trường bán lẻ Việt. Tính chung, đến thời điểm trên, hơn 50% thị phần bán lẻ hiện đại Việt đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại.
Theo khảo sát của chúng tôi tại thời điểm trên, sau khi các hệ thống bán lẻ Việt rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, sản phẩm của các công ty Việt rất khó có cơ hội vào kênh bán lẻ hiện đại.
Ngay tại cổng chính Siêu thị Metro, khách hàng bắt gặp một khu vực chuyên bày bán hàng hóa Thái Lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị này để trưng bày hàng hóa của họ. Tại đây bán đủ các mặt hàng Thái từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm.
Một số công ty Việt than thở sau khi Metro rơi vào tay người Thái, hàng hóa của họ đưa vào hệ thống siêu thị này giảm hẳn.
“Dù họ không tuyên bố huỵch toẹt từ nay sẽ không lấy hàng của doanh nghiệp (DN) Việt nhưng họ tìm nhiều cách để hạn chế hàng Việt. Họ từng bước đưa hàng của nước họ vào siêu thị để thay thế hàng Việt. Chính vì vậy nếu trước đây hàng Việt vào siêu thị được 10 phần thì nay giảm chỉ còn hai, ba phần” - đại diện một công ty sản xuất nước mắm thông tin.
Đáng lưu ý, không chỉ các siêu thị lớn như Metro, Big C mà hệ thống các cửa hàng tiện lợi như B’smart sau khi vào tay người Thái cũng “chê” hàng Việt. Hàng Thái dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ. Giám đốc một DN nói:
“Bây giờ chúng tôi không thể đưa hàng vào được vì họ không nhập hàng Việt Nam vào nữa!”.
Một DN khác cũng cho hay, thông thường khi mua bán, thâu tóm siêu thị tại Việt Nam, các đại gia ngoại luôn cam kết rằng họ sẽ ưu tiên số một cho hàng Việt.
"Nhưng thực tế có đúng như vậy không? Câu trả lời là không! Bằng chứng là sau khi Tập đoàn bán lẻ BJC của Thái mua lại hệ thống Metro, hàng của nước này đã dần phủ các kệ hàng".