Các chủ đề này sẽ được đề cập đến trong chuyên mục hàng tuần "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam: quá khứ và hiện tại
“Sau vụ ám sát tướng Qasem Soleimani, Iran đe dọa Hoa Kỳ sẽ trở thành “Việt Nam thứ hai” tại Trung Đông”. Nhiều ấn phẩm đăng tải tin này. Theo ý kiến của nhà quan sát trên kênh truyền hình Tsargrad, Iran muốn để kịch bản Việt Nam lặp lại ở Iraq và Syria, để các lực lượng địa phương liên kết với Iran và nhận được sự hỗ trợ từ Iran tạo điều kiện không thể chịu nổi cho Mỹ và buộc Mỹ phải ra đi.
Ai có thể là Tổng Bí thư năm 2021?
Tờ Asia Times có hai bài viết về các nhân vật có thể được bầu làm người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội toàn quốc của đảng CSVN sẽ diễn ra vào đầu năm 2021. Tác giả nêu câu hỏi: liệu hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước sẽ được hợp nhất mãi mãi tại Việt Nam như ở Trung Quốc? Bài viết xem xét ba ứng cử viên có khả năng nhất cho chức vụ này: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng.
Tờ The Diplomat phân tích các cơ hội và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong những năm 2020-21, đặc biệt, trên tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng Giêng năm nay. Một bài viết khác trên tờ The Diplomat cho biết về quá trình phát triển ngành đóng tàu Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng các tàu tuần tra cho Nigeria.
Thành công và thách thức của nền kinh tế Việt Nam
Như mọi khi, trên báo chí nước ngoài có nhiều bài viết về những thành công và vấn đề của nền kinh tế Việt Nam. Vietnam Briefing cho biết rằng, trong Tổng chỉ số lao động (Total Workforce Index - TWI) năm 2019, Việt Nam xếp thứ 57 trong số 76 quốc gia trên toàn cầu. Những nhược điểm chính của người lao động Việt Nam là: trình độ tiếng Anh thấp, mức lương tối thiểu thấp và chênh lệch mức lương giữa nữ giới - nam giới ngày càng lớn.
Prensa Latina viết về quyết định của Việt Nam dừng việc gửi lao động Việt đến Trung Đông khi tình hình giữa Hoa Kỳ-Iran ngày càng căng thẳng. Việt Nam đang xem xét khả năng sơ tán những người lao động đang hiện diện ở đó. Bây giờ ở Trung Đông có khoảng 10 nghìn công nhân Việt Nam. Bloomberg đưa tin rằng, tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao ở Việt Nam, đất nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, đang trở nên khá gay gắt, và một số nhà sản xuất nội thất hiện đang xem xét Campuchia và Bangladesh để xây dựng các nhà máy ở đó. Bây giờ, người Việt Nam có thể sử dụng thương hiệu nổi tiếng thế giới FGMarkets để giao dịch các loại tiền, theo Benzinga.
Còn Fintech News Singapore viết rằng, Việt Nam đứng thứ hai trong ASEAN chỉ sau Singapore về tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ tài chính. Chính phủ đang cố gắng biến nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế không tiền mặt và thúc đẩy các công nghệ thanh toán kỹ thuật số và di động như ví điện tử. SeafoodSource đưa tin tin rằng, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam đã chậm lại vì hiện có sản lượng lớn nhưng nhu cầu thấp hơn, cũng như do sự cạnh tranh với các nhà sản xuất khác. Kyodo News Plus viết rằng, doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hứa hẹn nhất Châu Á năm 2020.
Một kỷ lục mới của ngành du lịch Việt Nam
TTR cho biết về một kỷ lục mới của ngành du lịch Việt Nam. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2019 đạt 18.008.591 lượt khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Và tờ Essence giới thiệu đảo ngọc Phú Quốc với những bãi biển cát trắng, nước trong xanh, các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển. Đây là một nơi lý tưởng cho những ai muốn tận hưởng nơi đẹp một cách hoang sơ nhưng đầy thơ mộng. Du khách đến hòn đảo tuyệt đẹp này có thể khám phá khu rừng nhiệt đới, các chợ đêm nhộn nhịp, chèo thuyền kayak trong vịnh hoặc chỉ đơn giản có những ngày lười biếng trên cát vàng. Chính bạn sẽ thực hiện việc chọn lựa, tờ báo viết.