Kỹ thuật này đã được sử dụng trong quân đội từ những năm 1950 và đòi hỏi sự cố gắng đặc biệt từ các đội lái xe. Về cách thức xe tăng tạm thời biến thành tàu ngầm, theo tài liệu của Sputnik.
Bịt kín các khe hở và mặt nạ để thở
Vượt qua chướng ngại vật dưới nước - một trong những yếu tố khó khăn nhất trong huấn luyện chiến đấu đối với lính tăng. Để thực hiện bài tập này, mỗi đội xe phải tham gia một khóa huấn luyện môn lặn trong bể nước sâu vài mét trang bị đặc biệt. Lính tăng học cách hành động trong các tình huống khẩn cấp và quan trọng nhất là không hoảng loạn khi xe ngập nước.
Trước khi được phép chạm đáy nước, ngay từ trên cạn, các quân nhân đã trau dồi kỹ năng điều khiển xe tăng trong mặt nạ thở, cho phép họ thoát khỏi một chiếc xe bọc thép bị chìm lên mặt nước, hoặc thực hiện các thao tác đơn giản dưới nước.
Không khí thở ra trong các thiết bị như vậy đi vào một hộp tái sinh, nhờ phản ứng hóa học xảy ra trong đó, tách khí carbon dioxide và làm giàu oxy. Mỗi mặt nạ được thiết kế cho một giờ rưỡi hoạt động dưới nước.
Xe tăng cũng được chuẩn bị để hạ chìm xuống nước: nắp được bịt kín bằng miếng đệm cao su, chụp cao su che lên nòng pháo, các kết nối và lỗ thủng xử lý bằng chất bôi trơn chống thấm đặc biệt. Bộ tản nhiệt động cơ đóng lại với vỏ bảo vệ, vặn chặt các van của hệ thống ống xả.
Ngày nay, hầu hết tất cả các xe bọc thép đều được trang bị thiết bị lái xe dưới nước. Bao gồm ống dẫn khí đặc biệt dài ba đến bốn mét, qua đó không khí đi vào động cơ.
Lao xuống nước vượt sông
Tuy nhiên ngay cả khi thiết bị đã được chuẩn bị kỹ, không ai lặn xuống nước ở những nơi chưa được kiểm tra kỹ. Trước khi vượt sông, các đơn vị kỹ thuật kiểm tra cẩn thận đáy sông và xác định tuyến đường đi chính xác. Trong trường hợp này, tốc độ dòng chảy không được vượt quá 2 mét mỗi giây. Nước chảy nhanh hơn có thể đẩy xe tăng ra khỏi tuyến đường chạy.
Dưới nước, một chiếc xe tăng hạng nặng di chuyển gần như mù lòa. Tất cả phụ thuộc vào người lái xe, được hướng dẫn bằng con quay hồi chuyển và mốc chọn trước ở bờ đối diện. Ngoài ra, để tránh động cơ tắt máy, cần liên tục duy trì một vòng quay nhất định và chỉ hoạt động ở số 1. Nếu cơ động, cần phải rất trơn tru.
Sự di chuyển của đoàn xe, được chỉ huy trưởng cuộc vượt sông, hoặc người chỉ huy đơn vị điều khiển từ trên bờ, liên lạc với các đội xe bằng máy thu phát sóng. Một điểm quan trọng, ở dưới nước, xe tăng phải duy trì sự im lặng vô tuyến hoàn toàn, radio được điều chỉnh để thu sóng - chỉ có thể sử dụng máy phát trong trường hợp khẩn cấp.
Nếu chiếc xe tăng bị chết máy hoặc lật vì lý do nào đó, đội xe sẽ đánh chìm xe. Tất cả đeo mặt nạ, áo phao, kích hoạt pháo báo hiệu, mở cửa xe và chui ra ngoài.
Truyền thống Xô viết
Đáng chú ý là các phương tiện chiến đấu đầu tiên phù hợp cho việc vượt sông đã được phát triển ở Liên Xô từ giữa những năm 1930. Đó là những chiếc xe tăng hạng nhẹ T-26 và BT-5 với thiết bị đặc biệt không khác biệt nhiều so với những chiếc xe hiện đại.
Đóng kín cửa xe và khe hở, lắp đặt ống dẫn khí, pháo và súng máy được bảo vệ bằng vỏ cao su. Nhờ vậy, các phương tiện chiến đấu có thể di chuyển dọc theo đáy các hồ nước sâu tới bốn mét. Trong Thế chiến II, những chiếc T-34 huyền thoại đã cố gắng thích nghi để hoạt động dưới nước.
Chủ đề vượt sông bằng xe bọc thép đã được quân đội Liên Xô chú ý đặc biệt. Thực tế trong cuộc xung đột giả định ở châu Âu, lực lượng xe tăng sẽ phải vượt qua nhiều tuyến đường sông nước. Trong chiến tranh Lạnh, các xe tăng Liên Xô đã nhiều lần vượt qua sông Neman, Elbe, Dnepr và các sông lớn khác trong các bài tập huấn luyện.
Việc cơ động các xe bọc thép theo cách này có thể ảnh hưởng đến kết quả của toàn bộ chiến dịch - băng qua một con sông không có cầu và cầu pháo, xe tăng có thể không được đột nhập vào hậu tuyến, nắm bắt thế chủ động và tấn công bất ngờ.
Ví dụ như trong cuộc tập trận “Trung tâm-2019”, một số bài tập chiến thuật đã diễn ra tại thao trường Yurginsky. Cùng với xe tăng, các xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và pháo tự hành Msta-S đã tham gia vượt sông với chiều rộng đạt đến 450 mét.