Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và truyền thôngViệt Nam đang phát động chiến dịch "rà soát, bóc gỡ mã độc trên toàn quốc". Chiến dịch diễn ra cao điểm trong tháng 9 và tháng 10, mục tiêu của nó là bước đầu: giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc. Chiến dịch này hướng tới việc đáp ứng hiệu quả yêu cầu "Bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chương trình Chuyển đổi số quốc gia" được Thủ tướng phê duyệt mới đây.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu địa chỉ máy tính của người dùng (IP ) thường xuyên bị các mạng máy tính ma bao vây, nhiễm virus, bị chiếm quyền điều khiển, mất dữ liệu thông tin cá nhân, ...
Việt Nam hiện đang tích cực hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ thuộc hàng đầu thế giới „Phòng thí nghiệm Kaspersky”.
Việt Nam có những bước đi đúng đắn trong lĩnh vực an ninh mạng
Sputnik: Theo ông, hiện nay Việt Nam đang gặp phải những vấn đề gì trong lĩnh vực an ninh mạng?
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ „Phòng thí nghiệm Kaspersky”: Cũng giống tình hình ở các nước khác trên thế giới, đại dịch đã đẩy người dùng ở Việt Nam tăng cường sử dụng Internet. Theo kết quả một cuộc khảo sát mà chúng tôi thực hiện vào tháng 5 năm nay trong số 760 người Đông Nam Á được hỏi, 6/10 người dùng Internet trong khu vực thừa nhận rằng, họ dành nhiều thời gian trực tuyến hơn bao giờ hết. Hầu hết người dùng trong khu vực hiện nay dành từ 5 đến 10 giờ trực tuyến mỗi ngày.
Điều này cho chúng ta thấy công nghệ là một công cụ mạnh mẽ để duy trì cảm giác bình thường của chúng ta đến mức nào. Mặt khác, sự gia tăng ảnh hưởng và sự hiển diện của Internet trong cuộc sống của chúng ta cũng mở ra cơ hội cho tội phạm mạng hoạt động. Điều đáng chú ý là ngay từ trước khi xảy ra đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã tích cực triển khai các chiến dịch và chiến lược nhằm nâng cao nhận thức về an ninh mạng và xây dựng năng lực an ninh của đất nước. Một số cơ quan, tổ chức chính phủ cũng đang làm việc với các công ty tư nhân như chúng tôi để củng cố các chương trình mà họ phát triển với dữ liệu và chuyên môn đã được kiểm nghiệm. Đây là bước đi đúng đắn hướng tới một không gian mạng an toàn hơn.
Việt Nam hợp tác với Nga chống kẻ thù chung – tội phạm mạng
Sputnik: „Phòng thí nghiệm Kaspersky” đã hợp tác với Việt Nam?
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ „Phòng thí nghiệm Kaspersky”: Kaspersky đã hợp tác với chính phủ Việt Nam vài năm nay trong lĩnh vực bảo vệ đất nước trước tội phạm mạng và xây dựng năng lực an ninh mạng quốc gia. Ví dụ, công ty chúng tôi đã ký Biên bản ghi nhớ với Cục An toàn Thông tin (AIS) vào năm 2018 và Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC) vào năm 2019.
Sputnik: Chúng ta biết rằng, hiện nay Việt Nam đang triển khai Chiến dịch quốc gia "Rà soát, bóc gỡ mã độc trên toàn quốc 2020”. Ông thấy sự hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ „Phòng thí nghiệm Kaspersky”: Chiến dịch này là một ví dụ điển hình tuyệt vời về cách các tổ chức công và tư có thể làm việc cùng nhau để tạo ra một không gian mạng an toàn hơn. Chính phủ Việt Nam làm việc với một số đối tác tư nhân, bao gồm cả chúng tôi, điều này có nghĩa là cùng hợp lực chống lại kẻ thù chung của chúng ta - tội phạm mạng. Chúng tôi tin tưởng rằng, thông qua sự hợp tác này, chúng ta sẽ cùng nhau đạt được các mục tiêu của chiến dịch này - giảm mức độ lây nhiễm phần mềm độc hại và số lượng địa chỉ IP trong 10 mạng botnet phổ biến tại Việt Nam. Về phần mình, Kaspersky và nhóm các nhà nghiên cứu của chúng tôi có hơn 20 năm kinh nghiệm và các giải pháp bảo mật mà chúng tôi sẵn sàng chia sẻ để bảo vệ Việt Nam khỏi các cuộc tấn công mạng.
Việt Nam là một trung tâm an ninh mạng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương
Sputnik: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường Việt Nam và triển vọng hợp tác với Việt Nam?
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ „Phòng thí nghiệm Kaspersky”: Việt Nam là thị trường trọng điểm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sự lan truyền của Internet tại Việt Nam đang ngày càng lớn và sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới. Chính phủ cũng đang tích cực thúc đẩy các chương trình số hóa và Công nghiệp 4.0, song song với nỗ lực nâng cao nhận thức về an ninh mạng trong nước. Do đó, chúng tôi coi Việt Nam là một trung tâm an ninh mạng của khu vực và chúng tôi rất vinh dự được tham gia vào các chiến dịch của Việt Nam nhằm tạo ra một không gian mạng an toàn ở cấp độ có tổ chức và quốc gia.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Sputnik
P.S. Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” ở Việt Nam có thể ví như “chiến dịch tiêm vắc - xin cho các máy tính”. Việc “tiêm vắc -xin cho máy tính” trước đây đã được tiến hành thông qua các dịch vụ an toàn thông tin tin học có trả phí và do các công ty cung cấp phần mềm diệt virus, diệt mã độc thực hiện. Một số quốc gia trong đó có Việt Nam đã từng “tiêm vắc – xin cho máy tính” của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, … nhằm chống xâm nhập bất hợp pháp của các loại mã độc và virus máy tính.
Tuy nhiên, việc “tiêm vắc -xin cho máy tính” theo cách thức đã có là nhỏ lẻ, người dùng lại không cập nhật thường xuyên, mã độc và virus máy tính luôn biến đổi và tận dụng những kẽ hở, những khoảng trống để xâm nhập. Vì vậy, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới hiện nay đang thực hiện việc “tiêm vắc -xin máy tính” đại trà cho các máy tính trên toàn quốc.
Việc hợp tác giữa một số công ty công nghệ tin học và truyền thông số của Nga với Việt Nam đã được tiến hành tích cực trong những năm gần đây, bảo đảm lợi ích song phương và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Điều đó thể hiện một lòng tin chiến lược về chính trị-công nghệ rất cao của cả hai bên trên lĩnh vực rất nhạy cảm và rất nóng hiện nay.