Vụ AVG: 11 bị cáo kháng cáo, không ai kêu oan
Ngày 5.2, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội thông báo cho biết đã tiếp nhận đơn kháng cáo của 11 bị cáo trên tổng số 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần Công ty nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Đáng chú ý, 11 bị cáo có đơn xin kháng cáo bày tỏ nguyện vọng đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm, đồng thời xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
14 bị cáo không có kháng cáo nêu kêu oan hay phủ nhận tội danh.
Chỉ có 3/14 bị cáo gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, và ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG không làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Trước đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Mobifone mua AVG từ ngày 16-28.12.2019 và tuyên phạt các bị cáo Trương Minh Tuấn 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 6 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội đối với bị cáo Trương Minh Tuấn là 14 năm tù. Bị cáo Phạm Đình Trọng trong phiên xử sơ thẩm ngày 28.12.2019 đã bị tuyên 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong khi đó, bị cáo Phạm Nhật Vũ bị tuyên án 3 năm tù vì tội “Đưa hối lộ”.
Là một trong 11 bị cáo có đơn xin kháng cáo, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xin Tòa khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 16 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son là tù chung thân.
Trong đơn kháng cáo, ông Nguyễn Bắc Son lấy nhiều tình tiết có lợi để xin tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt chung thân như: bản thân đã có nhiều thành tích, cống hiến trong công tác và chiến đấu khi còn phục vụ trong quân ngũ, trong khi đó, hiện tại sức khỏe của cựu Bộ trưởng đã yếu đi nhiều, mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Bắc Son nêu quan điểm ngay ở giai đoạn điều tra vụ án, ông đã tự khai nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD từ bị cáo Phạm Nhật Vũ và nay đã khắc phục được hậu quả hơn 66 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc Mobifone Hồ Tuấn làm đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Trong đó, bị cáo này đề nghị Tòa cấp phúc thẩm cho được hưởng án treo. Trong đơn kháng cáo, ông Hồ Tuấn nêu rõ, Tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá khách quan các tài liệu chứng minh tình tiết giảm nhẹ của bị cáo trong vụ án, chưa áp dụng triệt để các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự dẫn đến mức án quá nặng so với vai trò của bị cáo trong vụ án.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Mobifone nêu rõ trong đơn kháng cáo rằng, mức hình phạt của Tòa cấp sơ thẩm là quá nặng. Cũng như ông Hồ Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tòa cấp sơ thẩm chưa chấp nhận những nội dung đánh giá bản chất hành vi khách quan của bị cáo trong vụ án.
Với cơ sở này, ông Nguyễn Mạnh Hùng làm đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mong HĐXX xem xét, xét xử theo trình tự phúc thẩm một cách khách quan và quyết định miễn hình phạt mà ông này cho là quá nặng với tội danh của mình.
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 28.12.2019, cả hai ông Hồ Tuấn và Nguyễn Mạnh Hùng đều bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tòa án nhân dân Hà Nội cho biết, bị hại trong vụ án là MobiFone đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên cũng là Phó Tổng Giám đốc MobiFone. Bị cáo Nguyên bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, sau đó, MobiFone đã rút đơn kháng cáo này.
Tại phiên tòa sơ thẩm từ 16.12- 28.12.2019 vừa qua, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều đã thừa nhận hành vi vi phạm, thừa nhận cáo trạng và bản luận tội của Viện Kiểm sát. Các luận cứ gỡ tội do các bị cáo và các luật sư bào chữa đưa ra đều tập trung đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Vụ AVG: Xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân
Khi trình bày lời nói sau cùng tại phiên tòa, các bị cáo đã bày tỏ sự cảm ơn đến Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trong giai đoạn điều tra, truy tố đã tạo điều kiện cho các bị cáo được khai báo một cách khách quan về vụ án; cảm ơn Hội đồng xét xử đã điều khiển phiên tòa một cách công tâm, khách quan, dân chủ, tạo điều kiện về thời gian cho các bị cáo được trình bày và tự bào chữa.
Thừa nhận ‘những tham vọng của bản thân đã gây bức xúc’, bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi lời xin lỗi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước, nhân dân và tập thể ngành thông tin truyền thông. Ông Nguyễn Bắc Son cũng gửi lời cảm ơn đến cơ quan điều tra, VKSND Hà Nội vì ‘giúp ông nhận ra sai phạm và trách nhiệm’.
“Với sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của mình, bị cáo đã nghiêm túc nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhận thức rõ sai phạm. Bị cáo xin lỗi chân thành nhất tới Đảng, Nhà nước và ngành thông tin truyền thông vì sai phạm của mình đã gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, các cán bộ trong ngành, làm ảnh hưởng đến truyền thống của ngành và của MobiFone. Bị cáo gửi lời tới cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát (VKS) trong giai đoạn điều tra truy tố đã giúp cho bị cáo nhận rõ sai phạm và trách nhiệm của mình và ghi nhận sự thành thật của bị cáo”, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chậm rãi nói và gửi lời xin lỗi tới tất cả gia đình, các cá nhân có mặt tại phiên xét xử vì đã gây hậu quả nặng nề cho họ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Bắc Son xin HĐXX xem xét giảm mức án tối đa nhất cho các ông Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, có thể giảm nhẹ tội nhất cho các bị cáo nguyên là cán bộ ở MobiFone.
“Về cá nhân tôi, đây là bài học đắt giá, bị cáo phải trả giá cho những gì mà hơn 40 năm phấn đấu. Với luận tội của VKS, bị cáo có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình. Mong HĐXX rộng lượng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt thấp nhất có thể để bị cáo được cải tạo và có thể trở về sống với vợ, con và các cháu, bạn bè và đồng đội trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình”, ông Son phát biểu.
Ông Trương Minh Tuấn thừa nhận những sai phạm được VKS làm rõ trong cáo trạng và ở phần luận tội.
“Sau nhiều năm công tác, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại phải có ngày, có kết cay đắng như hôm nay, phải đứng trước tòa nói lời sau cùng tại phiên tòa với bản án sẽ dành cho sắp tới. Ngẫm lại thấy rằng con người không phải thánh nhân nên không thể tránh khỏi những sai phạm. Nhưng những sai phạm của mình thật là nặng nề và đáng trách”, ông Tuấn nghẹn ngào và cho rằng những sai phạm mình gây ra như một “nhát chém” để lại vết sẹo đến cuối cuộc đời.
Với cáo trạng và bản luận tội của VKS, ông Tuấn thấy được đã có sự khoan hồng với bản thân và các bị cáo, tuy vậy, ông vẫn mong được khoan hồng hơn nữa, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội.
Thương vụ Mobifone mua AVG
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nêu rõ, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng (chính xác là 8.889,8 tỷ). Dự án này thuộc nhóm A - tức thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải cùng một số nguyên lãnh đạo MobiFone, cán bộ Bộ Thông tin và Truyền Thông, Công ty Thẩm định giá AMAX ( Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang) đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG, tiến hành thẩm định giá, lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán mà không hề được Thủ tướng đồng ý phê duyệt đầu tư. Các hành vi này đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước, với tổng giá trị thiệt hại hơn hơn 6.590 tỷ đồng.
Khi dự án còn chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo ông Phạm Đình Trọng đề xuất và giao cho ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt. Đồng thời, khi phê duyệt dự án, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Phạm Đình Trọng cũng không yêu cầu MobiFone loại trừ 2 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, bao gồm đầu tư tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P.
Không những thế, ông Nguyễn Bắc Son còn chỉ đạo quyết liệt cho MobiFone phải mua cổ phần của AVG, yêu cầu thực hiện dự án trong năm 2015, cũng như chỉ đạo cho ông Trà ký hợp đồng mua bán cổ phần với AVG trong tháng 12-2015, trước khi cựu bộ trưởng này nghỉ hưu.
Trong quá trình chỉ đạo thương vụ Mobifone mua AVG, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đều biết rõ giá trị tài sản, tình hình tài chính, kinh doanh của AVG thua lỗ kéo dài, biết rõ các quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện dự án, tuy nhiên, các bị cáo ở mỗi vị trí, vai trò quyền hạn của mình đã thực hiện không đúng các quy định của nhà nước về trình tự, thủ tục đầu tư, quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dù biết rõ dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236 và chỉ đạo cho Lê Nam Trà, Cao Duy Hải thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán cổ phần của AVG với giá mua 8.898,3 tỷ đồng và phải hoàn thành trong tháng 12/2015. Kết quả, Phạm Nhật Vũ đã bán cho MobiFone 95% cổ phần AVG với giá 8.898,3 tỷ đồng cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền hơn 6.475 tỷ đồng, đây là hậu quả thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại MobiFone.
Ngoài ra, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã nhận một số tiền lớn của Phạm Nhật Vũ. Cụ thể, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD. Chính bản thân ông Nguyễn Bắc Son khai nhận sau khi hoàn thành sự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của ông Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để đưa cho ông 3 triệu USD, khoảng 65 tỷ. Ông Lê Nam Trà 2,5 nhận hối lộ triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Các bị cáo nêu trên nhận thức được hành vi sai phạm, biết rõ việc nhận tiền trên của Phạm Nhật Vũ là do đã chỉ đạo, quyết định việc MobiFone mua cổ phần của AVG, nên số tiền nhận được là từ việc mua bán AVG.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, trong quá trình điều tra, truy tố cả bốn bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội và có trách nhiệm trong việc khắc phục số tiền đã chiếm đoạt.