Vì những đóng góp vào việc tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước, Vasily Grabin được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa và một số giải thưởng Nhà nước. Sau đây là bài của Sputnik về những phát triển quan trọng nhất của nhà thiết kế xuất sắc, mà một số loại pháo vẫn đang phục vụ trong quân đội Nga và quân đội của những quốc gia thân thiện, bao gồm cả Việt Nam.
F-22
Loại vũ khí đầu tiên được phát triển bởi Phòng thiết kế của Vasily Grabin là loại pháo dã chiến nòng dài F-22 76mm (mẫu năm 1936) với nòng 51 caliber. Đây cũng là một trong những hệ thống pháo đầu tiên được phát triển tại Liên Xô. Trước đó Hồng quân chỉ sử dụng những khẩu pháo được phát triển tại Đế quốc Nga và ở nước ngoài. F-22 có khóa nòng bán tự động và có thể được sử dụng như pháo dã chiến và pháo phòng không.
Tuy nhiên, trên thực tế, loại pháo này không có đủ khả năng để bắn hạ mục tiêu đang bay. Tuy nhiên, những khẩu pháo này đã tham gia vào cuộc xung đột Xô-Nhật trên hồ Khasan (1938) và Liên Xô-Mông Cổ-Nhật Bản trên sông Khalkhin-Gol (mùa hè 1939), trong cuộc chiến Liên Xô-Phần Lan vào mùa đông 1939-1940, cũng như trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Sau đó số lượng pháo F-22 trên mặt trận Xô-Đức đã giảm mạnh, nhưng, những khẩu pháo còn lại đã được sử dụng cho đến khi kết thúc chiến tranh. Hơn nữa, cả hai bên đều sử dụng pháo này vì người Đức đã lấy nhiều khẩu pháo loại này làm chiến lợi phẩm.
Pháo USV – phiên bản hiện đại hóa của F-22
Pháo USV 76mm mẫu 1939 với nòng dài 42 caliber đã trở thành một loại "pháo dã chiến nòng dài F-22 mà tác giả đã hiện đại hóa sâu sắc". Trong phiên bản mới này nhà thiết kế đã sử dụng rất nhiều phát triển kỹ thuật. Ngoài ra, loại pháo này có thể bắn tất cả các loại đạn 76mm. Pháo USV bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 1939. Nhưng, vào năm 1941 Liên Xô ngừng sản xuất loại pháo này vì đã thực hiện quá mức kế hoạch huy động pháo dã chiến cho Hồng quân.
Mấy tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Đức Quốc xã cho thấy rằng, pháo USV có thể xuyên thủng lớp giáp phía trước của các loại xe tăng chủ lực của quân Đức lúc đó là Pz-III và Pz-IV, nhưng, bản thân khẩu pháo này quá nặng và không thuận tiện cho xạ thủ. Đáng tiếc, nhiều khẩu pháo loại này đã bị tiêu diệt trên chiến trường hoặc trở thành chiến lợi phẩm của quân Đức. Vì thế Liên Xô đã thông qua quyết định nối lại quá trình sản xuất chúng, và pháo USV đã được sản xuất hàng loạt cho đến cuối năm 1942. Nhân tiện, người Đức đã đánh giá cao những khẩu pháo Liên Xô mà họ đã chiếm lấy. Các chuyên gia Đức đã đưa ra một số thay đổi để USV có thể bắn đạn pháo 7.62 cm F.K.297 (r) của họ và đã sử dụng các khẩu súng này cho đến khi kết thúc Thế chiến II, chủ yếu trên Mặt trận phía Tây.
ZIS-3
Pháo M1942 ZIS-3 76mm với nòng dài 40 calibers đã mang lại vinh quang thực sự cho Vasily Grabin. Liên Xô đã sản xuất hơn 48.000 khẩu pháo loại này, và ZIS-3 được nhiều chuyên gia công nhận là khẩu pháo tốt nhất trong lịch sử Thế chiến II.
Khi ZIS-3 được đưa vào sử dụng trong năm 1942, đây là loại pháo có độ chính xác tuyệt vời và tính cơ động cao nhất, có thể thực hiện cả nhiệm vụ hỏa lực hỗ trợ và cả vai trò pháo chống tăng bắn thẳng (tuổi thọ nòng súng - lên tới 5.000 loạt bắn) và nó được lắp ráp băng tải. Hệ thống hãm giật được sử dụng trong thiết kế giúp giảm độ giật khoảng 30%. Tuy nhiên, trong quá sử dụng các chuyên gia đã phát hiện ra rằng, ZIS-3 không đủ hiệu quả khi phải đối mặt với các xe tăng mới Pz-V (Panther), Pz-VI (Tiger) và pháo tự hành Ferdinand của Đức, nhưng, nhược điểm này đã được khắc phục bằng cách sử dụng các loại đạn pháo cumulative và subcaliber. Xạ thủ đã bắn đạn vào bên phải xe tăng Panther hoặc vào đuôi xe tăng Tiger (nơi có động cơ).
Pháo của nhà thiết kế Grabin đã tham gia nhiều cuộc chiến cục bộ vào nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, và cho đến nay phục vụ cho một số quân đội (bao gồm cả quân đội Việt Nam). Cả ngày nay ZIS-3 tham gia chiến sự ở Syria. Và quân đội Nga vẫn sử dụng loại pháo này trong các màn bắn pháo hoa.
ZIS-2
Đối với nhà thiết kế Vasily Grabin, pháo ZIS-2 57mm là kinh nghiệm đầu tiên trong việc phát triển loại vũ khí với cỡ nòng dài. Vào đầu những năm 1940, khẩu pháo này được coi là loại pháo chống tăng mạnh nhất thế giới. Tính năng chính của pháo ZIS-2 là nòng dài - 73 caliber. Đạn xuyên giáp tiêu chuẩn được phóng ra từ khoảng cách 1.000 mét ở góc phải có thể chọc thủng qua vỏ giáp dày 74 mm, và đạn dưới cỡ nòng dễ dàng "xuyên qua" vỏ giáp dày 100 mm.
Trong giai đoạn đầu của Thế chiến II, độ dày lớp giáp phía trước của xe tăng Đức không quá 60 mm, và ở bên xe tăng – không quá 40 mm. Do đó, sức công phá của ZIS-2 đã được coi là quá mức. Kết quả là Liên Xô đã quyết định tạm dừng sản xuất nó và chuyển sang phát triển các loại pháo 45mm và 76mm. Tuy nhiên, các chuyên gia lại hướng tới loại pháo này sau khi bắn phá thử nghiệm chiếc xe tăng Tiger của Đức bị bắt giữ gần Leningrad vào tháng 1 năm 1943. Cuộc thí nghiệm cho thấy rằng, các loại pháo của Liên Xô không đủ sức xuyên thủng vỏ giáp của xe tăng Đức (vỏ giáp phía trước -100 mm, hai bên và đuôi - 80 mm). Liên Xô đã nối lại quá trình sản xuất ZIS-2. Sau chiến tranh, những khẩu súng này đã được hiện đại hóa và đã phục vụ cho Quân đội Liên Xô cho đến những năm 1970, và đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.
Pháo chống tăng BS-3
Pháo BS-3 100mm (mẫu năm 1944) với nòng dài gần 60 calibre là dự án tiếp theo của nhà thiết kế Vasily Grabin. Pháo mạnh mẽ này đã hoạt động rất hiệu quả ở giai đoạn cuối của Thế chiến II - chủ yếu trong cuộc chiến chống lại các xe tăng hạng nặng Tiger, Royal Tiger và pháo tự hành Ferdinand của Đức. Đạn pháo của BS-3 đã đánh trúng xe tăng Đức trong mọi hình chiếu và từ mọi khoảng cách. Pháo BS-3 đã có biệt danh "Zveroboy" (tạm dịch là "kẻ giết quái thú"). Tuy nhiên, loại pháo này cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt bộ binh và công sự dã chiến.
Sau chiến tranh, BS-3 tiếp tục phục vụ trong Quân đội Liên Xô và làm cơ sở cho việc tạo ra cả một gia đình pháo chống tăng mạnh mẽ mới (T-12 và MT-12 Rapira). "Zveroboy" đã được xuất khẩu và vẫn đang phục vụ cho quân đội của Việt Nam, Kyrgyzstan, Mozambique, Mông Cổ, Nicaragua, Congo, Sudan. Trong Lực lượng Vũ trang Nga, khoảng một chục khẩu súng này vẫn đang phục vụ cho lực lượng phòng thủ bờ biển trên đảo Iturup (Quần đảo Nam Kuril).
Ngoài các hệ thống pháo dã chiến, Vasily Grabin cũng đã thiết kế cả gia đình pháo xe tăng: 76mm (cho xe tăng T-34-76), 85mm (cho xe tăng T-34-85 và T-44), 130mm (cho xe tăng hạng nặng thử nghiệm IS-7), cũng như pháo tầm xa S-23 180mm được sản xuất trong những năm 1948/1955. Vào cuối những năm 1940, Phòng thiết kế của Vasily Grabin đã tạo ra pháo phòng không S-60 sử dụng loại đạn 57x348 mm, là loại pháo cao xạ tự động dùng để phòng không.