Việt Nam chuẩn bị xuất sắc Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc
Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 đã diễn ra ngày 15.10 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Đại diện cho phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN- Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội nghị lần này.
Trước khi Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN- Trung Quốc diễn ra, trong các ngày 13, 14.10, cuộc họp lần thứ 30 Nhóm công tác chung ASEAN- Trung Quốc về thực Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng đã được tổ chức. Đây là những hội nghị giữa khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc nhằm xem xét, thảo luận, kiểm điểm tình hình trên Biển Đông, thực hiện DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại Hội nghị lần này, dù là nước “đăng cai” tổ chức sự kiện, nhưng Việt Nam không giữ vai trò chủ tọa. Trung Quốc và Philippines là hai quốc gia điều phối viên ASEAN- Trung Quốc giai đoạn 2018-2021 cũng đồng thời chủ trì Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18.
“Trước hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến phía Việt Nam vì công tác chuẩn bị xuất sắc. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có một phiên họp SOM-DOC hiệu quả trong ngày hôm nay” – đặc phái viên, đại diện đoàn Philippines phát biểu cho biết.
Phía Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị lần này đối với các tiến trình thực hiện mục tiêu chung về việc đưa ra một kết luận SOM-DOC sớm nhất có thể, cũng như xây dựng niềm tin chung trong việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị lần này, đại diện phái đoàn Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc với tất cả đồng nghiệp ở đây vì sự thành công của phiên họp lần này. Phiên họp lần này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tôi tin rằng chúng ta có sẽ một kết luận SOM - DOC hiệu quả, mở ra một chương mới cho năm tới”.
Vấn đề Biển Đông là tâm điểm thảo luận của ASEAN- Trung Quốc
Riêng đối với tình hình Biển Đông, các hội nghị, cuộc họp diễn ra trong khuôn khổ chương trình làm việc lần này, đại diện các nước ASEAN- Trung Quốc dành nhiều thời gian trao đổi kỹ lưỡng, sâu rộng về những diễn biến phức tạo trên thực địa, đặc biệt là các vụ việc đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (nhất là khu vực Bãi Tư Chính).
Các đại diện quốc tế cùng thành viên các nước khu vực ASEAN đều bày tỏ sự lo ngại về tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông nếu tiếp tục kéo dài, sẽ rất nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ va chạm và tính toán sai lầm, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Theo đó, các nước ASEAN chú trọng đến nguyên tắc “tự kiềm chế”, “không quân sự hóa”, “không có các hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháo quốc tế và Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) .
Hội nghị lần này nhất trí, về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, các bên cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trong đó cần ưu tiên triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác xử lý những thách thức chung như bảo vệ môi trường biển, đối xử nhân đạo với ngư dân.
Đối với quá trình đàm phán COC, các nước hoan nghênh việc hoàn tất vòng rà soát đầu tiên văn bản dự thảo, nhất trí cần duy trì đà tiến triển đã đạt được, khẳng định cần gia tăng nỗ lực để xây dựng một Bộ quy tắc thực sự hiệu quả, thực chất, có thể ngăn ngừa xảy ra những vụ việc phức tạp như hiện nay.
Hội nghị xác định, để làm được điều này, các nước cần chuẩn bị kỹ cho các vòng đàm phán tiếp theo nhằm đạt được những kết quả cụ thể, thực chất. Theo đó các bên đã trao đổi về những phương thức thực hiện mới để áp dụng cho các cuộc đàm phán sắp tới.
Việt Nam chỉ trích Trung Quốc ngay tại Hội nghị ASEAN- Trung Quốc
Lần này, dù không giữ vai trò chủ tọa, song các phát biểu của Việt tại Hội nghị đều gây chú ý. Đoàn Việt Nam, theo đó, đã làm rõ về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự lần này đã nêu bật lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam dựa trên các quy định của pháp luật quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Trước đại diện Trung Quốc và 9 nước ASEAN, đoàn Việt Nam chỉ trích thẳng thắn hành vi xâm phạm đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam của Bắc Kinh thời gian qua, đồng thời Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh hành vi vi phạm của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và an ninh khu vực, đặc biệt, lối hành xử như vậy không tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển giữa ASEAN và Trung Quốc (COC).
Việt Nam khẳng định cam kết đối với tiến trình thực hiện DOC và xây dựng COC, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tái khẳng định vai trò và tính cấp thiết, nhất là trong bối cảnh như hiện nay, của việc cần phải có một Bộ Quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 giúp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai.
Để chuẩn bị thật tốt cho các vòng đàm phán sắp tới, Đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương cách làm việc, trong đó tập trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vai trò của các quan chức cao cấp (SOM) trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Việt nam lên tiếng thể hiện những quan ngại về các hành vi vi phạm luật quốc tế trên Biển Đông.
Trước đó, trong Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 17 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 5.2019, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu cũng lên án Bắc Kinh đã có các hành động đơn phương trên Biển Đông như quân sự hóa các đảo nhân tạo, đang gây xói mòn niềm tin và đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói về Biển Đông
Sáng 15.10.2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.
Tại sự kiện này, cử tri và nhiều đại biểu đều đồng loạt bày tỏ mối quan tâm đến các vấn đề đối ngoại, nhất là tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian lắng nghe và trao đổi với cử tri về công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thông tin, Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua đã dành cả một buổi trong chương trình nghị sự để nghe báo cáo về tình hình đối ngoại nhằm có thông tin và tạo được sự thống nhất, đoàn kết cao.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, quan hệ đối ngoại của chúng ta thời gian qua đã tốt rồi, nhưng mỗi khu vực, địa bàn cũng còn những vấn đề phức tạp riêng, đặc biệt là vấn đề về biên giới, hải đảo. Quốc gia nào cũng còn những vướng mắc cần tháo gỡ, xử lý.
“Ta ký được biên giới với Trung Quốc bao nhiêu năm nay, phân định được vịnh Bắc Bộ, bây giờ đang đàm phán phân định cửa vịnh Bắc Bộ. Hay gì mà căng thẳng, cả đôi bên cùng thiệt”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.
Theo vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, vấn đề phải được đặt trong tổng thể, vừa phải kiên quyết kiên trì bảo vệ đấu tranh, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, nhưng đồng thời cũng phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định, quan hệ hữu hảo.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm, việc xử trí các mối quan hệ này không hề đơn giản. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhân nhượng bất cứ thứ gì một cách vô nguyên tắc.
“Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó!”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Bí thư, vừa qua có một số phần tử kích động, to tiếng. lên gân, tỏ vẻ ra ta đây mới là anh hùng, ta đây mới là yêu nước, “vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Bí thư không yêu nước? Vô trách nhiệm à?”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề cập vấn đề, và khẳng định không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước kiên quyết nhấn mạnh: “Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng”.