Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng kể cả tình huống xấu nhất, để có biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, trong bất cứ tình huống nào, quân đội cũng phải đi đầu, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.
Cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam sáng 25.3
Theo Bộ Y tế, hiện tại, có thể nói, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 3 cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi xảy ra rất nhiều thay đổi về nguồn bệnh, nguy cơ lây nhiễm, lây chéo, đặc biệt là khi đã có 3 cán bộ y tế nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bên cạnh đó, quán bar Budha ở TP.HCM chính là ổ lây nhiễm Covid-19 với 8 người dương tính ở thời điểm hiện tại. Hà Nội gấp rút hoàn thiện bệnh viện dã chiến Mê Linh.
Hà Nội sẵn sàng đưa bệnh viện dã chiến Mê Linh vào hoạt động
Sáng 25.3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đến kiểm tra công tác triển khai dự án cải tạo cơ sở cũ của bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để khám và điều trị Covid-19. Đoàn kiểm tra có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội.
Trước đó, với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 1126/QĐ-UBND, ngày 19.3.2020, về việc giao nhiệm vụ triển khai dự án đầu tư công khẩn cấp cải tạo cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để khám và điều trị Covid-19 theo hình thức cải tạo, xây mới. Bệnh viện dã chiến Mê Linh được triển khai trên hiện trạng của cơ sở cũ Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đã bỏ không sử dụng từ giữa năm 2018, với hiện trạng gồm 2 tòa nhà 4 tầng và 3 tầng, tổng diện tích 12 ha, có tường rào bao quanh.
Đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ cải tạo công trình chính là Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC.
Tại buổi kiểm tra ngày 25.3, phía UDIC báo cáo với Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho hay, trong 7 ngày vừa qua, đơn vị thi công đã huy động lực lượng từ 300-600 công nhân mỗi ngày, chia làm 3 ca thi công liên tục để khẩn trương cải tạo khu khám chữa bệnh tại 2 khối nhà 4 tầng và 3 tầng; xây mới nhà công vụ của cán bộ nhân viên, nhà chống nhiễm khuẩn, nhà chứa rác thải rắn y tế, nhà đại thể và công trình phụ trợ như nhà để xe, trạm xử lý nước thải. Dự kiến đến hết ngày 27.3, UDIC sẽ hoàn thành toàn bộ công trình và bàn giao cho Sở Y tế quản lý, sử dụng.
Sau khi hoàn thiện, Bệnh viện dã chiến Mê Linh bảo đảm quy mô hơn 200 giường, trong đó khu khối nhà 4 tầng có khoảng 144 giường bệnh, khu khối nhà 3 tầng điều trị 66 bệnh nhân (các trường hợp nặng hơn).
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các phương án cho Bệnh viện dã chiến Mê Linh đều đã được Sở Y tế sẵn sàng. Sau khi nhận bàn giao, Sở Y tế sẽ điều cán bộ nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Mê Linh sang, điều một đồng chí Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, là bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm của thành phố sang làm Giám đốc Bệnh viện dã chiến Mê Linh.
Phát biểu trong buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của các sở ngành, đơn vị, nhất là chủ đầu tư dự án Bệnh viện dã chiến Mê Linh đã cố gắng, nỗ lực để hoàn thành được bệnh viện này chỉ trong 1 tuần.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị UDIC sớm nghiệm thu công trình để bàn giao cho Sở Y tế, đồng thời yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phải chỉ đạo sẵn sàng đưa bệnh viện vào sử dụng ngay sau khi nhận bàn giao. Bên cạnh đó, đề nghị Tổng Công ty UDIC phải nghiên cứu phương án có thể thiết kế thêm khu điều trị, thậm chí có thể tăng công suất lên tối đa tới 1.000 giường bệnh khi cần thiết.
Ngoài ra, ngày 24.3, UBND Hà Nội đề nghị tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh dịch vụ không cần thiết như: dịch vụ karaoke, mát- xa, quán bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.
Đặc biệt, hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật, gặp mặt đông người khác; khuyến khích người dân ở nhà, làm việc, học tập trực tuyến. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các hoạt động có tập trung đông người.
Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 133 ở Lai Châu
Trước những băn khoăn liên quan đến trường hợp bệnh nhân sô 133 mắc Covid-19, nữ, 66 tuổi, địa chỉ ở Tân Phong, Lai Châu, Bộ Y tế đã có thông báo chi tiết.
Đồng thời, ngày 25.3, Sở Y tế tỉnh Lai Châu cũng cung cấp thêm về lịch trình di chuyển, điều trị của bệnh nhân này.
Theo Bộ Y tế, do bệnh nhân số 133 mắc Covid-19 đã 66 tuổi, có bệnh lý nền và nên ngay trong đêm ngày 24.3, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu đã hội chẩn với bệnh viện tuyến trung ương để hỗ trợ chuyên môn, vận chuyển người bệnh về điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở Kim Chung.
Bộ Y tế cho biết, nữ bệnh nhân này từng đến bệnh viện Bạch Mai điều trị bệnh 3 tuần trong tháng 3 vừa qua. Theo đó, ngày 22.3, bệnh nhân trở về nhà, trên đường về nhà nữ bệnh nhân có bị sốt. Ngày 23.3.2020, bệnh nhân được trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 23.3 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
“Ngày 29.2.2020, bệnh nhân số 133 nghi bị tai biến mạch máu não và được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu vào lúc 0h43phút, đến 8h30 phút cùng ngày bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội”, thông cáo báo chí về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu cho biết.
Ở Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được điều trị ở phòng tự nguyện, giường số 30, khoa Cấp cứu thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày 22.3.2020, bệnh nhân được xe cứu thương của Bệnh viện Bạch Mai chuyển thẳng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh vào hồi 21h23 phút cùng ngày.
Ngày 23.3.2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh nghi ngờ người bệnh có yếu tố dịch tễ, đã cử cán bộ đến khám, lấy mẫu xét nghiệm.
Đến 17h00 phút, ngày 24.3.2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả kết quả xét nghiệm của “bệnh nhân số 133” với kết quả xét nghiệm xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Sau khi ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Lai Châu, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã họp khẩn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân cần chủ động phòng ngừa, thông báo cho những người tiếp xúc với mình và thông báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, xử lý. Hiện tại, cơ bản đã điều tra được các trường hợp F1, đang điều tra tiếp các trường hợp F2.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định số 311-QĐ/UBND tỉnh khoanh vùng, cách ly toàn diện khu vực nhóm 4, ngõ 224, tổ dân phố số 4, đường Trần Phú và lối vào ao cá Bác Hồ đến trước chùa Linh Sơn trên địa bàn phường Tân Phong, thành phố Lai Châu kể từ 22h00 ngày 24.3 đến 22h ngày 21.4 (28 ngày).
Quán bar Buddha là ổ lây nhiễm Covid-19 ở TP.HCM
Trong 11 ca mắc Covid-19 mới được Bộ Y tế Việt Nam thông báo tối ngày 24.3, có tới 4 bệnh nhân liên quan đến quán bar Buddha (nằm trên đường số 7 Thảo Điền, quận 2, TP.HCM). Trong khi trước đó 4 ca nhiễm tính cũng đã ghé quán bar này. Đã có 8 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từ “ổ lây nhiễm” quán bar Buddha.
Bệnh nhân số 91, phi công người Anh của hàng Vietnam Airlines, 43 tuổi, trú tại Quận 2, TP.HCM được xác định là ca dương tính với coronavirus đầu từ từ quán bar Buddha.
Đáng chú ý, sau khi về Việt Nam ngày 8.3, phi công này vẫn chưa nhớ hết lịch trình đi lại và các chuyến bay quốc tế, quốc nội của mình.
Theo Bộ Y tế, trong các ngày từ 13 đến 18.3 bệnh nhân lưu trú tại TP.HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có quán bar Buddha. Ngày 17.3, bệnh nhân khởi phát sốt, ho và đến chiều 18.3 bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khám, nhập viện với tình trạng có tổn thương nhu mô phổi phải.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm dương tính vào khuya ngày 18.3. Mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TP.HCM dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 20.3.
Bộ Y tế công bố người thứ 2 cùng liên quan đến quán bar này là bệnh nhân 97, nam, 34 tuổi, quốc tịch Anh, ở quận 4, giáo viên ngoại ngữ tại Việt Nam.
Ngày 13.3, bệnh nhân từ Malaysia trên chuyến bay của AirAsia số hiệu AK1502 (không nhớ số, hàng ghế) tới sân bay Tân Sơn Nhất. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm dương tính vào ngày 21.3.
Người này đã cùng bệnh nhân thứ 98 (34 tuổi, quốc tịch Anh, ở cùng phòng) đến quán bar Buddha ngày 14.3.
Sau khi phát hiện bệnh nhân 91 dương tính với nCoV, người đàn ông Canada được đưa cách ly tập trung tại quận 2 rồi chuyển Bệnh viện dã chiến Củ Chi cách ly, điều trị.
Sang những ngày tiếp theo, Bộ Y tế tiếp tục công bố những trường hợp lây nhiễm Covid-19 có liên quan đến quán bar Buddha. Ca mắc virus corona thứ 5 từ ổ dịch này là bệnh nhân số 124, nam, 52 tuổi, quốc tịch Brazil, trú tại quận 2.
Bệnh nhân làm việc tại Công ty TNHH giày Gia Định. Hàng ngày, bệnh nhân đi làm ở cả 2 chi nhánh công ty. Ngoài ra, ông còn tới một số nơi như quán ăn (TP Biên Hoà, Đồng Nai), quán cà phê, trung tâm thương mại Vincom quận 2 và không sử dụng khẩu trang. Ngày 14.3, bệnh nhân có đến quán bar Buddha.
Người thứ 6 là bệnh nhân nhiễm nCoV thứ 125, nữ, quốc tịch Nam Phi, 22 tuổi, trú tại quận 7, là một chuyên gia. Sau khi nghe thông báo của Sở y tế TP.HCM về việc tìm kiếm người có liên quan đến quán bar Buddha, ngày 22.3, bệnh nhân tới Trung tâm y tế quận 7 khai báo đã từng đến đây từ 21h30 ngày 14.3 đến 3h ngày 15.3. Sau đó cũng được xác định dương tính với coronavirus.
Trường hợp thứ 7 là bệnh nhân thứ 126, nam, quốc tịch Nam Phi, 28 tuổi, trú tại quận 7, nghề nghiệp là giáo viên. Bệnh nhân là bạn với bệnh nhân số 125. Ngày 22.3, sau khi nghe thông báo của ngành y tế TP.HCM, bệnh nhân đến Trung tâm y tế quận 7 khai báo đã từng đến quán bar trên từ 21h30 ngày 14.3 đến 3h ngày 15.3. Trong thời gian từ 15.3 đến khi cách ly, bệnh nhân có hai lần tới nhà bệnh nhân số 125.
Ca mắc Covid-19 8 liên quan đến quán Budha là bệnh nhân số 127, nam, quốc tịch Việt Nam, 23 tuổi, trú tại quận Tân Phú, TP.HCM, làm nhân viên phục vụ bàn (theo ca 21h đến 4h) tại quán bar Buddha. Ngày 21.3, bệnh nhân tới khai báo tại trạm y tế về tình trạng tiếp xúc ở quán bar Buddha và được hướng dẫn tự cách ly tại nhà. Ngày 22.3, người này được chuyển cách ly tập trung ở quận Tân Phú, lấy mẫu xét nghiệm và không ghi nhận lại triệu chứng bệnh. Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm và kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 24.3.
Cơ quan y tế TP.HCM cho hay, ngoài 8 người dương tính với Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã điều tra xác định được 126 người có liên quan tham dự buổi tiệc tại bar Buddha vào ngày 14.3. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp được xác định có tiếp xúc với bệnh nhân 91 đã được đưa đi cách ly tập trung.
52 người được lấy mẫu, trong đó 45/52 trường hợp âm tính, 7 trường hợp dương tính là bệnh nhân 97, 98,120,124,125,126, 127. Còn một người trường hợp đang đợi kết quả xét nghiệm.
Bộ Y tế tìm hành khách trên 7 chuyến bay có người nhiễm Covid-19
Ngày 25.3, Bộ Y tế ra thông báo đề nghị hành khách trên 7 chuyến bay ghi nhận những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn, theo dõi sức khỏe.
Cụ thể, những chuyến bay gần đây được Bộ Y tế xác định có ca nhiễm nCoV bao gồm:
Chuyến bay từ Dubai về Việt Nam (nối chuyến từ London): EK364 của Emirates từ Dubai đến TPHCM ngày 15.3.2020 (nối từ chuyến EK 30 của Emirates từ London đến Dubai);
Chuyến bay thứ hai từ Nga về Việt Nam: SU290 của Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 15.3.2020;
Chuyến Bangkok-Hà Nội (nối chuyến từ London): TG560 của Thai Airways từ Bangkok đến Hà Nội ngày 15.3.2020 (nối chuyến từ London);
Chuyến bay từ Brunei (nối chuyến từ Malaysia): BI 381 của Royal Brunei Airlines từ Brunei đến TPHCM ngày 17.3.2020 (nối chuyến từ Malaysia);
Chuyến bay từ Dubai về Việt Nam (nối chuyến từ London): EK392 của Emirates từ Dubai đến TPHCM ngày 19.3.2020 (nối từ chuyến EK4 của Emirates từ London đến Dubai);
Chuyến từ Nhật Bản (nối chuyến từ Mỹ): NH831 của All Nippon Airways (ANA) từ Nhật Bản đến TPHCM ngày 19.3.2020 (nối chuyến từ Hoa Kỳ);
Chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam: JL751 của Japan Airlines từ Tokyo đến Hà Nội ngày 20.3.2020.
Bộ Y tế đề nghị các đại lý bán vé cho các hành khách trên có trách nhiệm thông báo cho hành khách đã mua vé bay trên các chuyến máy bay này.
Trước đó, Bộ Y tế đã liên tục phát đi thông tin khẩn để truy tìm hành khách trên các chuyến bay có người mắc Covid-19. Như vậy đến thời điểm này, Bộ Y tế đã phát đi 7 thông báo khẩn tìm hành khách trên 28 chuyến bay có người bệnh mắc Covid-19.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Quân đội sẵn sàng trong mọi tình huống
Trước đó, chiều 24.3, tại Hà Nội, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã tổ chức họp để nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Quốc phòng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Phát biểu trong cuộc họp, Đại tướng Ngô Xuân Lịch biểu dương các cán bộ, chiến sĩ đã và đang trực tiếp căng mình làm nhiệm vụ trên các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập nội địa, nhường doanh trại, cơ sở vật chất, huy động lực lượng phục vụ, chăm sóc, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho công dân Việt Nam và người nước ngoài cách ly tại đơn vị.
Theo Bộ trưởng, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm trong quân đội, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành các biện pháp phòng chống dịch.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá, trong những ngày tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, vì vậy, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
“Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn quân tiếp tục quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của các cấp, xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay, là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình, từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm cao nhất lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phòng chống dịch”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh trong bất luận tình huống nào, quân đội cũng sẵn sàng đi đầu.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch đồng thời cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Quốc phòng thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, xây dựng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để có phương án tốt nhất, chống tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, lơ là, giản đơn hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
“Lực lượng quân y tiếp tục rà soát, kiện toàn, bổ sung nhân lực, vật tư, trang bị y tế để sẵn sàng ứng phó theo từng cấp độ dịch, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn, khoanh vùng, khống chế, góp phần sớm dập dịch trên từng địa bàn và phạm vi cả nước, không để dịch lây lan vào cơ quan, đơn vị, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của bộ đội và nhân dân”, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Bộ Quốc phòng xác định.