Ở Hoa Kỳ, hơn một nửa số đầu đạn chiến lược được triển khai trên các tàu ngầm hạt nhân. Trung Quốc sở hữu 48 quả tên lửa JL-2 với tầm bắn 8.000-9.000 km và đang phát triển tên lửa JL-3 với thiết bị đẩy ba tầng có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 12.000 km.
Mặc dù Nga chủ yếu dựa vào các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với bệ phóng trên mặt đất, nhưng, cũng đang phát triển SLBM. Sau đây là bài của Sputnik về nội dung này.
Đợt phóng đầu tiên và tên SLBM đầu tiên được sản xuất hàng loạt
Vào giữa những năm 1950, Hoa Kỳ và Liên Xô đã tích cực phát triển các phương tiện mới mang vũ khí hạt nhân để tấn công lãnh thổ đối phương. Một trong những phương pháp là triển khai tên lửa với đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm để tiếp cận bờ biển đối phương và ném bom từ đó. Vào mùa thu năm 1954, Liên Xô đã thực hiện cuộc thử nghiệm đầu tiên phóng từ mặt đất tên lửa R-11FM dành cho lực lượng hải quân. Một năm sau, tên lửa đã được phóng từ tàu ngầm. Nó chỉ bay được 250 km, nhưng, toàn thế giới đã thấy rằng, Liên Xô có khả năng thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Tây Âu và Hoa Kỳ.
Những chiếc SLBM đầu tiên (cả của Liên Xô và Mỹ) chỉ có thể được phóng từ vị trí trên mặt nước và phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị phóng, khiến tàu ngầm dễ dàng bị phát hiện bởi không quân và tàu chiến nổi của đối phương. Tên lửa đầu tiên của Liên Xô được phóng từ dưới lòng biển (từ độ sâu 40 mét) là R-21, tên lửa này đã được trang bị cho quân đội vào năm 1963. R-21 với tầm bắn xa 1.300 - 1.600 km có thể mang đầu đạn có sức công phá từ 800 Kt (kiloton) đến 1 Mt (megaton). Tuy nhiên, R-21 thua kém về tầm bắn các tên lửa Polaris của Mỹ (chúng có tầm bắn 2.200-2.800 km). Do đó, sau vài năm, Liên Xô đã thử nghiệm tên lửa R-27 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá 1 megaton ở khoảng cách lên tới 3.000 km. Tên lửa này được phóng theo phương pháp được gọi là “xuất phát trong điều kiện ẩm ướt”. Để chuẩn bị cho việc phóng cần phải đổ nước vào miệng hầm, áp lực được cân bằng với bên ngoài, sau đó phải mở nắp và bật động cơ.
Tuy nhiên, việc đổ nước tạo ra tiếng ồn, và tàu chống ngầm của đối phương có thể nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm. Vì vậy, trên tàu ngầm nên bố trí các tên lửa đẩy nhiên liệu rắn. Chúng được đẩy từ miệng hầm bằng thuốc nổ và động cơ chính được bật ở trên mặt nước. Phương pháp này nhanh hơn và không gây tiếng ồn. Các loại tên lửa SLBM nhiên liệu rắn là R-31, R-39 của Liên Xô, cũng như tên lửa Bulava của Nga.
Dành cho tàu ngầm lớp Dolphin và Borey
Ngày nay, các tàu ngầm hạt nhân của Nga sử dụng một số loại tên lửa đạn đạo. Đầu tiên là tên lửa hai tầng R-29R sử dụng nhiên liệu lỏng, được trang bị chiếc tàu ngầm cuối cùng thuộc dự án Kalmar vẫn còn phục vụ. Mỗi tên lửa như vậy có thể mang 3 đầu đạn 200 Kt ở khoảng cách 6.500 km. Thứ hai là tên lửa ba tầng R-29RM sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa này được trang bị cho các tàu ngầm thuộc dự án Dolphin. Phiên bản sửa đổi mới nhất của tên lửa này - "Sineva" – có tầm bay hơn 11.550 km và mang theo 4 hoặc 10 đầu đạn với sức tàn phá 500 hoặc 100 Kt, và có khả năng “vượt mặt” các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Thứ ba – tên lửa hiện đại nhất Bulava sử dụng nhiên liệu rắn. Bulava được trang bị cho các tàu ngầm thuộc dự án Borey và dự án 941 (tàu ngầm hạng nặng Dmitry Donskoy). Một quả tên lửa Bulava mang sáu đầu đạn có đương lượng nổ 150 Kt và có khả năng vượt qua hơn 9.000 km. Độ lệch mục tiêu của tên lửa này chỉ vào khoảng 350m.
Ngoài ra, giai đoạn tăng tốc của Bulava là rất ngắn (mà chính ở giai đoạn này tên lửa dễ bị tổn thương nhất bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa) và có tính cơ động cao để bảo vệ khỏi các máy bay đánh chặn được thiết kế cho quỹ đạo đạn đạo thông thường.