Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và nhân dân, khiến uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút.
Quốc hội tiến hành bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội với ông Phạm Phú Quốc
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Việt Nam tiến hành quy trình bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập Quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus) và đã có hộ chiếu vàng, quốc tịch Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là hành vi không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn ĐBQH theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.
Chiều nay ngày 3/11, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín thông qua việc bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, đoàn ĐBQH TP.HCM.
Cuối buổi làm việc, tiến hành công bố kết quả bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu do ông Bùi Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Lắk) phụ trách cho biết, tổng số đại biểu Quốc hội là 482, số đại biểu có mặt 471, số phiếu phát ra 471, số phiếu thu về 471, số phiếu hợp lệ 470, số phiếu không hợp lệ là 1.
Kết quả bỏ phiếu kín cho thấy, có 467/470 phiếu hợp lệ (96,8% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc. Ông Cường thông báo, số phiếu không đồng ý là 3 phiếu (0,62% tổng số đại biểu Quốc hội).
“Như vậy, ông Phạm Phú Quốc đã bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa 14”, ĐBQH Bùi Văn Cường thông báo.
Đồng thời, sau khi có kết quả bỏ phiếu, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.
Trước đó, theo dự thảo Nghị quyết mà Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày trước Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm vì không trung thực trong báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.
“Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và nhân dân, khiến uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút. Cử tri, nhân dân, thông qua Uỷ ban Trung ương MTTQ nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Với 429/431 đại biểu (89,42% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa 14 với ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Quốc hội đã giảm 13 vị đại biểu (từ 494 người trúng cử Quốc hội khoá XIV xuống còn 481 đại biểu).
Một số đại biểu có vi phạm trong quá trình công tác, bị kỷ luật, bị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Ông Phạm Phú Quốc là người duy nhất bị đưa ra Quốc hội để bãi nhiệm.
Vụ sở hữu hộ chiếu vàng của ông Phạm Phú Quốc
Trước đó, như đã thông tin, liên quan vụ scandal mua hộ chiếu vàng Cộng hòa Síp (Cyprus), ông Phạm Phú Quốc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ĐBQH Việt Nam (thuộc Đoàn TP.HCM), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn Nhà nước) thừa nhận sở hữu quốc tịch Síp nhưng là do gia đình bảo lãnh.
Hồi cuối tháng 8/2020, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này, đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cyprus.
Theo ĐBQH Phạm Phú Quốc, khi ứng cử ĐBQH vào tháng 5 năm 2016, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, vì lý do có một số thay đổi trong công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018, ông Quốc đã hai lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin thôi nhiệm vụ công tác (ở thời điểm đó ông đang là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), để chuyển đến Thành ủy, UBND TP.HCM.
Cũng theo ông Quốc, cả vợ và con trai ông đều làm trong lĩnh vực kinh doanh. Con trai ông đã học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, đã có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài tại đây.
“Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus”, ông Quốc cho biết.
Ngày 27/8, ông Quốc đã có đơn giải trình báo cáo các cơ quan chức năng. Đến đầu tháng 9 vừa qua, ông Quốc chính thức có đơn xin thôi việc và các nhiệm vụ do Thành ủy và UBND TP HCM phân công tại Công ty Tân Thuận (IPC).
Đồng thời, ngày 4/9 vừa qua, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM và Thường trực UBND thành phố về việc thống nhất để ông Phạm Phú Quốc thôi việc theo nguyện vọng.
Ông Phạm Phú Quốc, 52 tuổi, nguyên quán tại Quảng Trị. Trong quá trình công tác, ông Quốc từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.
Ngày 4/12/2019, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4, gồm các quận 5, 10, 11.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua vào tháng 6 năm nay, ĐBQH Việt Nam chỉ được phép có một quốc tịch. Tuy nhiên, luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực.
Trước ông Phạm Phú Quốc, năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cựu ĐBQH của Hà Nội, đã bị bác tư cách đại biểu vì sở hữu 2 quốc tịch (Việt Nam và Malta) nhưng không khai báo trong hồ sơ ứng cử.
Đọc thêm: