Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) Nguyễn Như Tiệp lên tiếng bác bỏ thông tin này và khẳng định, gạo Việt Nam an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Không có mẫu nào có chất cấm. Có mẫu còn tồn dư nhưng đều ở ngưỡng cho phép.
Tổng Giám đốc Công ty Trung An Phạm Thái Bình: 90% người Việt ăn gạo bẩn
Dư luận Việt Nam hiện đang dậy sóng về phát ngôn của một đại diện doanh nghiệp khi cho rằng, có tới 90% người Việt Nam đang “ăn gạo bẩn”, chất lượng thấp.
Người dân Việt Nam, nhất là những người nông dân “chân lấm tay bùn” đang khấp khởi vui mừng vì năm nay, dù gặp đại dịch do coronavirus, nhưng gạo Việt Nam vẫn được mùa, được giá, đang làm mưa làm gió trên thị trường gạo thế giới. Việt Nam còn được kỳ vọng có thể vượt Thái Lan từ nay đến cuối năm về xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, phát ngôn của một vị lãnh đạo doanh nghiệp đang gây dư luận trái chiều đối với ngành nông nghiệp, lĩnh vực xuất khẩu gạo Việt Nam và đồng thời cũng khiến người dân trở nên nghi ngờ.
Trên thực tế, không nói xa nói gần, đây là phát ngôn gây tranh cãi của ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An).
“Tôi xin khẳng định 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn”, ông Phạm Thái Bình thẳng thắn tuyên bố.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo.
Trả lời báo chí, ông Phạm Thái Bình cho rằng, phát ngôn của mình là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói tới và sử dụng.
Cụ thể theo vị lãnh đạo Công ty Trung An, đối với lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ VietGAP, GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn.
“Đã là gạo không an toàn người ta gọi là “bẩn” cũng không sai. Tôi nói con số 90% là căn cứ trên cơ sở bằng chứng rõ ràng”, ông Phạm Thái Bình nói.
Theo đó, Tổng Giám đốc của Công ty Trung An dẫn chứng, Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4,5 triệu hecta đất lúa, cho ra sản lượng trung bình khoảng 45 triệu tấn lúa một năm, tương đương 25 triệu tấn gạo một năm. Trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu còn lại là tiêu dùng nội địa. Trong 4,5 triệu hecta đất trồng lúa hiện tại chưa có 400 nghìn hecta diện tích trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP để cho ra gạo an toàn.
Cho rằng, như vậy, “con số 90% là còn ít”, ông Bình nhấn mạnh đồng thời cho rằng, mặc dù Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã phát động và khuyến khích, thậm chí gần đây chỉ đạo quyết liệt sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và hữu cơ, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn thờ ơ, vô trách nhiệm, còn người tiêu dùng thì quá dễ dãi với chính bản thân mình và gia đình mình.
“Tôi cảnh báo và sẽ còn tiếp tục cảnh báo đến khi nào Việt Nam thay đổi tư duy này mới thôi”, ông Phạm Thái Bình cho hay.
Nafiqad nói gì về phát ngôn 90% người Việt ăn gạo bẩn?
Trả lời truyền thông về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) Nguyễn Như Tiệp khẳng định, phát biểu của người đưa ra thông tin “90% người Việt Nam đang ăn gạo bẩn” trên không dựa trên bất kỳ con số thống kê, hay trải qua cuộc kiểm tra nào.
Ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh, về góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ có sản phẩm có an toàn hay không an toàn với người sử dụng.
Lãnh đạo Nafiqad nêu rõ, để khẳng định gạo có an toàn cho người Việt Nam và xuất khẩu hay không, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giám sát trên diện rộng để đánh giá mức độ an toàn của gạo.
Ông Nguyễn Như Tiệp chỉ rõ, giám sát diện rộng tức là phải có đủ số mẫu và lấy ở ngẫu nhiên thị trường trên cả 3 miền để đảm bảo lúa được trồng ở tất cả các vùng sinh thái và phân tích đa dư lượng. Các phòng kiểm nghiệm đã phân tích được 90 chỉ tiêu các loại hóa chất tồn dư.
“Kết quả kiểm soát trên diện rộng cho thấy năm 2017 lấy 150 mẫu gạo, năm 2018 lấy 169 mẫu thì lực lượng chức năng không phát hiện mẫu nào có chất cấm, có một số mẫu có tồn dư nhưng đều dưới ngưỡng cho phép”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản khẳng định.
“Ngưỡng cho phép ở Việt Nam được thiết lập trên cơ sở của Tiêu chuẩn Codex nên sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng ở Việt Nam đều có tiêu chuẩn như nhau”, ông Nguyễn Như Tiệp nêu rõ.
Với những kết quả kiểm định, giám sát này, theo Nguyễn Như Tiệp, làm sao có thể nói 90% người Việt Nam ăn “gạo bẩn”?
Người đứng đầu Nafiqad cho biết thêm, cũng với kết quả giám sát trên nên từ năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam ưu tiên kinh phí để giám sát các sản phẩm rủi ro cao hơn.
Ông Tiệp cho hay, trên thực tế, về xuất khẩu, trước đây cũng đã có trường hợp một lô gạo bị châu Âu cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi bị cảnh báo, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu doanh nghiệp điều tra, xác định nguyên nhân và khắc phục.
“Mấy năm gần đây, chất lượng gạo Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đa dạng nhiều chủng loại như gạo hữu cơ, gạo thơm, gạo dẻo… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Như Tiệp nói.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định, ngày càng có nhiều nhiều diện tích sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhưng so sánh giữa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với gạo sản xuất truyền thống thì về mặt an toàn là không khác nhau, còn chất lượng thì có khác nhau nên mới có giá khác nhau.
Ông Tiệp lý giải thêm, về chất lượng gạo, các nước nhập khẩu không bắt buộc, chỉ khuyến cáo. Do đó, việc không có tiêu chuẩn GlobalGAP thì không được phép xuất khẩu vào châu Âu là không đúng.
“Tuy nhiên, nếu không có tiêu chuẩn chứng nhận thì việc mở rộng thị trường sẽ khó hơn”, vị chuyên gia khẳng định.
Theo đó, nói tiêu chuẩn VietGAP thấp hơn tiêu chuẩn GlobalGAP nên châu Âu không công nhận là không phải. Cục trưởng Tiệp nhấn mạnh, tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) về thực hành nông nghiệp tốt và cũng tham khảo GlobalGAP, tương đồng với tiêu chuẩn đó. Chỉ có điều VietGAP là tiêu chuẩn của Việt Nam, GlobalGAP là tiêu chuẩn của Hiệp hội các nhà bán lẻ châu Âu.
“Giống nhau thì không phải nhưng tương đương. Tương tự như Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Việt Nam thực hiện một chương trình và chứng minh rằng tương đương giống họ chứ không phải là làm giống họ. Thời gian tới, Việt Nam có thể đề xuất Hiệp hội các nhà bán lẻ châu Âu công nhận tiêu chuẩn VietGAP là tương đương với tiêu chuẩn GlobalGAP”, ông Nguyễn Như Tiệp phát biểu cho biết.
Với bình luận và phân tích này, ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP ngoài việc sản phẩm phải an toàn còn phải tính đến các yếu tố như phúc lợi xã hội, đảm bảo môi trường, sinh thái. Nhiều khách hàng ngày càng đòi hỏi các yếu tố này. Ngành nông nghiệp luôn luôn ủng hộ và đang từng bước hướng tới mục tiêu đó.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Nafiqad, trong khi phát triển loai sản phẩm VietGAP, GlobalGap, sản xuất truyền thống vẫn phải đảm bảo toàn để đáp ứng tốt từng phân khúc của thị trường.
Phát ngôn bôi nhọ và làm mất uy tín gạo Việt Nam?
Bình luận với báo chí về phát ngôn của ông Phạm Thái Bình, chuyên gia nông nghiệp Việt Nam TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, đây là một nhận xét không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt.
“Trong bối cảnh chúng ta đang cạnh tranh gay gắt, những thông tin như thế sẽ làm tổn hại đến uy tín mặt hàng gạo xuất khẩu chúng ta đã gây dựng trong nhiều năm qua”, TS. Đặng Kim Sơn khẳng định.
TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, không thể quên rằng, nếu như trước kia, giá gạo Việt thấp hơn rất nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan thì giờ đã tiến sát gần nhau về giá, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.
Ngoài ra, chất lượng gạo cũng thay đổi rất nhiều nhờ bộ giống lúa được cải tiến. Theo vị chuyên gia, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống thủy lợi hoành tráng từ Bắc vào Nam, hệ thống chế biến, bảo quản gạo ngày càng mạnh.
“Quá trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng ngày càng mạnh mẽ, nông dân Việt Nam sẵn sàng tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật như “một phải 5 giảm”, “ba giảm 3 tăng” để nâng cao chất lượng gạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường”, TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, cho rằng:
“Ý kiến này bôi bác gạo của Việt Nam đang xuất khẩu trên thế giới”, ông Cua thẳng thắn.
Theo vị cha đẻ của gạo ST25 cho biết hiện số đăng ký để làm gạo Global Gap, VietGap chỉ chiếm 1% diện tích, cho nên nếu nói như vậy thì 99% gạo là bẩn.
Trong khi đó, đơn cử như năm nay, Việt Nam xuất khẩu gạo đi các nước rất nhiều.
“Vậy với 90% gạo bẩn như thế thì Việt Nam lấy gạo ở đâu để xuất khẩu?” ông Cua đặt vấn đề.
Vì sao không thể nói gạo Việt Nam “bẩn”?
TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, trong phát ngôn 90% người Việt đang dùng gạo “bẩn”, quan trọng là hiểu thế nào là gạo “bẩn”.
Có quan điểm gạo hữu cơ là gạo sạch, không hữu cơ là gạo “bẩn”. Trước đây có giai đoạn Việt Nam xuất khẩu gạo sang Mỹ, chỉ vài container bị trả về nhưng không có nghĩa gạo bị trả về là “bẩn”, chỉ là không đáp ứng được một số yêu cầu của thị trường này nhưng lại đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường khác.
“Thế nào là bẩn cần phải có tiêu chí để xác định, có căn cứ chứ không thể nói chung chung được. Còn việc nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề đặt ra cho các ngành quản lý, nhưng hiện nay nhờ triển khai các chương trình kỹ thuật, nông dân được nâng cao nhận thức nên tình trạng này cũng giảm đáng kể”, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nêu rõ.
Trong khi đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng lên tiếng khẳng định, thông tin 90% người Việt Nam đang ăn gạo bẩn là không chính xác. Bởi ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian qua có sự tiến bộ rất vượt bậc.
Theo ông Cường phân tích, thứ nhất, về khoa học công nghệ, Việt Nam đã chọn tạo ra những giống chất lượng cao, ngắn ngày, kháng sâu bệnh. Thứ hai, Bộ NN&PTNT cũng đã tập trung đầu tư cho các Viện Nghiên cứu, giới thiệu phổ biến, khuyến nông các gói kỹ thuật canh tác, để làm sao giảm chi phí đầu vào.
Thứ ba, diện tích canh tác của Việt Nam vào khoảng 7,3-7,5 triệu ha gieo trồng lúa, và sản lượng lúa hàng năm đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo. Trong đó 6,5-7 triệu tấn gạo không chỉ được dùng riêng cho việc xuất khẩu, mà còn dùng cho nội địa. thị trường gạo của chúng ta, có thể nói từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ và tất cả các phân khúc khác nhau.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, Việt Nam đến nay đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do đơn phương, đa phương. Rõ ràng, hàng rào thuế quan gần như không có, bản thân các nước đều có hàng rào phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) để bảo vệ thị trường nội địa.
Qua đó, Cục trưởng Nguyễn Như Cường khẳng định, gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia có hàng rào kỹ thuật như vậy, đương nhiên phải đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, ở Việt Nam không có vùng nào sản xuất riêng cho xuất khẩu, tất cả đều sản xuất chung phần để ăn và phần để xuất khẩu. Cũng có một số loại gạo hữu cơ sản xuất riêng nhưng với số lượng vài chục nghìn tấn.
“Do đó, không thể nói gạo Việt Nam là gạo bẩn được. Mặc khác, thị trường gạo Việt Nam đang cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia. Nếu gạo chúng ta là gạo bẩn thì làm sao bán được, làm sao cạnh tranh được?” Cục trưởng Cường nêu rõ.
Cũng theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, gạo của Việt Nam xuất khẩu với thị trường rộng rãi và rất nhiều đối thủ cạnh tranh, đương nhiên phải đảm bảo giá cả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
“Việc khi chúng ta phát ngôn ra cần cân nhắc, tìm hiểu thông tin thực tế và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất và ngành hàng của một quốc gia”, Cục trưởng Nguyễn Như Cường lưu ý.