Đường sắt tạm dừng chạy thường nhật chặng Hà Nội đi một số tỉnh phía Bắc vì COVID-19
Ngày 14/3, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, từ ngày 16/3 tới, công ty sẽ tạm dừng chạy thường nhật với các đôi tàu QT1/QT2 chặng Hà Nội – Quán Triều (Thái Nguyên), đôi tàu DD5/DD6 chặng Hà Nội – Đồng Đăng (Lạng Sơn) và đôi tàu 51501/51502 chặng Yên Viên (Hà Nội) – Hạ Long (Quảng Ninh). Những đôi tàu này sẽ chỉ chạy vào Chủ nhật hàng tuần.
Với tuyến Hà Nội – Hải Phòng, tạm dừng chạy tàu HP1 (khởi hành từ Hà Nội lúc 6h hằng ngày) và tàu LP2 (khởi hành từ Hải Phòng lúc 6h10 hằng ngày) vào tất cả các ngày trong tuần. Bên cạnh đó, tạm ngừng chạy tàu HP2, LP7 vào các ngày Thứ 2 đến Thứ 5 và Thứ 7, chỉ chạy vào Thứ 6 và Chủ nhật hàng tuần. Như vậy, trừ Thứ 6 và Chủ nhật, tuyến Hà Nội – Hải Phòng sẽ chỉ còn 1 đôi tàu mỗi ngày (thay vì 3 đôi tàu như hiện nay).
Ngoài vắng khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tuyến tàu Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên, Yên Viên – Hạ Long được xem là tàu an sinh, theo Luật Đường sắt được ngân sách nhà nước hỗ trợ bù lỗ.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách đi tàu hỏa giảm mạnh, nên Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã phải giảm tần suất khai thác tàu từ Hà Nội đi Lào Cai và Hà Nội đi Vinh.
Hiện thời hạn nối lại các đoàn tàu tạm dừng trên vẫn chưa được đưa ra. Khách đã mua vé trên những tàu dừng sẽ được ngành đường sắt hoàn, đổi vé miễn phí.
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực Giao thông vận tải. Chỉ tính riêng đường sắt, sản lượng hành khách giảm 45% so với tháng 1/2020 và giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019. Được biết, ngành Đường sắt đã phải dừng khai thác các chuyến tàu liên vận tới Trung Quốc trong khi các chuyến nội địa cũng bị sụt giảm nghiêm trọng lượng hành khách. Tình trạng các toa trống ghế, trống giường nằm diễn ra như cơm bữa.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Bộ GTVT nhấn mạnh, toàn ngành cần quán triệt tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những biện pháp giúp hành khách đi máy bay, tàu hoả, xe buýt phòng tránh COVID-19
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo đối với các hành khách khi tham gia giao thông bằng các phương tiện như xe khách, máy bay, tàu hỏa, taxi, xe buýt để ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả.
Những việc cần thực hiện đối với hành khách đi phương tiện giao thông công cộng để phòng tránh bệnh COVID-19 bao gồm:
- Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở người dân nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng; sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở.
- Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi; bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.
- Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.
- Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông công cộng.
- Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga…).
- Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Người dân cần và tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.
- Khi kết thúc chuyến đi, nếu xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, người dân cần liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông đã đi; đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Theo Bộ Y tế, những khuyến cáo này được đưa ra với mục đích cung cấp đầy đủ kiến thức cho người dân để chủ động thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng, chống dịch tốt hơn.