Tầu hỏa “tên lửa hạt nhân” của Nga được ngụy trang như những tàu hàng di chuyển khắp đất nước rộng lớn đã làm đau đầu cho các quan chức Lầu Năm Góc. Sau đây là bài của Sputnik về loại vũ khí hạt nhân khó bị phát hiện.
1.000 km chỉ trong một ngày
Với sự phát triển của các phương tiện trinh sát vũ trụ, việc giữ bí mật nơi bố trí vũ khí hạt nhân ngày càng khó khăn hơn. Ngay từ những năm 1970 đã trở nên rõ ràng: đối thủ tiềm tàng biết về hầu hết các bệ phóng trên mặt đất và trong trường hợp chiến tranh quy mô lớn, hàng chục tên lửa sẽ bay vào chúng. Đây là lý do tại sao các hầm phóng tên lửa được bảo vệ vững chắc, nắp hầm phóng có trọng lượng mấy chục tấn được thiết kế để chịu áp lực lên đến 100 atm.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi tăng cường bảo vệ các hầm phóng, các chuyên gia quân sự vẫn không từ bỏ ý tưởng ngụy trang cho lực lượng tên lửa hạt nhân. Cả Liên Xô và Hoa Kỳ đã phát triển các hệ thống tên lửa di động trên mặt đất có thể lặng lẽ đi vào các khu vực tuần tra chiến đấu. Sau đó, các nhà thiết kế đã quyết định đặt tên lửa hạt nhân trên tầu hỏa. Vào những năm 1960, Mỹ đã thiết kế đoàn tàu tên lửa Mobile Minuteman. Đoàn tàu này đã được thử nghiệm thành công và gần như được trang bị cho quân đội, nhưng, sau đó Mỹ từ bỏ dự án này vì nó quá phức tạp và chi phí cao.
Còn Liên Xô đã hoàn thành dự án đoàn tàu tên lửa. Tổ hợp tên lửa chiến lược đường sắt di động BZhRK có một số lợi thế đáng kể: đoàn tàu hạt nhân có thể dễ dàng vượt qua 1.000 km chỉ trong một ngày, nó được ngụy trang như những tàu hàng và nhờ đó khó bị phát hiện trên lãnh thổ rộng lớn bao la của Liên Xô. Nhờ mạng lưới đường sắt với rất nhiều tuyến nhánh, BZHRK có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào trong thời gian ngắn nhất. Với các tổ hợp BZHRK, nếu bị tấn công hạt nhân, Liên Xô vẫn có thể đáp trả mạnh mẽ bằng vũ khí hạt nhân ngay cả trong trường hợp tất cả các vũ khí khác bị phá hủy.
Tàu hỏa tên lửa hạt nhân Molodets
Tổ hợp tên lửa đường sắt di động thường có gần 10 toa, trong đó 3 toa là các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Các toa còn lại là trung tâm chỉ huy, trạm điều khiển, chứa nhiên liệu và thực phẩm, toa chứa động cơ. Trong quá trình phát triển BZHRK, các nhà thiết kế đã phải giải quyết nhiều nhiệm vụ phức tạp. Ví dụ, hóa ra bệ phóng là quá nặng: trọng lượng của nó cùng với quả tên lửa là khoảng 200 tấn. Do tải trọng quá lớn, một số đường ray phải được tăng cường. Toa xe được đặt trên 8 đôi bánh thay cho 4 đôi bánh theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, có các thiết bị đặc biệt phân phối tải trọng giữa các toa phía trước và phía sau.
Các chuyên gia đã chế tạo tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn RT-23UTTKH "Molodets" cho đoàn tàu hạt nhân. Tên lửa chứa 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hơn 10.000 km. Một đặc điểm của tên lửa này là để giảm kích thước, tên lửa triển khai đuôi và cánh gấp sau khi phóng.
Qủa tên lửa nặng 100 tấn với độ dài hơn 20 mét được đặt trên toa xe chở hàng tiêu chuẩn. Nếu cần thiết, đoàn tàu có thể dừng tại ở bất kỳ điểm nào và phóng tên lửa. Hệ thống giá đỡ đặc chủng ở khoang phóng cho phép triển khai tên lửa ở trạng thái sẵn sàng phóng. Mái toa được nâng lên và tên lửa ở vị trí thẳng đứng. Sau khi phóng tên lửa, đoàn tàu gần như ngay lập tức rời khỏi nơi này.
Trước khi được đưa vào sử dụng, tổ hợp này đã trải qua các thử nghiệm nghiêm trọng: các chuyên gia đã thực hiện một số đợt phóng và kiểm tra khả năng chịu đựng hậu quả của vụ nổ hạt nhân. Trong một thử nghiệm, một số bệ phóng và trung tâm chỉ huy của đoàn tàu phải chịu đựng sóng xung kích của vụ nổ1.000 tấn TNT. Và đoàn tàu BZHRK đã sống sót.
Đoàn tàu hạt nhân đối phó lá chắn tên lửa
Đoàn tàu BZHRK đầu tiên đã được biên chế vào lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu gần Kostroma vào năm 1987, ngay trước khi được thông qua chính thức. Trong mấy năm sau đó có thêm 7 trung đoàn nữa được đưa vào hoạt động. Và đến năm 1999, Lực lượng Tên lửa Chiến lược đã triển khai ba sư đoàn tên lửa được trang bị những tổ hợp như vậy.
Tuy nhiên, các đoàn tàu hạt nhân đã di chuyển trên các tuyến đường sắt của đất nước chỉ trong một vài năm. Việc Liên Xô sở hữu những đoàn tàu hạt nhân như vậy với số lượng lớn như vậy đã là một cú sốc đối với các nước phương Tây. Năm 1991, họ đã đạt được thỏa thuận với ban lãnh đạo Liên Xô, và các cuộc tuần tra chiến đấu đã bị hủy bỏ. Trên thực tế, lợi thế chính của BZHRK - ngụy trang bí mật - hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Trong hiệp ước START-2 được ký kết vào năm 1993 có một điều khoản được ghi vào theo yêu cầu của Mý - loại bỏ tất cả các tổ hợp tên lửa chiến lược đường sắt di động. Năm 2005, các đoàn tàu tên lửa cuối cùng đã ngừng hoạt động, và 12 đoàn tàu đã bị tháo dỡ và xử lý.
Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, Nga bắt đầu tái tạo BZHRK dưới tên mới là Barguzin. Người ta cho rằng, đây là đoàn tàu được ngụy trang như những tàu hàng thông thường. Các chuyên gia lên kế hoạch đặt ba quả tên lửa đạn đạo liên lục địa với ba mươi đầu đạn mỗi quả có sức chứa 550 kiloton trong các toa xe. Năm 2016, Barguzin đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm đầu tiên – các đợt phóng tên lửa.
Mặc dù vào năm 2017, tờ Rossiyskaya Gazeta đã đưa tin về việc dự án này bị đình chỉ, nhưng, Bộ Quốc phòng Nga cho biết với Sputnik rằng, Nga không có ý định từ bỏ hoàn toàn các đoàn tàu tên lửa. Hơn nữa, gần đây, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Yuri Solomonov, tổng công trình sư của Viện Kỹ thuật Nhiệt Matxcơva , cho biết về dự án phát triển hệ thống tên lửa "Yars" trang bị cho đoàn tàu tên lửa.