Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Xu Wen, phó giáo sư tại Viện Sinh thái và Môi trường thuộc Đại học Hải Nam, cho biết rằng, những thay đổi này không có ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của người dân.
Theo nghị định, kể từ ngày 1/12, các loại túi nhựa không phân hủy, bao bì nhựa, hộp giấy đựng thực phẩm, đĩa nhựa và ống hút sử dụng một lần đều bị cấm. Bây giờ các sản phẩm này không chỉ không thể được mua, mà còn không được sử dụng ở tỉnh Hải Nam. Nhưng, có một giải pháp thay thế cho chúng:
“Tôi nghĩ rằng, các loại túi sinh học phân hủy hoàn toàn hoặc giỏ đan tre có thể thay thế các sản phẩm bằng nhựa”, - chuyên gia Xu Wen nói.
Ngoài việc cấm các sản phẩm sử dụng một lần, Hải Nam đã thực hiện nhiều biện pháp khác để cải thiện môi trường, bao gồm thúc đẩy việc phân loại rác thải và sử dụng các phương tiện chạy bằng năng lượng mới .
“Hải Nam là một hòn đảo độc đáo với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Hơn nữa, vấn đề ô nhiễm môi trường trên đảo Hải Nam thực sự có xu hướng gia tăng. Trong số các nguyên nhân gây ra hiện tượng này có việc đánh bắt cá và khám phá đại dương, cũng như một số thách thức liên quan tới việc phát triển các đảo. Tôi nghĩ, đây là những lý do khiến Hải Nam tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Hải Nam là một tỉnh tương đối nhỏ, trong quá trình thực hiện chính sách sinh thái mới, nếu đáp ứng được tất cả các yêu cầu, thì có thể đạt được kết quả tốt”, - chuyên gia Xu Wen giải thích.
Từ ngày 1/1/2021, CHND Trung Hoa sẽ cấm nhập khẩu rác thải rắn dưới mọi hình thức. Trung Quốc đã bắt đầu giảm lượng rác nhập khẩu kể từ năm 2017. Số liệu cho thấy rằng, trong năm 2017, lượng chất thải rắn nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 9,2% , trong năm 2018 - giảm 46,5%. Năm 2019, tổng lượng chất thải rắn nhập khẩu của nước này đạt 13,478 triệu tấn, giảm 40,4% so với năm ngoái.
Tính đến ngày 15/11/2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 7,18 triệu tấn rác thải rắn, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các quốc gia khác giải quyết vấn đề rác thải nhựa như thế nào?
Chính sách phòng, chống rác thải nhựa của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia phải suy nghĩ về cách xử lý rác thải của họ. Vương quốc Anh xem xét đề xuất đánh thuế bao bì nhựa, Na Uy yêu cầu các nhà sản xuất chai nhựa dùng một lần phải nộp thuế.
Các nhà chức trách châu Âu cho biết, nếu việc tái chế tăng gấp bốn lần, thì đến năm 2030 có thể tạo ra tới 200.000 việc làm mới. Một trong những sự kiện sinh thái quan trọng nhất trong năm 2019 là dự luật của Nghị viện Châu Âu cấm đồ nhựa dùng một lần.
Quyết định của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam. Tại Indonesia và Việt Nam, nhập khẩu chất thải nhựa đã tăng gần gấp hai lần, tại Thái Lan - gấp 10 lần. Do không thể xử lý khối lượng lớn như vậy, các quốc gia này đang dần bắt đầu từ chối nhập khẩu rác thải nhựa.
Ví dụ, kể từ tháng 4 năm 2019, một số quốc gia châu Á, bao gồm Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia và Sri Lanka, đã bắt đầu vận chuyển các thùng chứa rác được dán nhãn sai hoặc nhập lậu quay trở lại các quốc gia phương Tây đã mang rác thải đến cho họ.
Trước đây, Đức đã là một trong những nhà xuất khẩu rác thải lớn nhất cho Trung Quốc. Deutsche Welle cho biết rằng, tổng khối lượng chất thải của Đức nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 95% kể từ năm 2017.
Từ tháng 1 năm 2021, Azerbaijan cũng đưa ra các hạn chế tương tự đối với nhập khẩu và sản xuất sản phẩm nhựa. Và kể từ tháng 7/2021, việc bán và cung cấp cho người tiêu dùng túi nilon dưới 15 micron (mỏng), cũng như đồ dùng một lần, muỗng, nĩa, dĩa, ly, chén làm bằng nhựa, sẽ bị phạt nặng và tịch thu sản phẩm.
Các cơ quan chức năng của CHND Trung Hoa cũng đang từng bước áp dụng hệ thống thu gom, phân loại, xử lý, tái chế rác thải.
“Mặc dù mọi người đều nhận thức rõ sự cần thiết của các biện pháp phân loại rác thải, nhưng, ở giai đoạn này vẫn có một số vấn đề. Người dân vẫn chưa hiểu rõ cần phải phân chia rác thải sinh hoạt thành nhiều loại khác nhau như thế nào. Mọi người cần phải cẩn thận hơn, rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình”, - chuyên gia Xu Wen nhận xét.