Il-2 mang vũ khí mạnh mẽ, dễ dàng phá hủy các phương tiện bọc thép, đồng thời có khả năng sống sót vượt trội vào thời điểm đó. Đây là một trong những phương tiện chiến đấu nổi bật nhất của Chiến tranh thế giới thứ hai, theo nhiều cách đã ảnh hưởng đến kết quả của toàn bộ cuộc chiến.
Sơ đồ thiết kế mới
Đối với Liên Xô khi đó bị lôi cuốn vào cuộc chiến đẫm máu, việc đưa máy bay Il-2 vào sản xuất hàng loạt là một nhiệm vụ rất quan trọng - máy bay này sớm trở thành lực lượng tấn công chính của hàng không tiền tuyến. Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, hơn 36 nghìn chiếc máy bay đã được chế tạo. IL-2 đã đóng vai trò chủ chốt trong một số chiến dịch lớn nhất của Hồng quân. Các cuộc tấn công ồ ạt của máy bay cường kích đã "nghiền nát" thiết bị quân sự và nhân lực của phát xít Đức.
Một trong những đặc tính của loại máy bay này là khả năng sống sót trong trận chiến và khả năng chống lại hỏa lực từ mặt đất. Trước khi xuất hiện Il-2, ở Liên Xô đã không có máy bay chiến đấu chuyên dụng nào có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất từ độ cao thấp, mà chỉ có một số loại thiết bị quân sự được chuyển đổi để thực hiện các nhiệm vụ như vậy, ví dụ, phi cơ hai lớp cánh hạng nhẹ R-5Sh.
Quá trình phát triển loại máy bay hoàn toàn mới đã bắt đầu vào cuối những năm 1930. Những kinh nghiệm của cuộc chiến ở Tây Ban Nha đã cho thấy rằng, các phương tiện bay được bảo vệ không đầy đủ - súng phòng không và đôi khi vũ khí bộ binh thông thường có thể bắn rơi máy bay chiến đấu.
Nhà thiết kế máy bay Sergei Ilyushin đã đề xuất chế tạo máy bay bọc thép - một loại "xe tăng bay". Song, ở đây nảy sinh vấn đề nghiêm trọng với trọng lượng – vỏ giáp nặng hơn 700 kg. Tuy nhiên, các kỹ sư đã giải quyết được vấn đề này, lớp vỏ được thiết kế rời và nhẹ.
Ở phần phía trước thân máy bay bọc thép làm từ các tấm kim loại dập dày từ 4 đến 8 mm bố trí buồng lái, động cơ, bộ tản nhiệt, thùng nhiên liệu. Buồng lái hai chỗ ngồi là một khoang bọc thép được bảo vệ tốt. Phần đuôi bằng gỗ, các cánh được làm bằng duralumin.
Máy bay chiến đấu được trang bị hai súng máy ShKAS 7,62 mm và hai pháo tự động cỡ nhỏ ShVAK cỡ nòng 20 mm. Trên các giá treo vũ khí bên ngoài và bên trong, máy bay có thể mang theo từ 400 đến 600 kg bom hàng không.
Chạy thử trên chiến trường
Nguyên mẫu Il-2 đã cất cánh lần đầu vào tháng 10 năm 1939. Tuy nhiên, chiếc máy bay không phù hợp với quân đội. Họ yêu cầu tăng tầm bắn và trang bị vũ khí mạnh hơn. Các nhà thiết kế đã lắp đặt động cơ độ cao thấp mạnh mẽ hơn và loại bỏ cabin hai chỗ ngồi để giảm trọng lượng.
Máy bay tấn công một chỗ ngồi đã vượt qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước vào năm 1940; đến tháng 6 năm 1941, Không quân Liên Xô đã có khoảng 250 chiếc máy bay loại này. Rõ ràng, số lượng này là chưa đủ, chỉ có một số phi công làm chủ được kỹ thuật mới, họ chưa nắm vững chiến thuật, nhưng, những chiếc Il đầu tiên đã gây bất ngờ khó chịu cho Đức Quốc xã.
Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, IL-2 đã tham gia phục vụ trên mặt trận. Trên thực tế, đây là loại máy bay duy nhất có khả năng tiêu diệt hiệu quả thiết bị và nhân lực của kẻ thù trên mặt đất. Chiếc Il-2 lần đầu tiên tham chiến vào ngày 27 tháng 6 năm 1941 tại khu vực thành phố Bobruisk của Belarus – một phi đội Il đã tiêu diệt đoàn xe cơ giới của Đức.
Il-2 sớm bộc lộ điểm yếu là không có những tấm giáp bảo vệ đủ dày trước những máy bay Messerschmitt của Đức. Ngoài ra, trên máy bay thiếu vũ khí phòng thủ và xạ thủ súng máy – phi công thứ hai. Các trung đoàn hàng không xung kích đã phải chịu những tổn thất thảm khốc: trong những năm đầu của cuộc chiến, một chiếc máy bay chỉ thực hiện trung bình khoảng 12 lần xuất kích và bị bắn hạ.
Không dễ để sửa lỗi thiết kế trong điều kiện chiến tranh khi việc sản xuất hàng loạt đã được thiết lập sẵn. Ngoài ra, việc trang bị thêm vũ khí và bố trí chỗ ngồi cho thành viên phi hành đoàn thứ hai làm tăng trọng lượng và do đó ảnh hưởng đến các đặc tính bay.
Các kỹ sư của Phòng thiết kế Ilyushin đã cố gắng tìm kiếm một giải pháp tối ưu. Kể từ tháng 2 năm 1942, một khẩu súng máy cỡ nòng lớn và chỗ ngồi của xạ thủ súng máy được lắp đặt phía sau buồng lái bên ngoài khoang bọc thép. Tuy nhiên, kích thước của khoang thứ hai chỉ cho phép mang lên máy bay 180 viên đạn, tất nhiên là không đủ trong các trận chiến với các phi công dày dạn kinh nghiệm của Không quân Đức.
Bên trong khoang thứ hai thậm chí không có chỗ ngồi đầy đủ giá trị - người bắn súng máy phải ngồi trên dây treo bằng vải bạt. Khoang được bao vệ bởi tấm thép bên dưới, nhưng, tấm thép này không thể bảo vệ khỏi các máy bay Đức tấn công vào phần đuôi máy bay Il.
"Máy bay bê tông"
Bất chấp vô số thiếu sót, những chiếc máy bay sản xuất hàng loạt đã trở nên nổi tiếng với khả năng sống sót đáng ngạc nhiên. Những chiếc Il duy trì khả năng chiến đấu thậm chí sau khi trở về sân bay với hàng chục vết đạn chi chít. Máy bay tấn công chỉ đơn giản là bất khả xâm phạm đối với các loại vũ khí bộ binh thông thường.
Những người thợ máy Liên Xô hồi tưởng lại: khi nhìn vào một số chiếc máy bay đã hạ cánh, đôi khi không thể tin rằng sau một lần sửa chữa đơn giản, chúng có thể lên khỏi mặt đất. Nhưng, chúng vẫn cất cánh và tham gia các hoạt động chiến đấu. Các xạ thủ phòng không Đức gọi Il-2 là "máy bay bê tông".
Trong những năm chiến tranh, Il-2 đã trải qua một số lần nâng cấp. Vào năm 1943, máy bay cường kích đã nhận được động cơ mới: máy bay hai chỗ ngồi nặng hơn đã có các đặc tính bay như phiên bản một chỗ ngồi.
Các kỹ sư đã cải thiện tính năng khí động học và đưa ra những cải tiến quan trọng vào sơ đồ thiết kế: tăng góc quét của cánh để giữ cho thân máy bay ổn định và tăng tốc độ. Phiên bản sửa đổi nặng hơn sáu tấn có khả năng tăng tốc lên 414 km/h.
Sau đó đã xuất hiện các biến thể với vũ khí mạnh hơn - những khẩu pháo không quân 37 mm uy lực được treo dưới cánh có khả năng xuyên thủng lớp giáp của những thiết bị hạng nặng của Đức. Và bom chùm với các loại đạn con cộng dồn đã phá hủy những đoàn xe cơ giới hoặc đoàn tàu của kẻ thù.
Vào cuối Chiến tranh Thế giới II, Phòng thiết kế Ilyushin đã tạo ra máy bay cường kích Il-10 hiện đại hóa trên cơ sở Il-2. Vỏ giáp của nó có độ dài lớn hơn, buồng lái của pháo thủ được bố trí trong khoang bọc thép, máy bay được trang bị động cơ mạnh hơn, các kỹ sư đã cải thiện tính năng khí động học, tăng tốc độ và khả năng cơ động. Ở dạng này, máy bay cường kích đã phục vụ trong hơn mười năm - cho đến giữa những năm 1950.