Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói – kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đánh giá, sự quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng tại Việt Nam hiện nay cho thấy, sẽ không ai còn có thể ‘hạ cánh an toàn’ một khi đã ‘nhúng chàm’.
Liên quan đến vụ việc của cựu Thứ trưởng Công Thương, dư luận đặt câu hỏi, có hàng loạt sai phạm kỷ luật, sao đến giờ bà Hồ Thị Kim Thoa mới bị khai trừ Đảng và bằng cách nào bà Thoa có thể bỏ trốn ra nước ngoài khi đã bị khởi tố, điều tra?
Vì sao đến nay bà Hồ Thị Kim Thoa mới bị khai trừ Đảng?
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, vừa qua, ngày 2/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư nhằm xem xét, thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương dưới thời ông Vũ Huy Hoàng.
Ban Bí thư dựa trên đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhận thấy, trong thời gian đảm nhận cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2010 -2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến Dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
Đây là vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và có kết luận điều tra, đề nghị truy tố.
Ngoài loạt sai phạm trong công tác, Ban Bí thư cũng khẳng định, cá nhân bà Hồ Thị Kim Thoa, sau khi có quyết định nghỉ hưu, đã bỏ sinh hoạt đảng và xuất cảnh đi nước ngoài dù đã bị Bộ Công an dùng biện pháp ngăn chặn.
“Vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa là rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Công thương”, Ban Bí thư nêu rõ đồng thời quyết định thi hành kỷ luật bà Thoa bằng hình thức khai trừ Đảng theo Quy định số 102 của Bộ Chính trị.
Đối với vụ việc của bà Hồ Thị Kim Thoa, tháng 10/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách về mặt Đảng với bà Hồ Thị Kim Thoa do vi phạm liên quan công tác cán bộ của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Đến ngày 24/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có quyết định kỷ luật khiển trách bà Hồ Thị Kim Thoa. Ngày 28/7/2017, đích thân bà Hồ Thị Kim Thoa có đơn xin nghỉ công tác với lý do cá nhân gửi đến lãnh đạo Bộ Công thương.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Đến ngày 29/8/2017, bà Hồ Thị Kim Thoa chính thức được Bộ Công Thương có quyết định cho nghỉ hưu từ ngày 1/9/2017.
Đến ngày 10/7/2020, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bà Hồ Thị Kim Thoa và đến ngày 13/7/2020 công bố quyết định truy nã bà Thoa sau khi cựu Thứ trưởng đã bỏ trốn sang nước ngoài trước thời điểm bị khởi tố.
Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao, các sai phạm nghiêm trọng của bà Hồ Thị Kim Thoa được phát hiện từ năm 2016, bị Thủ tướng miễn nhiệm từ 2017, bị khởi tố từ tháng 7/2020 nhưng đến giờ cựu Thứ trưởng Công Thương mới bị khai trừ Đảng.
Trả lời về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí Vũ Quốc Hùng cho biết, ở thời điểm bị thi hành kỷ luật cảnh cáo, miễn nhiệm các chức vụ (năm 2017), các sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, nếu nhìn nhận theo quy định của Đảng thì mới chỉ ở mức độ “cảnh cáo”.
Đến giờ, việc Ban Bí thư mới quyết định thi hành hình thức kỷ luật khai trừ Đảng đối với bà Thoa là vì trong quá trình cơ quan điều tra làm việc, xác định cựu Thứ trưởng Công Thương có hành vi vi phạm pháp luật nên có quyết định khởi tố và ra lệnh truy nã sau đó.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nhận định trong cuộc phỏng vấn với VOV, cách xử lý của Đảng “rất nhân văn” đối với vụ việc của bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên là nữ cán bô lãnh đạo, cùng với việc xem xét xử lý từng bước một để cốt răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh.
Ông Vũ Quốc Hùng phân tích, theo lẽ thường, trong suốt quá trình bị kỷ luật vừa qua, nếu bà Thoa có thể nhận ra sai phạm, trở về làm người dân bình thường, vẫn là một đảng viên bình thường.
“Nếu một người cầu thị, người ta sẽ phấn đấu và vẫn có thể làm tốt những công việc khác, nhưng đằng này lại bỏ đi, không sinh hoạt Đảng, lại bị cơ quan điều tra khởi tố, truy nã thì khai trừ đảng là đương nhiên”, nguyên Phó Chủ nhiêm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Theo đồng chí Vũ Quốc Hùng, trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa không bỏ chạy, thì có khả năng chỉ bị đình chỉ sinh hoạt đảng, để không phải ra tòa trong tư cách là “một đảng viên hư hỏng”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định, tùy vào trường hợp cụ thể, có những người cũng bị khai trừ đảng trước khi ra tòa, nếu họ không còn xứng đáng với tư cách là một đảng viên.
“Như trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung, các sai phạm đã rõ ràng, đã bị bắt tạm giam để điều tra, thì việc xem xét đề nghị khai trừ đảng với ông này của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây là đúng quy định”, ông Vũ Quốc Hùng nhận xét.
Điều quan trọng hiện nay, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đó là, cần phải quan tâm đến câu chuyện, làm sao bà Hồ Thị Kim Thoa có thể bỏ trốn, cơ quan chức năng đã làm việc chặt chẽ chưa…
Bộ Công an nói vụ bắt bà Hồ Thị Kim Thoa: Biết ở đâu thì đã bắt rồi
Trả lời về thông tin xuất hiện tin đồn bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt ở Pháp vài ngày trước, người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Công an – Thiếu tướng Tô Ân Xô trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua khẳng định, vẫn chưa bắt đươc bà Thoa.
“Hiện Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng chưa có thông tin của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc bắt giữ bà Thoa ở nước ngoài”, người phát ngôn Bộ Công an cho biết.
Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng khẳng định, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế cũng đã “truy nã đỏ” đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa.
“Biết thì bắt rồi và nếu biết thì báo cơ quan gần nhất xử lý theo đúng quy định”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ, đồng thời khẳng định, Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra đã có thư đề nghị gia đình, người thân động viên để bị can Hồ Thị Kim Thoa sớm về nước trình diện và thành khẩn khai báo về các hành vi phạm tội, hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam.
Không còn khái niệm ‘hạ cánh an toàn’
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn vừa qua, nhất là việc, Việt Nam kỷ luật hàng loạt cán bộ sai phạm, xử lý hình sự kể cả những quan chức đã về hưu, nghỉ công tác, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng, khái niệm ‘hạ cánh an toàn’ sẽ không còn nữa cùng với quyết tâm chính trị của Đảng.
Ông Hùng cho biết, khái niệm ‘hạ cánh an toàn’ trước đây được dùng để nói về việc một số quan chức sau khi về hưu là hết trách nhiệm với tổ chức và nhân dân, bất kể lúc đương chức có vi phạm thế nào. Suốt một thời gian dài, những cán bộ sai phạm đã không bị xử lý sau khi về hưu, hoặc có xử lý cũng chưa thực sự nghiêm khắc. Theo vị chuyên gia, chính điều này đã tạo nên tâm lý thu vén cá nhân, coi nhẹ đạo lý, coi thường luật pháp.
“Nhưng ở nhiệm kỳ này, mọi chuyện đã khác. Việc cương quyết xử lý những những cán bộ vi phạm kỷ luật, dù đương chức hay đã nghỉ hưu cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn của pháp luật, không chỉ giúp củng cố niềm tin trong nhân dân, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ với những cán bộ đang và sẽ có ý định “nhúng chàm”, đồng chí Vũ Quốc Hùng khẳng định.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sự quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng đang cho thấy, từ nay sẽ không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” đối với bất kỳ ai khi bàn tay đã “nhúng chàm”.
Ông Hùng cho rằng, đây cũng là yêu cầu, là đòi hỏi tất yếu để giữ cho Đảng trong sạch, vì cuộc sống của nhân dân, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng trong cuộc trao đổi với cổng thông tin Chính phủ cũng nhận xét về những nỗ lực, giải pháp mà Chỉnh Phủ và Thủ tướng thực hiện thời gian qua trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã có quan điểm chống tham nhũng với lập trường rất rõ ràng, hành động quyết liệt.
Ông Hùng cho biết, như vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo trong 6 tháng cuối năm 2020.
Những chính sách và quyết tâm này nhằm tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Cùng với đó là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu về phòng chống tham nhũng. Nếu để xảy ra tham nhũng ở đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cùng với quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, tránh sách nhiễu, vòi vĩnh, chung chi, tìm lợi ích cá nhân, việc áp dụng ghi âm, ghi hình khi tiếp xúc với dân cũng giúp tăng khả năng giám sát.
“Bên cạnh đó, yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, định kỳ luân chuyển vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định”, ông Hùng nhắc lại nỗ lực của Chính phủ.
Người chống tham nhũng không thể dính đến tham nhũng
Chia sẻ về hiện tượng tham nhũng xảy ra ở chính cơ quan phòng chống tham nhũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của người dân.
“Điều nhắc nhở của Tổng Bí thư không thừa, bởi thực tế trong đời sống, tham nhũng không chừa một ai cả. Những người của cơ quan phòng chống tham nhũng còn nhũng nhiễu, đòi lót tay, hối lộ, tham nhũng thì nói được ai, chống ai? Vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên đang ở đâu?”, vị chuyên gia lý giải.
Việc có số lượng kỷ lục cán bộ cao cấp bị kỷ luật, xử lý thời gian quan, theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên nhân sâu xa là do một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ lợi ích vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân.
“Cho nên khi cán bộ được giao quyền lực trong tay mà không được kiểm soát tốt thì dễ dẫn tới suy thoái, hư hỏng, chỉ lo làm lợi cho cá nhân, nhóm của mình mà quên đi bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân”, ông Hùng thẳng thắn đồng thời đề cập đến việc buông lỏng quản lý, tâm lý né tránh, sợ đấu tranh.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, đối với người làm công tác tham nhũng, điều có ý nghĩa quyết định là phải “thật sự liêm chính”, trong sạch, biết gương mẫu, trọng liêm sỉ, giữ mình, không bị cám dỗ, mua chuộc hay chịu sức ép từ các thế lực.
“Những người chống tham nhũng không thể dính đến tham nhũng. Những người yếu đuối, không đấu tranh chống tham nhũng, nể nang, né tránh thì cũng không thể làm việc trong những trong cơ quan này”, đồng chí Vũ Quốc Hùng nêu rõ.
Cùng với đó, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cần phải kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy đối với những cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và cả những cán bộ yếu về năng lực bản lĩnh, chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.