Theo ghi nhận, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, đã có 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích lên đến 183.740 ha, trong đó hơn 29.130 ha là rừng tự nhiên.
Bác các dự án làm mất rừng tự nhiên
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ra thông báo cảnh báo, bác bỏ một số đề nghị của các địa phương đối với vấn đề xin chuyển đổi đất rừng, trong đó bao gồm rừng tự nhiên để triển khai dự án.
Tại tỉnh Bình Thuận, Bộ NN&PTNT cho biết, trước đó vào ngày 23/10, UBND tỉnh có gửi tờ trình xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV.
Theo Bộ, trong các văn bản trước đó của Thủ tướng Chính phủ, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), UBND tỉnh Bình Thuận đều sử dụng tên gọi “Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2”.
Trong Nghị quyết 69 (30/5/2018) của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) của tỉnh Bình Thuận, dự án Điện gió Hòa Thắng 1.2 được phân bổ 60 ha diện tích tại huyện Bắc Bình.
Do đó, tên gọi “Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV” như đã viết trong tờ trình của UBND tỉnh Bình Thuận là “không thống nhất” với tên gọi tại các văn bản nêu trên.
Tiếp đó, về quy mô dự án, UBND tỉnh Bình Thuận xác định dự án được thực hiện trên quy mô 45,41 ha. Tuy nhiên, tờ trình mới đưa ra thông tin về 28,52 ha rừng tự nhiên, trong khi phần diện tích còn lại chưa có thông tin cụ thể và chưa thống nhất với diện tích nêu trong Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng nằm trong dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV.
Một vấn đề nữa là thời gian áp dụng Nghị định. Được biết, Nghị định số 83 có hiệu lực từ ngày 15/7/2020. Tuy nhiên, báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng nằm trong dự án Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV gửi kèm hồ sơ dự án thực hiện tháng 3/2019, do đó không đáp ứng quy định tại Nghị định số 83.
“Trong khi đó, Bản đồ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp công trình Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV, tỷ lệ 1:2000 gửi kèm hồ sơ dự án không thể hiện rõ hiện trạng tổng thể khu vực dự án, không thể hiện thời điểm lập bản đồ hiện trạng rừng”, công văn của Bộ NN&PTNT nêu rõ.
Đối với tỉnh Quảng Nam, ngày 16/11, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời UBND tỉnh Quảng Nam về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây, huyện Nam Trà My. Theo đó, Bộ cảnh báo tỉnh Quảng Nam về việc lấy đất rừng tự nhiên.
Bộ NN&PTNT chỉ ra rằng, theo điều 41a bổ sung (khoản 2 Điều 1) Nghị định 83, tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác cần phải thỏa mãn yêu cầu “không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng”.
Trong khi đó, tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam chưa làm rõ diện tích rừng tự nhiên đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng của dự án thuộc phân khu nào của Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh.
Chính vì vậy, ở đây còn thiếu cơ sở để xác định dự án thuộc tiêu chí được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo Nghị định số 83.
“Nghị định 18 (năm 2015) quy định rằng, dự án nằm trong danh mục dự án thuộc trách nhiệm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT. Việc UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định ngày 19/9/2017 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án là trái thẩm quyền”, Bộ NN&PTNT kết luận.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp của tỉnh Ninh Bình, Bộ NN&PT cũng vừa có văn bản bác đề nghị của UBND tỉnh về việc chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi.
“Nghị định 83 (năm 2020) quy định, không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản”, Bộ nhấn mạnh.
3.630 dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, tình hình biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra thường xuyên hơn, gây ra các trận lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng tại một số địa phương, gây ra nhiều thiệt hại về người và của.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra những hiện tượng trên, nhưng dư luận và nhiều chuyên gia đang đặt vấn đề ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng tự nhiên, do chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án, đã làm thay đổi, xáo trộn những đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên.
Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh cần cân nhắc trước khi đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện dự án, bao gồm cả ở miền núi lẫn ven biển.
Đặc biệt, với những dự án nằm ở khu vực miền núi như tỉnh Quảng Nam, nơi có nền địa chất yếu, nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, chia cắt phức tạp càng cần phải thận trọng.
Trong khi đó, với Bình Thuận, cần quan tâm, lưu ý với vấn đề rừng phòng hộ, vì đây là rừng tự nhiên, cũng như với các hoạt động tác động vào làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên khu vực ven biển.
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, từ năm 2017 (năm có Chỉ thị 13 của Ban Bí thư) đến nay, các bộ, ngành Trung ương và địa phương rà soát chặt chẽ, 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích đề nghị là 183.740 ha.
Đề nghị chuyển đổi rừng tự nhiên hơn 39.130 ha, rừng trồng hơn 74.240 ha, đất chưa có rừng 13.816 ha, diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 56.550 ha.
Cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án theo đúng quy định pháp luật, trong những trường hợp thực sự cấp thiết đảm bảo hiệu quả kinh tế- xã hội, môi trường và dự án quốc phòng, an ninh, bao gồm 133 dự án (chiếm 3,66% dự án đề xuất), với tổng diện tích 3.325 ha (chiếm 1,81% diện tích đề xuất).
Tổng diện tích rừng tự nhiên bị chuyển đổi là 1.581 ha, rừng trồng 1.582 ha, đất chưa có rừng 164 ha. Không có dự án nào trong số này là dự án mở mới xây dựng công trình thủy điện.
Việc kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng đã giúp thúc đẩy việc bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên. Đáng chú ý, theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, tất cả các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đều phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.
Bộ NN&PTNT cho hay, việc bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, thu được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% năm 2019.
Nhà nước cũng quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, đồng thời gia tăng diện tích rừng nhờ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phục hồi. Rừng trồng sản xuất cũng tăng nhanh về diện tích, góp phần phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp nhanh và nâng cao thu nhập đời sống người dân.
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và Luật Lâm nghiệp năm 2017 cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thực thi luật đã quy định rõ về việc phân loại và tiêu chí xác định rừng.
Cụ thể, các loại cây như tiêu, cà phê không được tính tỷ lệ che phủ rừng, cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỷ lệ che phủ rừng.
UBND các cấp tổ chức thực hiện việc kiểm kê rừng tại địa phương. UBND tỉnh có trách nhiệm phê duyệt, công bố kết quả và Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tổng hợp, trình Bộ NN&PTNT phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê rừng toàn quốc.
Mỗi năm, các địa phương, đơn vị thực hiện rà soát, cập nhật kết quả theo dõi diễn biến rừng theo đơn vị hành chính của 60 tỉnh, 550 huyện, 6.427 xã có rừng đối với 1.104.578 chủ rừng, 7.100.849 lô rừng.
Hiện trạng rừng tự nhiên Việt Nam
Theo số liệu từ năm 2011 đến 2019, Bộ NN&PTNT cho hay, diện tích rừng đã tăng 1.094.156 ha, từ 13.515.064 ha năm 2011 lên 14.609.220 ha vào năm 2019, trung bình mỗi năm tăng 121.684 ha. Tỷ lệ che phủ rừng tăng tương ứng là 2,19%, từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% vào năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,24%.
Như vậy, việc bảo vệ rừng đã có nhiều tiến bộ, số vụ vi phạm quy định của pháp luật và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể trong giai đoạn 2011-2019. Năm 2011 xảy ra 29.935 vụ thì năm 2019 xảy ra 10.731 vụ vi phạm, giảm 19.204 vụ, tương ứng giảm 64,15%.
Diện tích rừng bị thiệt hại từ 3.782 ha năm 2011 (cháy rừng 1.688 ha, phá rừng trái pháp luật 2.094 ha) đã xuống còn 2.575 ha năm 2019 (cháy rừng 1.997 ha, phá rừng 578 ha), giảm 1.207 ha, tương ứng giảm 31,91%.
Tuy nhiên, việc bảo vệ rừng vẫn tồn tại một số bất cập như tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật vẫn diễn ra, nhiều nơi còn điểm nóng về phá rừng, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Lý do của việc này là bởi hiện tượng di dân tự do vẫn diễn ra ở một số nơi, người dân phá rừng để lấy đất trồng rừng, chuyển sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.
Tại một số địa phương, chính quyền cơ sở còn thiếu kiên quyết để ngăn chặn việc phá rừng. Bên cạnh đó, đầu tư cho việc bảo vệ rừng còn thấp, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp yếu kém, bất cập.
Bộ NN&PTNT cho biết, biến động tăng diện tích rừng nhờ việc trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh đủ tiêu chí thành rừng.
Chất lượng rừng tự nhiên còn thấp, chỉ 15% diện tích rừng giàu, 35% diện tích rừng trung bình, 50% diện tích rừng nghèo, nghèo kiệt và còn suy giảm ở nhiều nơi. Trong khi đó, việc bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân làm lâm nghiệp còn chưa cao, hạ tầng lâm nghiệp yếu kém.
Trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành lâm nghiệp phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tiếp tục quản lý chặt chẽ, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có.
Cần có chế tài, cũng như cương quyết hơn nữa trong việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, đặc biệt là để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội, thủy điện, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế trước mắt thiếu bền vững.