Trước đó, Việt Nam đã có 33 người nhiễm SARS-CoV-2 âm tính từ một đến ba lần. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo ngại, cảnh cửa an toàn đã hẹp lại khi hơn 20 người dương tính với virus corona đang lang thang ngoài thành phố, do đó, người dân nên hạn chế ra đường, ở nhà càng nhiều càng tốt và nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 25.3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết đến ngày 30.3, Bộ sẽ nhận đủ toàn bộ số trang thiết bị y tế chuẩn bị cho kịch bản Việt Nam có 3.000 ca mắc.
Bộ Y tế công bố thêm 7 ca mắc Covid-19 mới
Lúc 19h30 ngày 25.3, Bộ Y tế Việt Nam xác nhận thêm 7 trường hợp nhiễm coronavirus mới ở Việt Nam. Trong đó có một bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Việt Nam ghi nhận 141 ca nhiễm nCoV.
Bệnh nhân 135 được Bộ Y tế thông báo là nữ, 27 tuổi, địa chỉ của gia đình trên đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng. Ngày 19.3.2020 bệnh nhân khởi hành từ Copenhagen, Đan Mạch, quá cảnh tại Doha và Bangkok, nhập cảnh Việt Nam ngày 21.3.2020 tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay số hiệu PG947, số ghế 16A. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng Quân khu 5, kết quả xét nghiệm dương tính vi rút SARS-CoV-2 và hiện trong tình trạng ổn định.
Ca nhiễm nCoV 136 của Việt Nam cũng là bệnh nhân nữ, 23 tuổi, địa chỉ ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân học sinh từ Mỹ, nhập cảnh về Nội Bài ngày 16.03.2020. Sau khi nhập cảnh, cô gái về nhà tự cách ly. Ngày 21.03.2020, Bệnh nhân có sốt, ngày 22.03.2020, Trung tâm Y tế Hoàng Mai đến lấy mẫu làm xét nghiệm và cho kết quả Bệnh nhân dương tính với virus gây dịch bệnh Covid-19. Ngày 24.03, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho kết quả dương tính với Covid-19. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 thứ 137 của Việt Nam là nam, 36 tuổi, địa chỉ ở: Yên Thành, Nghệ An. Bệnh nhân là du khách từ Đức, nhập cảnh về Nội Bài ngày 15.03.2020. Sau khi nhập cảnh, Bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của Hà Nội và lấy mẫu làm xét nghiệm. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bệnh nhân số 138 cũng là nam, 23 tuổi, địa chỉ ở: Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Bệnh nhân là học sinh từ Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21.03.2020 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của Hà Nội và lấy mẫu làm xét nghiệm. Ngày 24.03, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bộ Y tế công bố ca bệnh số 139 cho biết, đây là bệnh nhân nữ, 24 tuổi, địa chỉ: Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, là vợ của bệnh nhân dương tính với SARS CoV-2, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21.03.2020 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly tại Khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp và lấy mẫu làm xét nghiệm. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 140 là nam, 21 tuổi ở Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh từ Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21/03/2020 trên chuyến bay VN0054. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của Hà Nội và lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Ca bệnh số 141 là bác sĩ, 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh. Bác sỹ bị lây khi thao tác thiết lập máy thở cho bệnh nhân số 28, bị phơi nhiễm cùng ngày với một bác sĩ khác cùng làm việc tại Khoa này (bệnh nhân thứ 116).
Chiều 25.3, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam thông tin cho biết, cả nước ghi nhận 141 trường hợp nhiễm nCoV. Trong số này, 17 người đã khỏi bệnh và xuất viện, 124 ca bệnh được phát hiện gồm 92 người Việt Nam và 32 công dân nước ngoài.
Hiện tại, đã có 26/124 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus corona. 7 trường hợp đã âm tính lần 2 và ba.
124bệnh nhân này đang được điều trị tại 16 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. những bệnh nhân diễn biến nặng đang được hồi sức tích cực và giám sát chặt chẽ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở Đông Anh, Hà Nội.
Đáng chú ý, Bộ Y tế cho biết, đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, dự kiến sẽ ban hành trong ngày 26.3, sau đó sẽ tập huấn phổ biến cho các tuyến y tế về vấn đề này.
Hà Nội ghi nhận thêm 9 trường hợp dương tính với coronavirus
Chiều 25.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố Hà Nội tiến hành họp giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin cho biết, theo thông báo của Bộ Y tế tính đến 12 giờ ngày 25.3, Hà Nội đã ghi nhận 43 trường hợp mắc Covid-19, chưa có trường hợp tử vong.
Trên thực tế, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 52 trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 (trong đó, 9 trường hợp dương tính đã gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chờ khẳng định mới có thể kết luận mắc nCoV).
Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, 5 trường hợp là người ngoại tỉnh có xét nghiệm dương tính đang thực hiện cách ly tại các điêm cách ly tập trung của Hà Nội gồm: Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang (2 người).
Theo ghi nhận, số ca mắc bệnh Covid-19 tại Hà Nội những ngày qua tăng trong xu hướng chung của cả nước, tuy nhiên, các ca mắc chủ yếu là các ca xâm nhập từ các nước khác về. Trong đó, có 44 trường hợp đi từ vùng có dịch, 2 ca bệnh là nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai, 5 trường hợp lây qua tiếp xúc gần, 3 trường hợp như các bệnh nhân số 19, 20 và 47 tiếp xúc gần với ca số 17 và một trường hợp bệnh nhân số 39 tiếp xúc gần với du khách người Anh (bệnh nhân số 24) trên chuyến bay VN0054 về ngày 2.3.
1 trường hợp là con gái của bệnh nhân số 86 (nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai) và 1 trường hợp là bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin, thời gian qua, tổng số 1.164 trường hợp tiếp xúc F1, đã thực hiện cách ly 1.162 trường hợp (2 trường hợp chuyển đi nơi khác). Đã lấy mẫu 1.114 trường hợp (còn 48 trường hợp đang liên hệ lấy mẫu). Kết quả 980 trường hợp có xét nghiệm âm tính, 9 dương tính, còn 125 trường hợp đang đợi kết quả. Hiện cón 553 trường hợp phải cách ly theo dõi sức khỏe, 609 trường hợp hết cách ly. Đối với người tiếp xúc F2 có tổng số 5.584 người đã hết thời gian theo dõi sức khỏe 3.667 trường hợp, hiện còn theo dõi sức khỏe 1.917 người.
Về xét nghiệm, tính đến hết ngày 24.3, CDC Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm tổng số 11.917 mẫu, có 35 kết quả dương tính gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định, còn lại đều âm tính.
Điều mà Sở Y tế Hà Nội lo ngại chính là phần lớn nguồn lây nhiễm vẫn là từ nước ngoài về và hiện đã có biểu hiện lây ra cộng đồng, nguy cơ trong thời gian tới sẽ có nhiều ca mắc trong cộng đồng.
“Hiện nay, nguồn lây của bệnh nhân 66 tuổi ở Bệnh viện Bạch Mai cũng chưa rõ ràng. Ngoài ra, bệnh nhân 17 cũng lây bệnh cho người thân. Những trường hợp này cho thấy dấu hiệu Covid-19 lây ra cộng đồng. Những trường hợp người Việt Nam từ nước ngoài trở về (trước khi được cách ly tập trung) đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng là nguồn lây ra cộng đồng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Đặc biệt, theo ông Hạnh, CDC Hà Nội cần quan tâm rà soát những người ở trong cộng đồng có biểu hiện ho, sốt, không đi đâu về, không tiếp xúc mà có nhiễm thì phải có kịch bản phù hợp.
Đồng thời Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, những người trong khu cách ly tập trung đảm bảo khoảng cách, không chụm đầu đánh bài, giao lưu với nhau thì cũng không đảm bảo phòng chống dịch.
20 người dương tính với virus SARS-CoV-2 hiện đang lang thang ở Hà Nội
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhận định, hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, đã bắt đầu có những ổ dịch bùng phát, tình hình dịch ở Bệnh viện Bạch mai cũng đang hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng ngày càng lớn hơn.
Theo Chủ tịch Hà Nội, từ ngày10.3 đến nay, những người ở nước ngoài về Hà Nội là rất nhiều. Trong số những trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm thì có 4 trường hợp dương tính với với virus SARS-CoV-2.
“Nếu xác định nếu tính theo tỉ lệ này thì hiện ít nhất có từ 8 đến 20 người đang dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đang chờ kết quả, chưa kể những trường hợp chưa được lấy mẫu. Còn nếu tính theo tỉ lệ lây nhiễm trung bình trên thế giới thì trên địa bàn thành phố đang có hơn 20 người dương tính với virus SARS-CoV-2 hiện đang lang thang trên địa bàn”, ông Chung cho biết.
Đồng thời, Chủ tịch Hà Nội cũng nhận định thẳng thắn, từ khi thành phố tổ chức phòng chống dịch đến nay, hiện nguy cơ lây nhiễm đã cao hơn, cửa an toàn đã hẹp hơn, nguy cơ trên địa bàn Hà Nội có những ổ dịch bệnh có tính chất rất phức tạp.
“Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn do người dân vẫn không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, đã ghi nhận rằng nhiều người ra ngoài đường nhưng không đeo khẩu trang, nhiều người dân vẫn cúng lễ ngày đầu tháng, nhiều người vẫn tập trung đông người ở các quán cà phê”, ông Nguyễn Đức Chung bức xúc.
Theo đó, Chủ tịch Hà Nội tiếp tục kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà, nếu không có việc gì cần thiết thì ở nhà, đã ra ngoài phải đeo khẩu trang và giữ an toàn từ 2 đến 3m.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ hạn chế xuống chỉ còn 20% xe buýt công cộng, chủ yếu phục vụ công chức, viên chức đi làm, người dân không nên sử dụng xe công cộng thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, tất cả mọi người nên ở nhà, trừ việc ra ngoài mua lương thực thực phẩm. Tất cả quán cà phê, quán bar, nhà hàng, tập gym phải dừng toàn bộ, không kể nội thành, ngoại thành. Các nơi làm việc phải đo thân nhiệt và khử khuẩn.
Trước đó, chia sẻ trên VOV, ông Chung thẳng thắn lên án về ý thức kém của một bộ phận người dân Thủ đô khi không tuân thủ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Hà Nội xuất hiện dấu hiệu và yếu tố có nguy cơ rất cao gây ra ổ dịch. Vì vậy, nếu người dân thiếu ý thức hoặc lơ là một chút là sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng khủng khiếp, tăng cấp số nhân rất nhanh.
Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, thông qua kinh nghiệm từ các nước, dù Hà Nội tiềm ẩn rủi ro lớn hơn nhưng vẫn còn cơ hội chiến thắng nếu người dân đồng lòng, thực hiện nghiêm túc việc cách ly, hạn chế ra khỏi nhà. Chúng ta vẫn còn "thời gian vàng", không có một dịch bệnh nào như dịch bệnh này. Chỉ có cách người dân tham gia với tinh thần trách nhiệm, nếu còn không đeo khẩu trang, vẫn tụ tập đông người, uống cà phê thì nguy cơ lây lan dịch sẽ rất nhanh.
“Nếu chúng ta không ngăn được thì cửa an toàn sẽ hẹp lại”, Chủ tịch Hà Nội đúc kết.
Bệnh viện Bạch Mai nguy cơ thành ổ dịch như Bệnh viện Daegu ở Hàn Quốc
Về trường hợp của bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin sau khi phát hiện bệnh nhân thứ 86 và 87 là 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai, tại đây còn phát sinh thêm một trường hợp mới được kết luận là bệnh nhân thứ 133, dù chưa biết nguồn lây nhiễm từ đâu, nhưng đã vào điều trị tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai.
Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã đồng loạt lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và nhân viên y tế của Khoa Thần kinh, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhiệt đới để xét nghiệm.
“Bệnh viện Bạch Mai có thể giống như Bệnh viện ở Daegu (Hàn Quốc) và giống như Viện Dưỡng lão ở New York (Mỹ). Tôi tha thiết kêu gọi tất cả người dân không được lơ là và có ý thức hơn nữa trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nếu không mọi nỗ lực của Chính phủ và thành phố Hà Nội sẽ “đổ bể” toàn bộ và đặc biệt là sẽ lây rất nhanh đến 1.000 ca chỉ trong 3 - 4 ngày chứ không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, hơn 150 y, bác sĩ ở khoa Tim mạch đã cho kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính, nhưng trong số các bệnh nhân ở Khoa Thần kinh đã phát hiện 1 bệnh nhân 88 tuổi ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân này nằm cùng phòng với bệnh nhân Covid-19 thứ 133. 1 người khác là con dâu của bệnh nhân này ở Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội đến thăm, cũng đã dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung cho hay Bệnh viện Bạch Mai đã có 5 trường hợp dương tính. Bệnh viện này có đầy đủ yếu tố từ dưỡng lão, bệnh nhân nặng, đông người qua lại… có nguy cơ cao trở thành ổ dịch.
“Tôi đã trao đổi với Giám đốc bệnh viện, nếu trước kia, mỗi ngày bệnh viện có 6.000 đến 8.000 người qua lại, thì những ngày qua đã giảm 50%. Điều này nghĩa là vẫn còn 3.000 đến 3.500 người qua lại bệnh viện. Cần thông tin rộng rãi các trường hợp này để người dân cảnh giác. Những người từ ngày 10 ngày vừa qua đến nay, bất cứ trường hợp nào phải báo với cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm, tự cách ly tại nhà, các địa phương phải giám sát chặt. Bệnh viện Bạch Mai phải nâng một mức cảnh báo so với mức hiện nay của bệnh viện đang thực hiện, quận hỗ trợ bảo vệ vòng ngoài” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Trong diễn biến liên quan, ngày 25.3, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế đề nghị BV Bạch Mai khử khuẩn toàn bộ bệnh viện.
UBND thành phố Hà Nội giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 thành phố Hà Nội thông báo ngay cho người dân đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong 14 ngày qua để tự cách ly y tế và theo dõi sức khỏe, thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế khi có biểu hiện nghi mắc bệnh ho khan, sốt, khó thở.
Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng kế hoạch làm xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid19 cho tất cả nhân viên (gần 4.000 người) và gần 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Việt Nam hoàn thiện phác đồ điều trị Covid-19
Đáng chú ý, cũng trong ngày 25.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra đã họp trực tuyến triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tại sự kiện này, xuất hiện thông tin đáng chú ý là Bộ Y tế Việt Nam đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, dự kiến sẽ ban hành trong ngày 26.3 tới, sau đó sẽ tập huấn phổ biến cho các tuyến.
“Trong đó, tổng số máy thở hơn 230 chiếc Bộ đã nhận một nửa, máy X-quang di động, máy theo dõi bệnh nhân, bơm tiêm điện, máy truyền dịch và hệ thống ECMO, máy lọc máu, hệ thống nội soi phế quản, máy phun khử trùng đến cuối tháng 3 sẽ nhận toàn bộ như đã đặt mua. Về đáp ứng nhu cầu khẩu trang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã mua được 8,8 triệu và đến 30.3, Việt Nam sẽ mua thêm được 10 triệu chiếc”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Hiện tại, trên cả Việt Nam mới chỉ có gần 5.000 máy thở các loại và có thể huy động từ các địa phương 1.100 chiếc, máy X-quang di động có thể huy động trong trường hợp khẩn cấp là 135 chiếc. Ngoài ra, cả nước có 38 máy ECMO và có thể huy động khẩn cấp 14 chiếc. Máy ECMO để lọc máu nhân tạo, dự trù mua 10 chiếc và đã nhận 1.
“Đến cuối tháng 3 sẽ nhận hết. Với kịch bản 3.000 ca mắc, chúng ta về cơ bản chúng ta có thể đảm bảo được về trang thiết bị y tế. Chính phủ đã phê duyệt kinh phí bổ sung để chuẩn bị cho kịch bản 10.000 ca mắc. Các đơn vị của Bộ Y tế đã tập trung để sẵn sàng cho kịch bản này”, Thứ trưởng Cường khẳng định.
Phát biểu nhấn mạnh tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế cùng các Bộ ngành, đơn vị liên quan khẩn trương cho kịch bản 10.000 ca mắc.
“Kinh nghiệm trên thế giới từ 1.000 lên 10.000 ca mắc là rất nhanh. Do vậy phải khẩn trương cho kịch bản này nhanh nhất có thể. Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để trình tiếp các kịch bản hơn nữa và phương án ứng phó để trình Thủ tướng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.