Chiều nay (15/7), Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người.
Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, 2 phương án được đề xuất. Phương án 1 quy định Lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thiên về phương án này.
Còn phương án 2 là giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người như Phương án 1 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Về số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, 2 phương án cũng được đưa ra. Song Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thiên về quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách.
Nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.
Cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cũng đồng tình với việc tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người (hiện có khoảng 5.500 cấp xã loại II).
Cơ quan dân cử mạnh để kiểm soát quyền lực
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh chủ trương và định hướng hoạt động của cơ quan dân cử là ngày càng tăng đại biểu hoạt động chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực.
Trước đây, cấp tỉnh có 1 Phó Chủ tịch và 1 uỷ viên thường trực HĐND, sau đó đưa lên thành 2 Phó Chủ tịch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Bây giờ đề xuất giảm là không có cơ sở và nhiều ý kiến ở địa phương không đồng thuận với đề xuất này. Với HĐND cấp huyện có thể giảm 1 Phó Chủ tịch nhưng ở cấp tỉnh phải cân nhắc.
“Chúng ta đang thực hiện Bí thư Tỉnh uỷ đồng thời là Chủ tịch HĐND, theo quy định một người không đồng thời giữ 3 chức vụ (vừa là Bí thư, vừa là Chủ tịch HĐND, vừa làm Trưởng đoàn ĐBQH) thì Quốc hội khoá tới không có Bí thư nào làm đại biểu Quốc hội?”– Chủ tịch Quốc hội lưu ý và bày tỏ quan điểm không giảm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị có thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
“Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử? Thái độ của mình xem cơ quan dân cử thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề và đề nghị báo cáo lại Bộ Chính trị và Ban Chấp hành T.Ư về ý kiến của dân đối với vấn đề này.
“Tôi chưa nghe ý kiến nào nói vướng khi có 2 Phó Chủ tịch HĐND” - ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu ý kiến và dẫn số liệu cho thấy số đại biểu hoạt động chuyên trách chỉ có 508 người, chiếm 6,34%, tức là rất ít.
“Nếu nói tăng Phó Chủ tịch UBND xã thêm 5.500 người là hợp lý thì tại sao cần phải giảm 63 người ở HĐND cấp tỉnh (mỗi tỉnh giảm 1 Phó chủ tịch HĐND)? Xu thế chung Quốc hội đang tăng đại biểu hoạt động chuyên trách (hiện chiếm 35%). Không nên đặt vấn đề giảm số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, nhất là Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh” – ông Trần Văn Tuý nêu quan điểm.
Không đặt giảm bên này mà không giảm bên kia
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, cơ sở xây dựng một luật sửa hai luật này là bám sát nghị quyết của Đảng, nhu cầu thực tế và những vấn đề phát sinh qua 4 năm thực hiện 2 luật.
Còn những vấn đề liên quan nghị quyết Trung ương như giảm Phó Chủ tịch HĐND, đại biểu HĐND...đề nghị báo cáo xin ý kiến cấp thẩm quyền.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cũng khẳng định, thực tế HĐND cấp tỉnh thường có 2 chuyên trách và quan điểm sửa luật lần này vẫn giữ chuyên trách là 2 người.
“Có ý kiến nói luật này tập trung giảm biên chế cơ quan dân cử thì xin báo cáo Chính phủ cũng giảm mạnh trong sắp xếp cơ quan chuyên môn. Số lượng cấp phó cũng giao quyền cho Bộ trưởng quyết định nhằm khuyến khích các đơn vị bên trong bộ sắp xếp gọn lại. Cho bình quân là 3 cấp phó thì có thể chỗ có 4, chỗ 3 nhưng có nơi chỉ cần 1” – ông Lê Vĩnh Tân nói và nhấn mạnh Bộ không đặt vấn đề giảm bên này mà không giảm bên kia vì chủ trương giảm biên chế là thực hiện chung trong hệ thống chính trị.