Công cuộc “đốt lò” với “người đốt lò vĩ đại” của Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Việc kỷ luật hàng trăm cán bộ cấp cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Bộ, ngành, tướng lĩnh Quân đội, Công an thực sự tạo sự răn đe, cảnh tỉnh và giảm tình trạng trên nóng dưới lạnh.
Hay theo như chia sẻ của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khi trao đổi với cử tri Đà Nẵng, chưa nhiệm kỳ nào đạt nhiều kết quả chống tham nhũng như vừa qua. Từ trước đến nay, ít ai nghĩ tới việc kỷ luật hay cho vào tù một Ủy viên Bộ Chính trị. Đây là việc hết sức khó khăn, nhưng phải làm.
Ông Trương Quang Nghĩa lý giải việc chuyển cán bộ chủ chốt
Sáng 25/11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri để thông báo kết quả kỳ học Quốc hội thứ 10 vừa qua.
Tại buổi tiếp, nhiều cử tri các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê…đặt câu hỏi về việc tại Đại hội Đảng các cấp ở Đà Nẵng trước đó, đã có một số nhân sự được bầu vào các chức danh chủ chốt như Bí thư quận ủy. Tuy nhiên, chưa được bao lâu chính quyền Đà Nẵng lại thuyên chuyển những cán bộ này từ vị trí này sang vị trí khác.
Chẳng hạn như trường hợp điều chuyển công tác đối với bà Trần Thị Thanh Tâm, Bí thư Quận ủy Sơn Trà (bà Tâm được bầu vào vị trí này hồi tháng 7/2020) sang làm Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư.
“Việc điều chuyển những trường hợp này liệu có hợp lý chăng?”, cử tri Huỳnh Luyến (quận Sơn Trà) băn khoăn.
Trả lời câu hỏi này, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết việc phân công công tác đối với cán bộ sau đại hội là vấn đề khách quan.
Theo đó, ông Nghĩa cho biết việc sắp xếp này cũng dẫn đến việc di chuyển một số đồng chí khác. Mặc dù vậy, ông Nghĩa khẳng định rằng việc di chuyển này đều nằm trong đề án trước và sau đại hội và không có gì bất ngờ hay bị động.
“Không riêng gì ở Đà Nẵng mà các địa phương khác trước đại hội đều có hiện tượng xì xầm, vận động. Tuy nhiên chúng ta đã từng bước minh bạch dần các vị trí công tác, được công khai dần qua các bước làm. Đại hội ở Đà Nẵng vừa qua khá đặc biệt khi các đồng chí được chọn là cán bộ trẻ, nữ chiếm tỷ lệ cao nhất nước”, ông Trương Quang Nghĩa bổ sung thêm.
Từ trước đến nay ít ai nghĩ tới việc kỷ luật hay cho vào tù một ủy viên Bộ Chính trị
Cũng trong buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã đưa ra các vấn đề nóng trong thời gian qua như vấn đề tham nhũng, đầu tư công và giải ngân vốn, chính sách về đất đai, quản lý và bảo vệ rừng và mong muốn được biết cách giải quyết của Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng.
Trả lời vấn đề này, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, chống tham nhũng, giải ngân, đầu tư công đều là những công tác rất được quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Ông Nghĩa cho rằng, chưa có nhiệm kỳ nào Việt Nam làm mạnh và đạt được nhiều kết quả như vậy đối với công tác chống tham nhũng.
“Không kể chức nhỏ, to hay vị trí công tác nào vì chống tham nhũng không có vùng cấm. Hiện nay, đối với lãnh đạo Đảng, tức là ủy viên Bộ Chính trị thì đã có một người ngồi tù, 2 người bị kỷ luật cảnh cáo. Tôi nghĩ rằng đây là kết quả mà chưa nhiệm kỳ nào làm được. Từ trước đến nay ít ai nghĩ tới việc kỷ luật hay cho vào tù một ủy viên Bộ Chính trị, việc này hết sức khó và chúng ta đang tiếp tục phải làm”, ông Nghĩa cho biết.
Đề cập đến luật đất đai, đại biểu Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay vẫn còn rất nhiều sai phạm trong sử dụng và quản lý đất đai. Do đó, Quốc hội đang tăng cường giám sát, giải quyết vướng mắc với vấn đề này.
“Nhiệm kỳ này Quốc hội tập trung giải quyết những tồn tại, sai phạm để chúng ta có điều kiện xây dựng Luật Đất đai hoàn chỉnh nhất. Ở Đà Nẵng, một kết luận Thanh tra 2852 mà gần như chết đứng cả gần thành phố. Rất khó làm và rất vướng nên mong cử tri chia sẻ”, ông Nghĩa cho biết.
Còn về việc giải ngân vốn, theo ông, đây là một trong những quyết tâm lớn để phát triển kinh tế mà nhiệm kỳ đã làm tốt. Trong nhiệm kỳ tới, các cấp có thẩm quyền sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này để xây dựng kế hoạch đầu tư công, trung hạn.
Thời gian vừa qua, Chính phủ hết sức quan tâm việc xây dựng pháp luật. Nhưng đây là một quá trình dài, ra luật này thì vướng luật kia và phải điều chỉnh.
“Nhiệm kỳ này làm được rất nhiều và điều chỉnh rất nhiều. Sắp đến, số lượng đại biểu chuyên trách sẽ được tăng lên để có nhiều thời gian, có nhiều người làm chuyên môn hơn để chất lượng xây dựng luật Quốc hội tốt hơn”, Trưởng Đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho biết.
Sắp tới, ngày 19/11, Trung ương Đảng sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết Chỉ thị 35 về việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội 13 của Đảng. Ông Nghĩa nhận định, Đà Nẵng đã làm tốt công tác Đại hội, đặc biệt là hết sức minh bạch công khai.
“Trong quá trình làm công tác cán bộ từng bước chúng ta minh bạch dần, các vị trí công tác được công khai dần qua các bước làm. Và tại Đại hội ở Đà Nẵng thì cán bộ trẻ, cán bộ nữ gần như cao nhất nước. Đó là thể hiện sự đổi mới của chúng ta rất tốt”, đại biểu Trương Quang Nghĩa chia sẻ.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43 phát triển thành phố Đà Nẵng từ nay đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045. Nghị quyết 43 là Nghị quyết rất toàn diện, có thời gian cũng như các mốc thời gian thể hiện rõ tiêu chí cần phấn đấu.
“Cùng với Nghị quyết 43 thì Quốc hội ban hành Nghị quyết 119. Hiện nay, có rất nhiều cơ chế tốt cho TP Đà Nẵng. Tại thời điểm này, chúng ta đang tiếp tục cùng với các bộ, ngành, Chính phủ để ban hành Nghị định thực hiện thuận lợi và tốt nhất Nghị quyết 119. Trong nay mai, Chính phủ sẽ phê duyệt Quy hoạch chung thành phố gắn với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế-xã hội”, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kết luận.
Việt Nam đã kỷ luật 8 cán bộ diện Trung ương quản lý
Như tin đã đưa, thông tin trong cuộc họp sáng nay của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật với 8 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý do có sai phạm liên quan đến nhiều vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tại cuộc họp sáng nay, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng cho ý kiến về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Phòng chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay.
Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, vừa qua một trong nguyên nhân tạo được niềm tin đối với đảng, với chế độ, và vì sao Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, Đại hội các cấp thành công, không khí trong xã hội phấn khởi, tin tưởng, đó chính là vì “chúng ta đã làm tốt chống tiêu cực nói chung trong đó có chống tham nhũng lãng phí và những hư hỏng khác”.
“Từ kết quả đó phải rút ra những kinh nghiệm và bài học lớn để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. Tổng kết không phải để kể lể, khuếch trương mà để rút ra bài học kinh nhiệm từ quan điểm, tư tưởng, phương pháp, sự phối hợp, đồng thuận của nhân dân trên dưới một lòng, rồi khắc phục những tồn tại hạn chế như kỳ trước nhiều án treo, giờ đã không còn hay khó khăn trong giám định, định giá”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn.
Theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước, thời gian qua đã xử lý hàng trăm cán bộ cao cấp cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên trung ương đã tạo sự răn đe, cảnh tỉnh, đồng thời giảm tình trạng trên nóng dưới lạnh.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là bài học cần rút ra để quyết tâm làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, không một nhiệm kỳ mà còn làm lâu dài.
Trả lời cho những câu hỏi trong dư luận cho rằng liệu sắp tới có tiếp tục làm mạnh (chống tham nhũng) không, có duy trì (làm trong sạch đội ngũ, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng – PV) được không, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, thực tế suốt thời gian vừa rồi rõ ràng không phải là trùng xuống mà thậm chí làm quyết liệt hơn.
“Càng sát đại hội Đảng sắp tới vẫn làm để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa để đừng xảy ra sai phạm đau xót”, Tổng Bí thư nói.
Đọc thêm: