Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ đích thân làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về nghi án Công ty Tenma hối lộ quan chức thuế và hải quan Bắc Ninh, đồng thời Bộ đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với loạt lãnh đạo, quan chức Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.
Đại tá Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho hay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an tỉnh đang khẩn trương làm rõ vụ án. Trong khi đó Cục Hải quan tỉnh này phản hồi nghi vấn nhận hối lộ của Tenma Việt Nam thì quả quyết, đoàn kiểm tra không hề đòi hỏi hay nhận bất cứ lợi ích cá nhân gì khác từ doanh nghiệp này.
Vụ Tenma Việt Nam: Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm
Về việc hôm 11/5, hàng loạt tờ báo Nhật Bản Asahi Shimbun, Nikkei, Kyodo, Mainichi đưa tin công ty con tại Việt Nam của hãng sản xuất nhựa Tenma đã hối lộ khoảng 25 triệu yen (khoảng 5,4 tỉ đồng) cho các quan chức hải quan Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các Bộ, ngành và lãnh đạo địa phương kiểm tra làm rõ vụ việc.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin liên quan về Công ty Tenma Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm nếu thật sự có sai phạm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế cũng như ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.
Đồng thời, liên quan nghi án hối lộ quan chức thuế và hải quan Bắc Ninh của Công ty Tenma Việt Nam để trốn một số khoản thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp lên tới hơn 400 tỷ đồng, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có công hàm gửi Cơ quan Thuế Nhật Bản.
Động thái này nhằm thể hiện cam kết và thiện chí của phía Việt Nam nhằm làm sáng tỏ nghi án hối lộ quan chức Bắc Ninh của Tenma Việt Nam thông qua công tác trao đổi thông tin trên cơ sở quy định giữa cơ quan thuế hai nước Việt Nam – Nhật Bản theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng cho biết đã ban hành văn bản số 2150/TCT-VP ngày 25/5/2020 chỉ đạo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh khẩn trương rà soát, phối hợp kịp thời với Đoàn thanh tra của Bộ Tài chính.
“Trong phạm vi quyền hạn được giao, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm (nếu có). Đồng thời, khi có thông tin mới liên quan đến trách nhiệm của Tổng cục Thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông tin kịp thời đến các cơ quan báo chí”, Tổng cục Thuế khẳng định.
Trước đó, theo báo chí Nhật Bản, Công ty TNHH Tenma Việt Nam (có công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) khai báo tự nguyện với Tòa án Tokyo về 2 lần hối lộ với tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tenma cũng chủ động thành lập ủy ban bên thứ 3 để điều tra vụ việc. Đươc biết, đạo luật Phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật có điều khoản cấm hối lộ chính quyền nước ngoài.
Cũng theo Asahi, Tenma chủ động thành lập ủy ban bên thứ ba để điều tra về vi phạm nghiêm trọng này. Đồng thời, các công tố viên quận Tokyo ban đầu đánh giá hành vi này của Tenma vi phạm Luật phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.
Theo ủy ban bên thứ ba, khoản tiền trên được lãnh đạo Công ty Tenma trực tiếp thông qua khoản phí điều chỉnh cho các cán bộ của của một cơ quan địa phương của Việt Nam nhằm được miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam. Khoản phí điều chỉnh trị giá 25 triệu yên này được thực hiện qua 2 lần.
Theo đó, lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2017, sau khi nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên tới 1,7 tỷ yên (tương đương khoảng hơn 400 tỷ đồng), lãnh đạo của công ty con Tenma Việt Nam đã đưa ra đề xuất hối lộ cho các cán bộ địa phương Việt Nam nhằm tránh phải nộp khoản thuế khổng lồ kia.
Theo Asahi và Nikkei, được sự đồng ý của ông Kento Fujino, Chủ tịch tại trụ sở chính của công ty, Tenma Việt Nam đã trả 2 tỷ đồng (khoảng 10 triệu yên) cho cán bộ của Việt Nam để tránh khoản phụ phí. Kết quả, công ty này đã được miễn 400 tỷ đồng.
Lần hối lộ thứ hai là vào tháng 8 năm 2019, sau một cuộc kiểm tra thuế và được cán bộ địa phương Việt Nam yêu cầu nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) bao gồm thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, cán bộ điều tra thuế yêu cầu phía công ty trả tiền mặt 3 tỷ đồng. Công ty này thực hiện theo và sau cùng được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn khoảng 570 triệu đồng (2,62 triệu yên). Tất cả những khoản thuế này thuộc lĩnh vực quản lý của Cục Thuế Bắc Ninh.
Về vấn đề này, theo đại diện Bộ Tài chính, vào chiều 26/5, đoàn thanh tra đã báo cáo sơ bộ vụ việc gửi Bộ Tài chính để báo cáo nhanh Thủ tướng.
“Thanh tra bộ cũng sớm có kết luận về vụ việc này ra công luận và nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, Bộ này cho hay.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ làm việc với ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam về vụ Tenma
Tối muộn ngày 26/5, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Bộ đã có báo cáo sơ bộ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến nghi vấn hối lộ quan chức thuế và hải quan của Công ty TNHH Tenma Việt Nam.
Nỗ lực làm sáng tỏ sự việc và có báo cáo đầy đủ, kịp thời với Thủ tướng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, đích thân ông sẽ làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam liên quan đến nghi án Tenma Việt Nam hối lộ quan chức thuế và hải quan hơn 5,4 tỷ đồng nhằm được miễn giảm hơn 400 tỷ đồng tiền thuế.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã thành lập đoàn thanh tra vụ việc nghiêm trọng này. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong ngày 26/5, đã có liên tiếp hai công văn yêu cầu tạm đình chỉ công tác các lãnh đạo, cá nhân, cán bộ liên quan đến nghi án hối lộ. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế có công hàm gửi cơ quan Thuế của Nhật bản để phối hợp cung cấp thông tin sự việc.
“Để làm rõ vụ việc này, phía Bộ Tài chính cần phải có thời gian. Quan điểm là sẽ làm quyết liệt, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý thật nghiêm để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.
Trước đó, bên hành lang Quốc hội ngày hôm qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng trả lời báo chí về nghi án hối lộ này đồng thời khẳng định, những vụ việc như thế này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn bởi liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng trong quản lý công tác cán bộ tại ngành thuế, hải quan.
Tư lệnh Bộ Tài chính nhấn mạnh sau khi có kết quả cuối cùng sẽ công bố công khai với các cơ quan ban ngành, truyền thông và dư luận.
“Việc này rất quan trọng, về đối ngoại liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh. Về đối nội đây là việc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong 2 lĩnh vực mà người ta nói là ăn vặt”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Đình chỉ hàng loạt lãnh đạo Cục Thuế và Hải quan Bắc Ninh: Chủ tịch tỉnh lên tiếng
Liên quan nghi án Tenma Việt Nam hối lộ các quan chức thuế và hải quan, chiều 26/5, bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có buổi làm việc với các cơ quan công an tỉnh, Cục Thuế, Cục Hải quan, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan để giải quyết vụ việc liên quan Công ty Tenma Việt Nam hối lộ công chức.
Bà Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí.
Chiều 26/5, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với các công chức tham gia đoàn kiểm tra thuế và lãnh đạo Cục Thuế Bắc Ninh ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra thuế tại Công ty Tenma Việt Nam, nhằm thực hiện công tác kiểm điểm và phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Theo đó, đình chỉ các công chức của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh có liên quan đến Đoàn kiểm tra thuế theo Quyết định số 2745/QĐ-CT ngày 21/8/2019 của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.
Danh sách các công chức bị đình chỉ gồm ông Phạm Đức Thường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh người ký Quyết định số số 2745/QĐ-CT, ông Nguyễn Đức Tuấn, trưởng đoàn Kiểm tra, ông Nguyễn Duy Cử, thành viên đoàn Kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hoài Biên và bà Phạm Thị Thanh Tâm, thành viên đoàn Kiểm tra.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với các công chức tham gia đoàn kiểm tra sau thông quan. Lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan tại Công ty Tenma Việt Nam cũng bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để thực hiện kiểm điểm và phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã có các quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 27/5/2020) đối với ông Trần Thành Tô- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh (người ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra sau thông quan) để tập trung tổ chức phục vụ đoàn Thanh tra Bộ Tài chính và rà soát, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Đoàn kiểm tra sau thông quan và người đứng đầu liên quan trong việc kiểm tra sau thông quan đối với Công ty TNHH Tenma Việt Nam.
Cùng bị tạm đình chỉ còn có ông Dương Minh Khải- Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, ông Vũ Quang Hà- Đội trưởng đội nghiệp vụ- Chi cục Hải quan Bắc Ninh, ông Nguyễn Lưu Bình Trọng- công chức Chi cục Hải quan cảng nội địa Tiên Sơn và bà Nguyễn Thị Hảo- công chức Văn phòng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.
Hải quan Bắc Ninh: Không thu thuế hay kiếm trác gì từ Tenma VN?
Về phần mình, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh khẳng định, Đoàn kiểm tra cam kết không đòi hỏi và nhận bất kỳ lợi ích cá nhân gì khác từ Công ty Tenma Việt Nam.
Cụ thể, ông Phạm Chí Thành, cục phó Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh - cho biết Công an tỉnh Bắc Ninh đã sang cục thu thập hồ sơ và điều tra liên quan đến vụ việc công ty Tenma.
Theo Cục phó Phạm Chí Thành, thời gian qua, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đã báo cáo cụ thể vụ việc với UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan theo quy định. Đại diện Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh cho hay, qua rà soát hồ sơ, thông tin nói rằng không truy thu hoặc giảm truy thu thuế của Tenma Việt Nam là “chưa có cơ sở”.
Vị này lý giải, Công ty TNHH Tenma Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất, thuộc đối tượng không chịu thuế. Hàng hóa xuất nhập khẩu của công ty không chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Cũng theo Cục phó Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, đoàn kiểm tra của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đến Tenma Việt Nam chỉ kiểm tra, đánh giá mức độ tuân thủ hằng năm. Việc kiểm tra được thực hiện định kỳ 3-5 năm một lần theo quy định.
Đại diện Cục Hải quan cho biết, theo Luật hải quan, việc kiểm tra này nhằm đánh giá xem doanh nghiệp chấp hành tốt hay không tốt chính sách pháp luật liên quan tới hải quan, các chính sách về mặt hàng, chính sách xuất nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp tuân thủ tốt sẽ ưu tiên thực hiện thủ tục thông quan đơn giản, gọn nhẹ hơn. Năm 2017, kết quả kiểm tra Tenma Việt Nam chấp hành tốt, không có vi phạm gì.
Đối với Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, phía Phòng Cảnh sát Kinh tế - PC03, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã yêu cầu cung cấp các hồ sơ liên quan tới việc kiểm tra thuế, giải trình của đoàn kiểm tra thuế thời điểm bị tố cáo.
Được biết, thời điểm xảy ra sự việc vào 2 năm 2017 và 2018. Lúc đó, ông Trần Thành Tô đang là Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh. Hiện nay, ông Tô vẫn đang lãnh đạo đơn vị này.
Trao đổi với báo chí trước đó, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Thành Tô phủ nhận hoàn toàn sự việc.
“Làm gì có chuyện Hải quan đi lấy mấy tỷ đồng để bỏ qua cho việc truy thu thuế gần 400 tỷ đồng”, ông Trần Thành Tô khẳng định và cho rằng, doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Tenma Việt nam nói riêng từ trước tới nay luôn chấp hành tốt pháp luật về thuế, hải quan.
Bên cạnh đó, trong văn bản gửi Thanh tra Bộ Tài chính ngày 22/5, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này chỉ thực hiện duy nhất một cuộc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty TNHH Tenma Việt Nam (theo Quyết định kiểm tra số 356/QĐ-HQBN ngày 5/6/2017 của Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh).
Căn cứ đề xuất kiểm tra dựa trên cơ sở danh sách giao kế hoạch để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan năm 2017 của Tổng cục Hải quan (Quyết định số 75/QĐ-TCHQ ngày 10/3/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) không phải là trường hợp kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm.
Cục Hải quan Bắc Ninh nêu rõ, việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty TNHH Tenma Việt Nam được thực hiện đúng theo quy trình kiểm tra sau thông quan ban hành kèm theo Quyết định số 1410/QĐ-TCHQ ngày 15/5/2015 của Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan và các quy định pháp luật về hải quan và quản lý thuế.
“Kết quả kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra chưa phát hiện Công ty Tenma có vi phạm pháp luật về hải quan, đánh giá Công ty tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế”, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại các biên bản kiểm tra đều ghi nhận trong quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra không sử dụng hay làm mất mát, hư hỏng tài sản của Công ty. Không gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của Công ty. Hồ sơ kiểm tra sau thông quan đối với Công ty TNHH Tenma Việt Nam vẫn đang được lưu giữ đầy đủ và đúng quy định tại đơn vị.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh trên báo chí của Nhật Bản, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đã nghiêm túc kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan đối với đoàn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở công ty Tenma Việt Nam.
“Đoàn kiểm tra đã thực hiện theo đúng trách nhiệm được phân công và việc kiểm tra được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật”, Cục Hải quan Bắc Ninh nói.
“Trước, trong và sau khi kiểm tra, Đoàn kiểm tra cam kết không lợi dụng quyền hạn, không gây khó khăn phiền hà, không đòi hỏi và nhận bất kỳ lợi ích cá nhân gì khác đối với công ty”, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Quá trình kiểm tra, xác minh thông tin, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định, hoàn toàn không có cơ sở để kết luận việc công ty được miễn khoản truy thuế giá trị gia tăng hay bất kỳ khoản thuế, phí nào đối với mặt hàng nhập khẩu và thông tin hối lộ tiêu cực như báo chí Nhật Bản đã phản ánh bởi công ty Tenma Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất (vốn đầu tư Nhật Bản), hàng là nguyên liệu, vật ưu, máy móc thiết bị của doanh nghiệp chế xuất không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Công an vào cuộc vụ Tenma Việt Nam hối lộ
Liên quan nghi án Tenma Việt Nam hối lộ quan chức, Đại tá Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đang tích cực điều tra, xác minh thông tin một số cán bộ Thuế, Hải quan nhận hối lộ 25 triệu yên của Công ty Tenma.
Cụ thể, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh đã có công văn yêu cầu cục Hải quan và cục Thuế tỉnh này cung cấp hồ sơ phục vụ công tác điều tra nghi vấn Công ty Tenma Việt Nam hối lộ để được miễn giảm thuế.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Cục Hải quan tỉnh cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc mở tờ khai hải quan xuất, nhập khẩu của Tenma Việt Nam từ tháng 1/2017 đến nay, cùng kết quả kiểm tra sau thông quan.
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Bắc Ninh đề nghị phía Hải quan làm rõ thông tin Tenma Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi gì về thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng xuất nhập khẩu. Đồng thời, phía Hải quan phải cung cấp các biên bản kiểm tra, thanh tra liên quan đến công ty này, nếu có.
Trong khi đó, chiều qua, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về việc Bộ Công an phối hợp với tỉnh Bắc Ninh điều tra vụ Công ty Tenma hối lộ quan chức Việt Nam để trốn thuế, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định, hiện các cơ quan thanh tra, thuế, tài chính đang tiến hành các hoạt động kiểm tra, rà soát.
Bộ Công an đang phối hợp nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý phù hợp. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Việt Nam đang phối hợp với Nhật điều tra, làm rõ vụ việc, vì thông tin này xuất phát từ Nhật.
“Nhật là nơi xuất phát nguồn gốc thông tin của vụ việc, mình phải có phối hợp quốc tế để điều tra tội phạm là tất nhiên rồi”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ.
Theo lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam điều quan trọng trước tiên là trao đổi thông tin giữa hai bên.