Năm 2020, lương cơ sở không tăng theo lộ trình
Ngày 5/1, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, đầu quý II/2021, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp, xem xét điều kiện kinh tế xã hội để quyết định về mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2022.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Dịch bệnh đã khiến tình hình kinh tế - xã hội trong nước bị tác động nghiêm trọng.
Sáu tháng đầu năm 2020, thị trường lao động bị tác động nghiêm trọng, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động bị sụt giảm mạnh. Số lao động mất việc làm tăng cao, có thể đến 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng do nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Trong phiên họp hồi tháng 8/2020, Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng đến hết năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ từ năm 2022, điều chỉnh thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 hàng năm, thay vì 1/1 như hiện hành.
Được biết, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất nêu trên.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý II/2021.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động vùng sâu, vùng xa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Cần đưa nghề giáo viên vào danh mục công việc nặng nhọc?
Về đề nghị có quy định cụ thể nhà công vụ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phải bảo đảm các điều kiện như có công trình vệ sinh, nước hợp vệ sinh khi phê duyệt Kế hoạch, Đề án, Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức tổng kết đánh giá Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020.
Trong đó, xác định số lượng phòng học cần kiên cố hóa, danh mục công trình cần được đầu tư xây dựng; tổng hợp, đề xuất giải quyết những phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm căn cứ xây dựng Kế hoạch, Đề án, Chương trình cho các giai đoạn tiếp theo.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung nghề nghiệp nặng nhọc đối với giáo viên bậc học mầm non, giáo viên dạy môn giáo dục thể chất; các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà các cơ quan chức năng trong Quân đội đề xuất.
Chính phủ đã giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, xây dựng thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hướng dẫn cụ thể các trường hợp được đề xuất.