Nhà khoa học chính trị Nhật Bản, cựu quan chức ngoại giao Akio Kawatao cho rằng để giải quyết "vấn đề lãnh thổ", Tokyo phải đe dọa chặn giao thông đường biển giữa lục địa Nga và Nam Kuril.
"Để chính quyền Nga nhận ra tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề lãnh thổ, chính phủ Nhật Bản cần phải chứng tỏ sự sẵn sàng và khả năng phong tỏa eo biển Soy (La Perouse) và Tsugaru (Sangar), vốn là những tuyến đường tiếp vận chính giữa đất liền của Nga và bốn "hòn đảo phía Bắc", – ông Kawatao viết trong bài báo đăng trên Newsweek Japan.
Ông Akio Kawatao thừa nhận rằng không thể mong đợi viễn cảnh như thế trong tương lai gần, vì vậy Nhật Bản cần phải "tập hợp lại" và sẵn sàng cho một "quá trình lâu dài". Theo ông Akio Kawatao, cần phải đợi cho đến khi “sức mạnh quốc gia” của Nga “suy giảm, như những năm 1990”.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà phân tích chính trị Dmitry Yuryev đã bình luận về tuyên bố này.
"Ở đây có dấu hiệu cho thấy một xu hướng nhất định: đó là sự chuyển đổi chậm chạp, có tính chất thăm dò, từ ngụy biện bằng áp lực chính trị chuyển sang hùng biện bằng những lời đe dọa mạnh mẽ. Vì thành thật mà nói, tôi không nhớ có khi nào thuật ngữ “phong tỏa” từng được người Nhật sử dụng trong những lời lẽ đao to búa lớn của mình", - ông Dmitry Yuryev nói.
Theo ông, luận điểm "chúng ta sẽ đợi cho đến khi sức mạnh của Nga suy yếu" càng khẳng định rằng ngày nay phương Tây đã phải thừa nhận sức mạnh của Nga, tuy không thể chấp nhận điều đó.
"Những gì được cựu quan chức Nhật Bản tuyên bố là phù hợp với xu thế toàn cầu. Nhật Bản là một phần của tập thể phương Tây, đang trong tình trạng chiến tranh không tuyên bố với Nga. Trước tình hình đó, mọi chỉ thị của phương Tây đều hướng tới quyết tâm làm suy yếu nước Nga, hạ bệ Nga. Nga là kẻ thù, không phải vì những gì Nga đang làm, mà bởi vì Nga vốn là một nước như vậy. Họ nhận ra rằng nước Nga bây giờ không phải như những năm 90, đây là lý do chính cho hành động gây hấn hiện đang nhắm vào Nga", - nhà phân tích chính trị Dmitry Yuryev kết luận.
Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản đã ký Tuyên bố chung, trong đó Moskva đồng ý rằng sau khi Hiệp ước hòa bình được ký kết, Liên Xô sẽ xem xét khả năng chuyển giao hai hòn đảo cho Nhật Bản - Habomai và Shikotan. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó không dẫn đến bất cứ điều gì. Các nhà chức trách Nga nhiều lần nhấn mạnh rằng Nhật Bản trước hết phải công nhận kết quả Chiến tranh thế giới thứ Hai, bao gồm chủ quyền của Nga đối với quần đảo Nam Kuril.