Đồng thời báo giới cũng phản ánh cuộc thảo luận về một số thay đổi trong chính sách đối ngoại mà đại dịch buộc các nước phải chỉnh sửa. Sputnik mời các bạn theo dõi tổng quan hàng tuần của chúng tôi trong chuyên mục «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Người Việt luôn sẵn sàng xả thân giúp đỡ
Các biện pháp nhanh chóng và thành thạo về quản lý đất nước kết hợp với chính sách cứng rắn của Chính phủ đã cho phép Việt Nam đánh bại virus với thành công bước đầu nổi bật hơn hầu hết các nước khác, - phóng viên CNN nhận xét và mô tả quang cảnh đời sống đang nhộn nhịp trở lại trên đường phố các đô thị Việt Nam.
Microsoft giới thiệu đội ngũ nhân viên và đối tác của mình tại Việt Nam, những người tham gia hiến máu nhân đạo để giúp đỡ những bệnh nhân bị tổn hại vì COVID-19. Khmer Times cho biết rằng Việt Nam đã cung cấp cho Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ Campuchia 4.000 chiếc khấu trang chống khuẩn dành cho những nơi bị phong toả, còn báo chí Nga đưa tin vui về món quà của Hà Nội vừa trao tặng Matxcơva - là 200 nghìn chiếc khẩu trang y tế để đấu tranh chống COVID-19.
Bí quyết chính của chiến thắng
Republic World tổng kết hai nguyên nhân chính khiến Việt Nam đạt kết quả xuất sắc trong cuộc chiến chống đại dịch. Đó là chính sách kiểm dịch cách ly nghiêm ngặt và theo dõi cẩn thận các liên hệ gia đình và xã hội của người nhiễm bệnh. Cách ly bắt buộc nghiêm ngặt đã được ban hành sớm hơn nhiều so với ở Trung Quốc hoặc các «ổ dịch» điểm nóng khác, nơi mà việc phong toả được sử dụng như là phương sách cuối cùng để chặn sự lây lan của virus, - tờ báo viết. Ấn phẩm ghi nhận vai trò tích cực trong việc huy động các binh sĩ tuần tra từng đường phố, huyện và thôn làng «có vấn đề» về mặt dịch bệnh.
Radio New Zealand dẫn ý kiến chuyên gia nói rằng Việt Nam «quả thực đã hành động mau lẹ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và những kinh nghiệm phong phú tích luỹ qua cuộc đấu tranh chống dịch SARS năm 2003 bây giờ được Chính phủ Việt Nam sử dụng một cách khéo léo linh hoạt để đối phó với chủng coronavirus mới».
Ngay từ đầu Việt Nam đã sáng chế được 3 bộ kit thử nghiệm giá rẻ hiệu quả, trong khi Hoa Kỳ không hề có một bộ nào, - Devpolicy lưu ý. Khi dịch bệnh vừa bùng phát ở Việt Nam chỉ có 3 phòng thí nghiệm đủ trang bị để xét nghiệm COVID-19, nhưng đến tháng 4 số cơ sở như vậy đã tăng thành 112. Đến thời điểm hiện nay đã tiến hành hơn 260 nghìn test xét nghiệm, là tỷ lệ xét nghiệm cao nhất với các trường hợp xác nhận ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Phương pháp xét nghiệm tập trung mục tiêu cho phép Việt Nam tranh thủ được khoảng thời gian mà các chuyên gia tận dụng để kiểm tra tất cả những người có triệu chứng nhiễm virus. Câu trả lời của Việt Nam với dịch bệnh COVID-19 thực sự là đúng đắn và thành công hơn cả ở toàn khu vực Đông Nam Á. Bây giờ nhiệm vụ đặt ra là duy trì mức độ cảnh giác này ngay cả khi đất nước trở lại nhịp sống bình thường. Các ấn phẩm của Ireland và Hoa Kỳ dẫn ra câu chuyện của những người là công dân hai nước này hiện đang sống ở Việt Nam, kể về tất cả các biện pháp chống dịch hữu hiệu mà họ chứng kiến trong thực tế.
Trở lại cuộc sống bình thường
Bangkok Post thông báo rằng trong năm nay Việt Nam sẽ nhập khẩu 20.000 con heo giống từ Thái Lan để phục hồi đàn heo bị ảnh hưởng bởi dịch sốt heo châu Phi. Cũng ấn phẩm này viết rằng Việt Nam sẽ không xét hồ sơ xin lập những hãng hàng không mới, trong chừng mực dành ưu tiên cho việc khôi phục ngành hàng không sau đại dịch coronavirus. Các chuyến bay nội địa đã được nối lại từ ngày 22 tháng 4, còn các chuyến bay quốc tế, như đang chờ đợi, sẽ có thể tiếp tục hoạt động một phần từ ngày 1 tháng 6. Các hãng Kite Air và Vietravel đang chờ giấy phép.
Như The Business Times đưa tin, từ ngày 13 tháng 5 Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã hạ lãi suất lần thứ hai trong vòng hai tháng, còn Vietnam Briefing cho biết Bộ Tài chính Việt Nam đã cắt giảm lệ phí cấp phép và quản lý hành chính đối với một số ngành để giúp họ phục hồi sau đại dịch COVID-19. Skift thông báo rằng, Việt Nam đã đi trước các nước láng giềng trong khu vực, trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu kéo ngành du lịch ra khỏi vũng lầy do đại dịch gây ra. Hiện tại, đã phục hồi các chuyến bay nội địa, cũng như tuyến chuyên chở vận tải bằng xe buýt và đường sắt, các nhà hàng và những điểm mua sắm đã mở cửa đón khách. Đến ngày 19 tháng 5 sẽ khởi động cuộc thi thể thao đầu tiên, đó là tour đua xe đạp 18 giai đoạn, - như Outlook India cho biết.
ASEAN cần thay đổi
The Diplomat đăng bài viết về quan hệ Việt-Trung. Hà Nội không theo bước chân của các ông Trump hay Macron, gay gắt chỉ trích hành động của Trung Quốc trong vấn đề chống virus, mà Việt Nam bắt đầu phát huy những thế mạnh của mình là các biện pháp nghiêm khắc về bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và huy động toàn dân trong cả nước tham gia. Đáng chú ý là Việt Nam và Trung Quốc đã hợp tác cùng nhau trong đại dịch, nhưng ngay cả vào thời điểm căng thẳng này, cuộc đối đầu địa chính trị ở Biển Đông giữa họ vẫn không hề giảm nhiệt.
Tờ The Strategis cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm lung lay vị thế thống soái của không quân và hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, buộc Trung Quốc phải có những hành động mới táo bạo hơn. Để phá vỡ tham vọng của Trung Quốc và lấp đầy khoảng «chân không chiến lược» mà Hoa Kỳ để lại, Đông Nam Á cần đến một kiến trúc an ninh khu vực mới và những mối quan hệ mới với các nước láng giềng và đối tác.
Khép lại tổng quan này là nội dung được báo chí nước ngoài quan tâm, đó là một mốc kỷ niệm nổi bật sắp tới – sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Ấn Độ The Economic Times of India viết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một trong những nhân vật tuyệt vời nhất của thời đại chúng ta và đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng những cây cầu hữu nghị bền vững kết nối các công dân Ấn Độ và Việt Nam. Khó có thể đánh giá hết tầm ý nghĩa quan trọng của liên hệ mật thiết giữa hai nước Ấn Độ và Việt Nam trên bình diện duy trì cân bằng chiến lược ở Đông Nam Á trong bối cảnh những hoạt động gây hấn của Trung Quốc, - báo nhận định.