Kết quả của trận không chiến đối với Không quân Hoa Kỳ thật đáng thất vọng.
Sự hỗ trợ "vô hình"
Trước khi có sự xuất hiện của các phi công Liên Xô, quân Mỹ cảm thấy yên tâm trên bầu trời Triều Tiên: không quân Bắc Triều Tiên hầu hết đã bị phá hủy ngay từ đầu cuộc chiến.
Các phi công tình nguyện Liên Xô đầu tiên đến Triều Tiên tháng 11 năm 1950. Bằng những cách giữ gìn bí mật nghiêm ngặt nhất, những chiếc máy bay chiến đấu phản lực MiG-15 mới nhất cũng được chuyển đến đó. Các phi công phải thay quân phục, và sơn dấu hiệu nhận biết trên máy bay bằng của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, để tránh bị mất những máy bay mới nhất trên lãnh thổ đối phương, các phi công Liên Xô bị cấm bay vượt qua vĩ tuyến 38 ngăn cách giữa Bắc - Nam Triều Tiên.
Mỹ nhanh chóng cảm nhận được kỹ năng của một đối thủ dày dạn kinh nghiệm, khi họ mất nhiều máy bay ném bom hạng nặng B-29. Thật vậy, các phi công Liên Xô mới gần đây đã trải qua trận chiến cam go với đối thủ nước Đức Hitler. MiG-15 về tốc độ, khả năng cơ động, tốc độ leo cao và hỏa lực lại tỏ ra tốt hơn F-80 Shooting Star và F-84 Thunderjet. Người Mỹ hứa một khoản tiền lớn cho người giao cho họ một chiếc máy bay Liên Xô nguyên chiếc có thể sử dụng được. Và để giảm bớt tổn thất, họ gấp rút chuyển giao những chiếc F-86 Sabre mới nhất sang Triều Tiên, vốn không thua kém nhiều so với MiG-15.
"Con đường của MiG"
Mùa xuân năm 1951, Sư đoàn Không quân tiêm kích 324 dưới sự chỉ huy của phi công huyền thoại Thế chiến II Ivan Kozhedub được cử đến chiến trường Triều Tiên tham gia các hoạt động quân sự. Khu vực chịu trách nhiệm của sư đoàn được xác định trên vùng sông Áp Lục (theo tiếng Hàn - Amnokkan). Sư đoàn không cho phép máy bay địch bay xa hơn phòng tuyến này. Người Mỹ đặt biệt danh cho nơi này là "Con đường của MiG".
Ngày 12 tháng 4 năm 1951, người Mỹ lên kế hoạch cho một cuộc ném bom lớn vào thành phố Sinuiju của Bắc Triều Tiên, bao gồm cả cây cầu bắc qua sông Áp Lục. Tham gia có 48 chiếc B-29 Superfortress (bốn tốp 12 chiếc), cùng các máy bay hộ tống.
Nhận được chỉ định mục tiêu, Ivan Kozhedub điều động tất cả lực lượng sẵn sàng chiến đấu của sư đoàn - 44 máy bay để đánh chặn. Một phần lực lượng "MiG" tấn công các "Superfortresses", tiếp cận từ trên cao và khai hỏa bằng pháo). Phần còn lại "trói" các máy bay chiến đấu hộ tống.
Cuộc không chiến chỉ kéo dài hơn 20 phút. Các phi công Liên Xô bắn hạ 10 chiếc B-29 và một số máy bay tiêm kích, 15 "pháo đài bay" nữa bị hư hại nghiêm trọng (không phải tất cả đều trở về được sân bay ccăn cứ). Hơn một trăm phi công Mỹ nhảy dù đã bị bắt. Những chiếc máy bay Mỹ còn sống sót lao chạy về phía biển, và «MiG» đã không đuổi theo. Tất cả 44 chiếc MiG-15 đã an toàn trở về căn cứ.
Bộ Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ trải qua một cú sốc thực sự. Họ chưa bị thiệt hại nặng nề nào như vậy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Một tuần để tang tưởng niệm được tuyên bố, và các cuộc không kích vào Bắc Triều Tiên dừng lại trong ba tháng.
Ngày 30 tháng 10 năm 1951, các "pháo đài bay" cần phải ném bom xuống sân bay Namsi ở Bắc Triều Tiên. Lần này, 21 máy bay ném bom tham gia, dưới sự che chở của các tiêm kích. Và một lần nữa hơn bốn chục chiếc MiG-15 bay lên đánh chặn. Hoạt động theo cặp, MiG bắn rơi 12 chiếc B-29, 4 máy bay chiến đấu F-84 bằng pháo 23 mm. (Người Mỹ cũng mắc một sai lầm chết người: hầu hết F-86, có khả năng nghênh chiến với MiG, bị tụt lại phía sau và bay đến khu vực khác). Phía Liên Xô chỉ mất một máy bay. Sân bay Namsi không bị hư hại nào.
Sau sự cố này, người Mỹ thay đổi chiến thuật sử dụng B-29; giờ đây chúng chỉ bay đi thực hiện các nhiệm vụ vào ban đêm, bay đơn hoặc theo nhóm nhỏ.
Nhìn chung, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, phi công Liên Xô đã tiêu diệt khoảng 1300 máy bay địch. Trong đó có từ 60 đến 90 chiếc B-29, hóa ra chúng hoàn toàn không thể được bảo vệ trước các máy bay chiến đấu phản lực.
Và người Mỹ nhận ra cuộc tấn công hạt nhân vào lãnh thổ Liên Xô, vốn được lên kế hoạch tích cực trong thời kỳ đó, sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với không quân, chắc chắn sẽ bị hứng chịu những tổn thất nặng nề.