Các giải pháp kỹ thuật do các nhà khoa học Liên Xô phát triển và được sử dụng trong quá trình chế tạo hệ thống tên lửa này đã cho phép nước Nga tạo ra cả một dòng tổ hợp di động.
Tổ hợp hiện đại nhất trong số đó là RS-24 Yars.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia quân sự, tiến sỹ Vladimir Evseev nói về vai trò của các tên lửa Topol trong quá trình thực hiện nhiệm vụ "răn đe chiến lược", cũng như về các hệ thống tên lửa mặt đất di động chiến lược thế hệ mới được phát triển ở Nga.
Hai chiến thuật khác nhau để bảo đảm "răn đe chiến lược"
Trước hết, chuyên gia lưu ý rằng, cấu trúc của các lực lượng hạt nhân chiến lược (SNF) của Liên Xô và Hoa Kỳ có sự khác nhau cơ bản. Mỹ luôn dựa vào cuộc tấn công để "vô hiệu hóa" có sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và sau đó các loại vũ khí phi hạt nhân có độ chính xác cao. Còn Liên Xô, và sau đó là Nga, không thể có số lượng tàu ngầm tên lửa chiến lược lớn như vậy. Cả ngày nay, tiềm năng chiến đấu của một chiếc tàu ngầm lớp "Ohio" của Mỹ lớn hơn so với tàu ngầm lớp "Borey" của Nga - nếu nói về số lượng tên lửa trên tàu (24 tên lửa Trident-2 so với 16 tên lửa Bulava).
Do đó, Liên Xô đã áp dụng khái niệm đòn "trả đũa" và Nga ngày nay - đòn "trả đũa sâu sắc". Nga chắc chắn sẽ giáng đòn trả đũa ngay cả nếu đối phương phá hủy số lượng lớn bệ phóng silo, sân bay của không quân chiến lược và căn cứ chứa những tàu ngầm hạt nhân. Phương tiện chính để thực hiện cuộc tấn công trả đũa là các hệ thống tên lửa di động trên mặt đất.
Tên lửa chiến lược trên khung gầm ô tô tự hành - giải pháp kỹ thuật của Liên Xô
Ông Vladimir Evseev nói rằng, nhà thiết kế Liên Xô Alexander Nadiradze là người đề xuất ý tưởng về hệ thống tên lửa di động chiến lược. Trong năm 1957, dự án của ông về việc chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động đã giành chiến thắng trong cuộc thi của Bộ Quốc phòng. Nhờ vào nhóm các nhà khoa học dưới sự lãnh đạo của ông Nadiradze, Liên Xô đã có thể phát triển các tên lửa nhiên liệu rắn tương xứng với tiềm năng của Hoa Kỳ. Sau đó, các công việc nghiên cứu đã tiếp tục trong Viện Nhiệt lực học Matxcơva (MIT), hiện nay là cơ sở hàng đầu phát triển các tên lửa đạn đạo.
Tiền nhiệm của Topol là tổ hợp di động RS-14 Temp (tên mã NATO - SS-16 Sinner) đã được trang bị cho quân đội vào giữa những năm 1970. Nhược điểm lớn của nó là độ chính xác thấp, độ sai lệch mục tiêu vào khoảng 1 km. Tất nhiên, trong cuộc tấn công trả đũa vào các thành phố hoặc căn cứ quân sự lớn của "đối phương tiềm năng" (vào thời điểm đó, không chỉ Hoa Kỳ đã được coi là đối phương tiềm năng), điều đó không phải là quan trọng nhất. Nhưng, các tổ hợp như vậy không thể tiêu diệt sở chỉ huy trong căn cứ ngầm kiên cố.
Tên lửa của tổ hợp Topol hoàn hảo hơn nhiều. Độ sai lệch mục tiêu là ít hơn nhiều: 250 - 300 mét. Nhờ đó, có thể giảm sức mạnh của đầu đạn, và tải trọng hữu ích đã tăng thêm 250 kg. Điều này cho phép trang bị cho đầu đạn các phương tiện để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa: bộ phản gây nhiễu lưỡng cực và một số mục tiêu giả. Rất khó để đánh chặn một tên lửa như vậy, và điều này bù đắp cho thực tế rằng, tên lửa Topol là đơn khối, khác với tên lửa đạn đạo liên lục địa mang nhiều đầu đạn Minuteman III của Mỹ. Ngoài ra, độ sai lệch mục tiêu của phiên bản nâng cấp RS-12M2 "Topol-M" được NATO định danh là SS-27 “Sickle B” chỉ là 150 mét.
"Topol" đã hoàn thành nhiệm vụ
Hiện nay, các tên lửa Topol đang được thay thế bởi các tổ hợp RS-24 Yars mang nhiều đầu đạn mà NATO gọi là SS-27 Mod 2. Theo ý kiến của chuyên gia quân sự, không có nhu cầu kéo dài tuổi thọ của các tên lửa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu.
“Hiện nay ở Nga chỉ còn lại khoảng 30 tổ hợp Topol vẫn có tiềm năng chiến đấu, - ông Vladimir Evseev nói tiếp. – Nhưng, theo tôi, các tên lửa Topol sắp hết hạn trực chiến. Sau 35 năm phục vụ, các tên lửa này trở nên lỗi thời về mặt kỹ thuật, điều này là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, “Topol” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong những năm 1990 khi nền kinh tế Nga bị suy giảm và có sự phụ thuộc chính trị khá lớn vào Washington, các tổ hợp Topol đã đóng vai trò trụ cột răn đe hạt nhân chiến lược, và đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc phòng chống hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ và là cơ sở để tạo ra các loại tên lửa chiến lược thuộc lớp này”.
Theo chuyên gia quân sự, việc Nga sở hữu các hệ thống tên lửa di động khiến người Mỹ vô cùng lo lắng. Các nơi triển khai tên lửa lớp này khó bị phát hiện. Đồng thời, Hoa Kỳ hiểu rõ rằng, tiêu chí "thiệt hại không thể chấp nhận được" (sự phá hủy 60% tiềm năng kinh tế và một nửa dân số của đất nước) được thảo ra vào những năm 1960, hiện đã lỗi thời. Việc phá hủy chỉ riêng một đô thị cũng là cú sốc lớn. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không phải là vạn năng.
“Tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này và tôi có thể nói rằng, tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ bị phóng đại quá mức, - ông Vladimir Evseev nói. - Theo đánh giá khách quan của các chuyên gia Mỹ, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ có khả năng đánh chặn một quả tên lửa đạn đạo, trong tương lai nó sẽ có thể đánh chặn mấy quả tên lửa, nhưng không thể chống lại vụ phóng hàng loạt tên lửa. Hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa có thể gia tăng nếu triển khai nhiều vệ tinh trên không gian. Nhưng ngay cả Washington cũng không đủ khả năng để duy trì nhóm vệ tinh lớn như vậy".
Đi vào tuổi già một cách suôn sẻ
Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đang bị loại khỏi nhiệm vụ chiến đấu là đắt tiền. Các kỹ sư và công nhân đã đem hết tài năng, trí lực, sáng tạo của mình để tạo ra các tên lửa này. Và việc vứt bỏ chúng - đốt cháy nhiên liệu và cắt tên lửa thành kim loại - là không khôn ngoan. Trên cơ sở Topol, các chuyên gia đã tạo ra tên lửa đẩy vũ trụ Start.
“Thật vậy, việc xử lý các tên lửa nhiên liệu rắn là một quá trình phức tạp và tốn kém, vì vậy nên loại bỏ chúng bằng cách phóng chúng, - ông Vladimir Evseev nói. - Các tên lửa như "Topol" hoặc "Yars" có thể được sử dụng để phóng vệ tinh lên quỹ đạo thấp (độ cao tới 1.000 km). Theo tôi, đây là một ý tưởng tốt. Những vụ phóng có thể được thực hiện từ hai sân bay vũ trụ của Nga - Plesetsk (phía bắc phần châu Âu của Liên bang Nga) và Vostochny (vùng Viễn Đông)".