Liên quan đến đại án Trần Bắc Hà, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa có cáo trạng truy tố đối với 12 bị can về các tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng.
Truy tố 12 bị can trong vụ án ông Trần Bắc Hà
VKSND Tối cao cũng phân công cho VKSND Hà Nội thực hiện quyền công tố, kiểm sát trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan hàng loạt đại gia ngân hàng này.
Ngoài ra, trong số 12 bị can này, có 8 người nguyên là cựu lãnh đạo cấp cao của BIDV. Đồng thời, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng truy tố các bị can Trần Lục Lang (nguyên Phó tổng giám đốc BIDV), Đoàn Ánh Sáng (nguyên Phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (nguyên Phó tổng giám đốc BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh), Ngô Duy Chính (nguyên giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (nguyên phó giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp - BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Phạm Hồng Quang (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV chi nhánh Hà Thành); Đặng Thành Nam (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV - Chi nhánh Hà Thành) cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Các bị can bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản gồm: Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Trần Anh Quang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Nguyễn hị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam).
Đại án Bình Hà: Ông Trần Bắc Hà là chủ mưu
Trong đại án Bình Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà được xác định là chủ mưu, cầm đầu về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo khoản 4 Điều 206 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra khẳng định, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính. Cựu Chủ tịch BIDV đã có hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo điều 206 Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, do ông Trần Bắc Hà đột ngột tử vong trong trại tạm giam T771 Bộ Quốc phòng do bệnh lý nên nên theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan Công an đã tiến hành đình chỉ bị can đối với ông Trần Bắc Hà. Việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ tiếp tục với các đồng phạm của ông Hà trong vụ án này.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng quyết định tách vụ án đối với hành vi sai phạm của các công ty và những cá nhân liên quan để tiếp tục điều tra do hết thời hạn điều tra.
Có thể nói, cả sự nghiệp gắn bó với BIDV, 5 năm trên ghế Tổng Giám đốc và 8 năm trên ghế Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, ông Trần Bắc Hà được nhận xét là “nhà lãnh đạo BIDV quyền uy và nổi tiếng nhất”. Ông Trần Bắc Hà được đánh giá đã xây dựng cả một “đế chế” ở BIDV, trọng dụng nhiều thuộc cấp thân tín quê Bình Định và cũng bố trí một số người nhà vào các vị trí ở BIDV.
Tuy nhiên, cuộc đời của ông Trần Bắc Hà đã khép lại, nhưng loạt vụ án liên quan đến vị đại gia ngân hàng nổi tiếng của Việt Nam vẫn sẽ còn tiếp tục được đưa ra ánh sáng, sẽ còn hàng loạt người “xộ khảm” và bị “chỉ mặt đặt tên”.
Ưu ái sân sau: Ông Trần Bắc Hà gây thiệt hại cho BIDV như thế nào?
Đại gia Trần Bắc Hà chỉ đạo thành lập 2 công ty: Công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng của mình làm chủ) và Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (do ông Hà nhờ 3 cá nhân không có năng lực tài chính đứng tên thành lập).
Cáo trạng chỉ rõ, Công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV, vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV. Chưa hết, hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả.
Trong quá trình giải ngân, các bị can tại BIDV cũng không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV và tiền bán bò. Tổng dư nợ của Công Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là 799 tỷ đồng.
BIDV buộc phải cho vay vì áp lực của ông Trần Bắc Hà?
Cáo trạng truy tố nêu rõ, quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị can Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo và một khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.
Đồng thời, đối với tất cả 26 khoản vay trên, các bị can đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng dẫn đến còn dư nợ trên 600 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.
Hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng trong việc cho Công ty Trung Dũng vay, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỷ đồng. Hiện BIDV đã xử lý tài sản đảm bảo, thu nợ, đến nay còn 263,5 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.