Chiều nay 27.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để bàn bạc về các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc “4 trong 1” của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với dịch Covid-19.
Việt Nam đang tìm những giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
GDP Việt Nam thấp kỷ lục trong cùng kỳ 15 năm qua vì coronavirus
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 200 quốc gia, khiến hơn 530.000 người nhiễm và gây ra cái chết cho 24.000 người. Ngay trong thời điểm hiện tại, con số này vẫn không ngừng gia tăng.
Thủ tướng cho biết, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có những bước đi chủ động, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Sáng nay, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị hết sức quan trọng, thực hiện các biện pháp khắt khe nhất, xem như động thái “tiền khẩn cấp” với nhận định rằng, dịch có nguy cơ bùng phát trong 2 tuần tới.
Việt Nam đang cố gắng giảm tối đa số người nhiễm coronavirus để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đến nay, điều đáng mừng là trong nước chưa có trường hợp nào tử vong, nhiều người đã bình phục và được cho xuất viện.
Thủ tướng cũng nêu rõ sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, trên tinh thần “quyết chiến”, làm mọi biện pháp có thể để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt là trong thời gian nửa tháng tới và có thể kéo dài thêm, Việt Nam phải tập trung huy động mọi nguồn lực, mọi biện pháp để chống dịch, coi đó là nhiệm vụ số 1 trong giai đoạn hiện nay.
Về tác động của dịch đến tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết, Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất, kinh doanh trên quy mô toàn thế giới. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0.
Trong khi đó, Bloomberg cũng nhận định, nhiều nước thậm chí còn tăng trưởng âm. Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, sẽ có một cuộc suy thoái kinh tế mới, với quy mô lớn hơn cuộc suy thoái hồi năm 2008, diễn ra trên toàn cầu. Các nước như Trung Quốc được dự báo tăng trưởng thấp, còn Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác có thể tăng trưởng âm.
“Hôm qua, tôi đã dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, các Tổng thống, thủ tướng của các nước dự đều phát biểu rằng phải vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, trở ngại”, VGP dẫn lời Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết, các nước G20, các nước châu Á, Đông Nam Á đã ban hành các gói kích thích kinh tế.
Về tình hình trong nước, ngay từ những tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở các tỉnh miền Nam, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…
Và đặc biệt nhất, ảnh hưởng nặng nề nhất đến cuộc sống xã hội và tình hình kinh tế là từ dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Thường trực Chính phủ cho rằng, phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ.
Do vậy, theo Thủ tướng, sắp tới cần tổ chức một hội nghị toàn quốc để thảo luận 4 nội dung lớn. Điều đầu tiên là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch, những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Năm 2020, Việt Nam dự kiến đón khoảng 20 triệu du khách, chủ yếu đi bằng đường hàng không. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, một lượng lớn du khách đã không thể đến Việt Nam trong thời gian qua. Đi kèm với đó là việc hàng loạt các khách sạn cũng phải đóng cửa.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng yếu cả cung, yếu cả cầu. Để khắc phục tình trạng này, cần phải tìm thấy thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài, cũng như phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng.
Nói về một kênh quan trọng cho tăng trưởng là giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay. Trong 3 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. Thủ tướng đặt vấn đề làm sao để giải ngân hết số vốn này.
Lần này, Thủ tướng yêu cầu đưa ra chế tài mạnh để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải kỷ luật như thế nào, điều chuyển vốn ra sao? Thủ tướng cũng yêu cầu một số bộ, ngành, cơ quan sử dụng nhiều vốn đầu tư phải có biện pháp mạnh mẽ.
Nội dung thứ 3 cần đưa ra trong hội nghị sắp tới là vấn đề an sinh xã hội, trong bối cảnh tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu cũng như trong nước.
Ngoài ra, một trong 4 nội dung lớn chính là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bởi nếu không thì không có việc làm và không thể có tăng trưởng, nhất là trong quý 1 năm nay tăng trưởng chỉ khoảng 3,82%, mức thấp nhất cùng kỳ trong 15 năm qua.
“Cho nên, chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Chúng ta phải tìm thấy một thị trường mới ở trong nước và những thị trường mới, lớn ở nước ngoài trong bối cảnh nhiều hiệp định như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đặc biệt thị trường nội địa 100 triệu dân Việt Nam phải như thế nào?”, Thủ tướng cho hay, đồng thời nhấn mạnh, phải tháo gỡ mọi khó khăn để thúc đẩy sản xuất.
Việt Nam không chuẩn bị sẵn tâm thế thì sẽ chuốc thất bại
Thủ tướng đặt vấn đề phải có biện pháp và gói hỗ trợ để giải quyết căn cơ vấn đề. An sinh xã hội là câu chuyện lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, cần pháp đảm bảo ổn định vĩ mô, chống đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo cũng như các vật tư, nhu yếu phẩm khác.
Cuối cùng là công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Do đó, Bộ Công an cần có giải pháp không để tình trạng lộn xộn xảy ra.
Thủ tướng nêu rõ, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, chính quyền phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới. Lấy hình ảnh so sánh, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải hành động để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch.
“Không để tình hình quá xấu rồi mà chúng ta rơi vào thế bị động”, Thủ tướng chỉ đạo.
Ngay sau khi dịch kết thúc, toàn thể phải đồng lòng bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn có liên quan đã phục hồi mà Việt Nam không chuẩn bị sẵn tâm thế thì sẽ dễ chuốc lấy thất bại.
Thủ tướng cho biết, Hội nghị dự kiến diễn ra vào ngày 31.3. Hội nghị sẽ có sự tham dự của bí thư, chủ tịch các tỉnh thành trong toàn quốc, các đồng chí bộ trưởng, các cơ quan liên quan của Quốc hội để cùng thảo luận. Tại Hội nghị, các bộ trưởng sẽ trình bày chương trình hành động của mình về việc đóng góp xây dựng đất nước.
Tại phiên họp hôm nay, Thường trực Chính phủ cũng nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, Bộ cho biết, Việt Nam có nền kinh tế đang hội nhập quốc tế sâu rộng, có độ mở lớn và liên kết chặt chẽ về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với thế giới.
Do đó, Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng toàn diện tới nền kinh tế, cùng lúc chịu tác động “kép”, cả cung và cầu, tác động đến tất cả các thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng. Việt Nam cũng đối mặt với khó khăn cả về tư liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng điện tử, điện thoại, may mặc, da giày.
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh, các ngành du lịch, vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, nhà hàng... cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giảm lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trong nước với năng lực tài chính, sản xuất còn nhiều hạn chế là những đối tượng chịu nhiều tác động từ dịch.
Việt Nam ghi nhận thêm 10 bệnh nhân mắc Covid-19
18h chiều ngày 27.3, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 10 trường hợp nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 163 trường hợp.
Đáng chú ý, có 4/10 bệnh nhân này là những người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 21.3 tới 23.3.2020, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Có 3 ca người nước ngoài đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 tại quán bar Buddha ở TP. Hồ Chí Minh. 3 trường hợp còn lại có liên quan tới bệnh nhân 133 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Bộ Y tế thông báo cụ thể các ca bệnh mới như sau. Bệnh nhân nhiễm coronavirus số 154 là nữ, người Việt Nam, 23 tuổi, là du học sinh tại Anh từ năm 2018. Địa chỉ ở phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, Quảng Ninh.
Bộ Y tế cho biết, ngày 22.3.2020, bệnh nhân bay từ London (Anh) về tới Cần Thơ trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN0050, số ghế 12C - chung chuyến bay với bệnh nhân số 145. Khi nhập cảnh, bệnh nhân khai có triệu chứng sốt, ho, khó thở, buồn nôn và được chuyển tới khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự TP. Cần Thơ. Ngày 24.3.2020, bệnh nhân có sốt nên được chuyển tới Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm và điều trị cách ly. Đến ngày 27.3 kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm khẳng định dương tính với virus corona.
Bệnh nhân số 155 là một cô gái Việt Nam, 21 tuổi, có địa chỉ tại thôn Trung, thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, sinh viên trường Đại học Huddersfield (Anh). Ngày 22.3.2020, bệnh nhân bay từ London (Anh) về tới Cần Thơ trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN0050, số ghế 2K - chung chuyến bay với bệnh nhân số 145.
Khi nhập cảnh, bệnh nhân không có dấu hiệu triệu chứng bệnh và được chuyển tới khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu (ở thị xã Giá Rai). Tại khu cách ly bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm.
Rất đáng chú ý ở ca bệnh này, chính là tại thời điểm lấy mẫu và đến nay bệnh nhân chưa có biểu hiện bệnh. Bệnh nhân và 1 người bạn chung phòng tại khu cách ly tập trung hiện đã được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cách ly, theo dõi.
Trường hợp nhiễm Covid-19 số 156 là nam, quốc tịch Việt Nam, 21 tuổi, có địa chỉ tại Phường 7, TP Trà Vinh, du học sinh tại Anh. Ngày 22.3.2020, bệnh nhân bay từ London (Anh) về tới Cần Thơ trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN0050, số ghế 23G - chung chuyến bay với bệnh nhân 145.
Khi nhập cảnh, bệnh nhân không có dấu hiệu triệu chứng bệnh và được chuyển tới khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu. Tại khu cách ly bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm.
Cũng như nữ bệnh nhân số 155, tại thời điểm lấy mẫu và đến nay bệnh nhân chưa có biểu hiện bệnh. Bệnh nhân và 1 người bạn chung phòng tại khu cách ly tập trung hiện đã được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cách ly, theo dõi.
Ca mắc Covid-19 số 157 là một phụ nữ Anh, 31 tuổi, giáo viên Eschool - Eclass, hiện ngụ tại đường Tôn Đản, phường 13, quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có tiếp xúc với ca bệnh dương tính trong quán bar Buddha. Hiện bệnh nhân không có triệu chứng mắc bệnh, đang được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Bệnh nhân nhiễm nCoV số 158 là nam, quốc tịch Brazil, 45 tuổi, làm thuật viên, hiện ngụ tại đường 42, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có tiếp xúc với ca bệnh dương tính trong quán bar Buddha ngày 14.03.2020. Hiện bệnh nhân không có triệu chứng mắc bệnh, đang được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 159 là nam, quốc tịch Brazil, 33 tuổi, hiện ngụ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có tiếp xúc ca bệnh dương tính trong quán bar Buddha ngày 14.3.2020. Hiện bệnh nhân không có triệu chứng mắc bệnh, đang được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Trường hợp nhiễm coronavirus số 160 là bệnh nhân nữ, quốc tịch Việt Nam, 30 tuổi, ngụ tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Từ ngày 20.3.2020, bệnh bị đau họng, ho khan, không sốt. 1 tháng trước bệnh nhân đã ở Madrid (Tây Ban Nha), có tiếp xúc với chị gái bị Covid-19. Ngày 22.3.2020 bay về Việt Nam theo hành trình Madrid - Moskva trên chuyến bay SU2605, Moskva - TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay SU292. Bệnh nhân được đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ.
Trường hợp nhiễm nCoV thứ 161 là bệnh nhân nữ, 88 tuổi, ngụ tại Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên. Từ ngày 17.3 bệnh nhân bị đau đầu, hôn mê, được đưa tới Bệnh viện Phố Nối, Hưng Yên, chụp CT Scan với chẩn đoán chảy máu não, não thất. Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai nằm tại Phòng điều trị tự nguyên, Khoa Thần kinh, nằm cùng phòng với bệnh nhân số 33 từ ngày 17-22.3.2020.
Bộ Y tế cho biết, sau 9 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, còn yếu nửa người trái. Ngày 24.3, bệnh nhân được Bệnh viện Bạch Mai lấy mẫu làm xét nghiệm và ngày 25.3 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân nhiễm corona virus số 162 là nữ, 63 tuổi, con dâu bênh nhân 161, ngụ tại Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội. Bệnh nhân vào chăm sóc mẹ chồng. Tình trạng sức khỏe hiện tại bình thường, không có triệu chứng. Ngày vào viện 25.3.2020. Nơi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Kết quả xét nghiệm lần 1 của Bệnh viện Bạch Mai ngày 25.3 dương tính SARS-CoV-2. Ngày 26.3.2020 xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tái khẳng định kết quả này.
Ca bệnh số 163 là một bệnh nhân nữ, 43 tuổi (cháu gái của nữ bệnh nhân số 161), ngụ tại Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội. Nghề nghiệp là nhân viên cấp dưỡng tại Công ty xăng dầu khu vực 1. Bệnh nhân vào chăm sóc bà. Tình trạng sức khỏe hiện tại bình thường, không có triệu chứng. Ngày vào viện 25.3.2020. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đức Giang. Theo kết quả xét nghiệm ngày 26.3 do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện khẳng định bệnh nhân này dương tính với virus corona.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 163 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 20 người đã được chữa khỏi.