Tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức sáng 13-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sắp tới TP HCM sẽ chọn Singapore là đối tác chiến lược để đưa GD-ĐT của TP đạt chuẩn quốc tế.
Muốn đi đầu, giáo dục phải đi đầu
Đánh giá cao những thành tích của ngành GD-ĐT TP đã đạt được, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, TP HCM có điểm trung bình tốt nhất trong 5 TP và xếp hạng 5 cả nước. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong kỳ thi này, số lượng học sinh (HS) của TP dự thi gấp 1,5 lần HS 4 địa phương có điểm trung bình thi THPT quốc gia đứng đầu cả nước, cao hơn TP HCM. Đây là một kết quả đáng biểu dương của ngành GD-ĐT TP trong năm học vừa qua.
Cũng theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP HCM đang đối diện với áp lực giải quyết nhu cầu của số HS tăng thêm mỗi năm từ 60.000 đến 70.000 em. Thế nhưng, TP đã dành nguồn lực đầu tư phòng ốc, trường học đáp ứng nhu cầu này. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, TP HCM luôn quan tâm, chú trọng nâng cao trình độ, chất lượng đối với giáo viên và cán bộ quản lý dù đang gặp một số khó khăn, như yêu cầu tinh giản biên chế, các thách thức trong phát triển và chịu áp lực duy trì mức năng suất lao động cao nhất cả nước và gấp 3 lần cả nước hiện nay.
Khẳng định vai trò của giáo dục, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP muốn đi đầu cả nước thì không có cách nào khác là giáo dục phải đi đầu, phải nâng cao chất lượng giáo dục đạt đến trình độ quốc tế, từ các cấp học phổ thông đến các trường nghề cũng như các cấp học cao hơn. TP HCM tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho giáo dục và sắp tới đây, TP sẽ bàn chương trình phối hợp với đối tác Singapore trong việc thực hiện GD-ĐT đạt chuẩn quốc tế, cụ thể là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn hóa đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó…
"TP HCM muốn cạnh tranh thì giáo dục phải hướng đến chất lượng quốc tế" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Nhiều kiến nghị trước năm học mới
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM, trong các phiên thảo luận nội bộ trước hội nghị, nhiều kiến nghị của đại diện các quận, huyện, nhà trường mong muốn sớm có cơ chế để tháo gỡ những khó khăn cho giáo dục hiện nay, như tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, việc xây dựng các trường tư thục gặp trục trặc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều quận, huyện kiến nghị mô hình tuyển sinh trực tuyến. Trong khi đó, nhiều đại biểu mong muốn sớm có sách giáo khoa theo chương trình mới để làm quen, đồng thời có kế hoạch tập huấn giáo viên dạy các môn tổ hợp để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đề nghị lãnh đạo UBND các quận, huyện rà soát lại quy hoạch đất tại địa phương, phải tập trung ưu tiên đất cho giáo dục, giao Sở GD-ĐT làm đầu mối tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định của UBND TP về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành GD-ĐT TP đến năm 2020. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học cao, gặp khó khăn đặc biệt trong công tác xây dựng trường học… Thường trực UBND TP sẽ chủ trì để cùng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục; phải bảo đảm đủ trường lớp, giảm sĩ số HS theo quy định và phấn đấu để 100% HS được học 2 buổi/ngày. Đây là những điều kiện rất quan trọng để bảo đảm chất lượng giáo dục. Ông Lê Thanh Liêm cũng chỉ đạo các sở - ngành, UBND các quận - huyện phối hợp với ngành GD-ĐT TP rà soát điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới một cách hiệu quả, trong đó tập trung một số nhiệm vụ như bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên; tham mưu TP xây dựng những đề án, chương trình có tính đột phá, đầu tư phát triển công nghệ. Phối hợp để các trường sớm tuyển dụng đủ giáo viên trước ngày tựu trường.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, với dân số tăng cơ học cao, hệ thống trường lớp của TP chỉ mới bảo đảm được chỗ học nhưng sĩ số HS/lớp còn cao, chưa đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi/ngày. Tuy vậy, năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT TP tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình, đồng thời triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và Luật Giáo dục sửa đổi.