Mới đây, Đại tướng Oleg Salyukov, Tư lệnh Lục quân Nga, cho biết với các nhà báo rằng, Nga sẽ nâng cấp cỡ nòng của pháo tăng. Theo vị tướng, các xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga (T-72B3M, T-80BVM, T-90M) đang được trang bị pháo nòng trơn 2A46 hoặc 2A82 và sử dụng nhiều loại đạn. Trong tháp pháo không người lái của xe tăng T-14 Armata đang được cung cấp cho quân đội có khẩu pháo nòng trơn 125 mm 2A82-1M được hiện đại hóa.
Theo dữ liệu mở, đây là loại pháo 125 mm L/56, có tốc độ bắn tới 12 phát/phút, sơ tốc đạn đầu nòng đạt tới hơn 2.000 m/s. Tầm bắn của đạn thông thường là 4.700 m, tên lửa dẫn đường - 8.000 m, tên lửa chống tăng (ATGM) - 5.500 m. Đạn có thể xuyên thủng lớp giáp dày 850-1000 mm và tên lửa ATGM có thể xuyên thủng lớp giáp dày 950 mm. Hơn nữa, phần lớn lượng đạn của T-14 được đưa vào máy nạp tự động trước khi chiếc xe tăng được đưa vào chiến đấu. Nhờ các đặc điểm này, pháo 2A82-1M là loại pháo tăng hiện đại nhất.
Pháo tốt cho ngày hôm nay, nhưng liệu nó phù hợp cho các cuộc chiến tranh tương lai?
Theo các nhà thiết kế, xe tăng T-14 có thể được trang bị pháo 152 mm 2A83, tất nhiên, cũng có nòng trơn với bộ nạp tự động. Theo dữ liệu mở, đây là loại pháo L/47,3, tốc độ bắn lên tới 15 phát/phút, sơ tốc đạn đầu nòng đạt 1.980 m/s, tầm bắn của đạn thông thường là 5.100 m. Khả năng xuyên giáp của pháo 2A83 kể cả với đạn thường và tên lửa chống tăng là tốt hơn đáng kể so với pháo 125 mm 2A82-1M. Cỡ nòng tăng cho phép pháo sử dụng lượng thuốc phóng nhiều hơn. Nhưng, cơ số đạn là nhỏ hơn, điều này có thể hiểu được (trọng lượng của pháo lớn hơn, cỡ đạn lớn hơn, nhưng, không gian của tháp pháo xe tăng bị hạn chế). Ưu điểm chính của T-14 so với pháo 152 mm là khả năng bắn đạn pháo dẫn đường Krasnopol. Tầm bắn của loại đạn này là 12.000 - 20.000 m, gần giống như pháo dã chiến - pháo xe kéo và pháo tự hành.
Chắc là T-14 với pháo 152mm sẽ được đưa vào sản xuất, nhưng, sẽ được sản xuất lô nhỏ. Kết quả là trên chiến trường, trong đội hình chiến đấu của những chiếc xe tăng "thông thường" sẽ xuất hiện phương tiện chiếu đấu giống với bệ pháo tự hành có tính cơ động cao được trang bị vũ khí mạnh mẽ với tầm bắn tuyệt vời. Và chúng sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: phá hủy các công sự kiên cố, tấn công từ xa với độ chính xác cao vào xe bọc thép, trung tâm liên lạc và điều khiển, vào hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của đối phương.
Tuyên bố của Tổng tư lệnh Lực quân Nga về khả năng tăng cỡ nòng của pháo xe tăng đã gây ra sự lo ngại ở phương Tây. Tạp chí The National Interest nhận định rằng, một đơn vị xe tăng có thể sử dụng thành công pháo 2A83 của Nga để chọc thủng hệ thống phòng thủ của đối phương.
"Đối thủ tiềm tàng" không giậm chân tại chỗ
Sau khi Mỹ và NATO nhận thức được rằng, xe tăng T-14 không phải là một trò lừa bịp, rằng, những chiếc xe tăng này sắp xuất hiện trong biên chế quân đội Nga và sẽ là một đối thủ cực kỳ khó đánh bại được trang bị pháo tăng 152 mm tầm xa, họ bắt đầu tìm kiếm "thuốc giải độc”. Người ta cho rằng, xe tăng NATO với pháo 130 mm Rheinmetall L51 của Đức và pháo 140 mm XM291 của Mỹ sẽ chống lại T-14 với pháo 2A83.
Pháo L51 dự kiến sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 2025. Trong cơ số đạn của nó sẽ có một loại đạn xuyên giáp dưới cỡ nòng có cánh ổn định tự tách dùng thuốc phóng năng lượng cao mới, cũng như loại đạn phân mảnh đa năng với khả năng lập trình để nổ trên không. Gần đây đã có tin về xe tăng MGCS đầy triển vọng của Pháp và Đức sẽ được đưa vào sản xuất trong năm 2035. Xét theo mọi việc, MGCS cũng sẽ được trang bị pháo L51.
Theo các nhà thiết kế Mỹ, pháo tăng XM291 có sức công phá gấp đôi so với pháo 120 mm M256 lắp trên xe tăng M1A2 Abrams. XM291 sẽ có máy nạp đạn tự động và nhờ thiết kế đặc biệt máy nạp đạn này có thể làm với cả pháo nòng 140 mm và pháo nòng trơn 120 mm để sử dụng các loại đạn cũ. Tốc độ bắn của XM291 tương đương với pháo xe tăng của Nga, và cơ số đạn (22 viên đạn 140mm hoặc 33 viên đạn 120mm) nhỏ hơn đáng kể.
Các pháo tăng của cả Đức và Mỹ vẫn đang được thử nghiệm và chưa khỏi "bệnh ấu trĩ". Theo các chuyên gia, trong số đó có một loại pháo tăng mới với động lượng giật quá lớn (điều này không tốt cho pháo tăng).
Xe tăng không người lái và vũ khí sử dụng nguyên tắc vật lý mới
Trong khi đó các nhà thiết kế Nga đang suy nghĩ về một thế hệ xe tăng mới về cơ bản. Vì những lý do rõ ràng, chủ đề này là tối mật, nhưng cũng có thể đưa ra một số giả định. Các phương tiện chiến đấu mới sẽ không có người lái, chúng sẽ được điều khiển từ xa bằng trí tuệ nhân tạo.
Rất có thể chiếc "drone bánh xích" này sẽ được trang bị một loại vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới - một "khẩu pháo điện hóa". Nói cách khác, viên đạn sẽ được đẩy khỏi nòng súng không phải bằng thuốc nổ thông thường, mà là plasma nóng. Sơ tốc đầu của đạn có thể là 4.500 m/s (16.200 km/h). Có nghĩa là thời gian bay tới mục tiêu ngắn hơn đáng kể, khả năng "xuyên giáp" tuyệt vời và cỡ nòng gần bằng một nửa những pháo tăng hiện tại. Nhờ đó, có thể tăng đáng kể cơ số đạn của xe tăng và đơn giản hóa quá trình nạp đạn. Với kích thước và trọng lượng này, "pháo điện hóa" có thể được lắp đặt trên các xe tăng và bệ pháo tự hành hiện có.
Cho đến nay, chưa có quân đội nào trên thế giới có loại vũ khí này. Nga có cơ hội trở thành nước khai phá lĩnh vực mới.