Theo ông Kerry, phía Mỹ và Trung Quốc đã chuẩn bị một tuyên bố chung mạnh mẽ, và hai nước đã đạt được thỏa thuận về những vấn đề quan trọng nhất của một giải pháp chung cho vấn đề khí hậu.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ nhấn mạnh, trong quá trình đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận về việc đưa ra các biện pháp cụ thể trong những năm 2020 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông nói, các bên cam kết thực hiện các mục tiêu được nêu trong Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015. Mục tiêu chính của thỏa thuận này là ngăn nhiệt độ không khí toàn cầu tăng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đồng thời, thỏa thuận viết rằng tốt nhất là nên tuân theo giới hạn dưới 1,5 độ C.
Cuộc gặp giữa John Kerry và Xie Zhenhua có tầm quan trọng to lớn đối với cả quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như phần còn lại của cộng đồng quốc tế.
Mỹ và Trung Quốc là những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới
Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải toàn cầu - hơn 10 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm, Mỹ chiếm thêm 15% tổng lượng khí thải toàn cầu. Rõ ràng là nếu không có sự phối hợp của hai nước, các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sẽ không mấy hiệu quả. Ngoài ra, cuộc gặp giữa các quan chức của chính quyền Biden và các đồng nghiệp Trung Quốc tại Anchorage diễn ra vào tháng 3 cũng không tăng thêm niềm lạc quan về triển vọng phát triển quan hệ giữa CHND Trung Hoa và Hoa Kỳ. Cuộc gặp này một lần nữa cho thấy hai nước có những mâu thuẫn cơ bản nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và ý thức hệ.
Tuy nhiên, việc đặc phái viên của Mỹ về khí hậu đã đến Thượng Hải và các bên đã đạt được các thỏa thuận về khí hậu chắc chắn là một dấu hiệu tốt. Điều này cho thấy quan hệ hai nước vẫn chưa rơi xuống điểm không thể kiểm soát nổi. Bất chấp những mâu thuẫn hiện có, Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác tại những lĩnh vực có lợi cho cả hai bên. Như John Kerry đã nói, lần đầu tiên Trung Quốc công nhận rằng khủng hoảng khí hậu là một thực tế, Bắc Kinh bày tỏ quan ngại nghiêm túc về quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, cũng như cam kết sẽ cùng làm việc về khí hậu. Trung Quốc đã xác nhận sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ảo sắp diễn ra trong tuần này, do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng và mời lãnh đạo của 40 quốc gia tham dự, bao gồm cả CHND Trung Hoa. Điều rất quan trọng là Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tìm ra những điểm chung trong vấn đề quan trọng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp xây dựng một mô hình quan hệ mới giữa hai nước, như quan điểm của Zhang Jiadong, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Fudan mà ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
U.S. Special Presidential Envoy for Climate, John Kerry, arrived in China this week to "discuss raising global climate ambition." His visit indicates President Biden's willingness to work with China despite rising tensions over sanctions: https://t.co/zBvFt24pEF via @nytimes pic.twitter.com/2GE4o3xFNl
— Yale Program on Climate Change Communication (@YaleClimateComm) April 16, 2021
“Tuyên bố chung của CHND Trung Hoa và Hoa Kỳ cho thấy rằng cả hai bên đều cam kết hợp tác, và vấn đề khí hậu là một trong số ít các vấn đề khi mà lập trường của hai nước trùng khớp với nhau. Tuy nhiên, hợp tác khí hậu không nhất thiết chỉ liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ. Như Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, không nên trộn lẫn các vấn đề khí hậu với các yếu tố địa chính trị. Trong lĩnh vực này, Mỹ rõ ràng đồng ý với CHND Trung Hoa, vì Kerry đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các vấn đề khí hậu cần được xem xét một cách tách biệt với các vấn đề khác trong sự tương tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong mọi trường hợp, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy các nước vẫn sẵn sàng hợp tác ở những mảng có lợi cho mình, ngay cả khi bầu không khí chung của quan hệ Trung-Mỹ là u ám. Thậm chí có thể nói rằng, so với thời Trump, đã tới lúc Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đi đến một mô hình quan hệ song phương mới. Mặc dù giữa hai bên vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, trong những lĩnh vực cụ thể chúng tôi không loại trừ hợp tác, và đây đã là một tiến bộ lớn".
Tại sao Trung Quốc vẫn coi bản thân là một nước đang phát triển?
Trung Quốc đã đưa ra cam kết đầy tham vọng rằng sẽ đặt tới mức phát thải cao nhất vào năm 2030 và đạt mức trung lập các-bon vào năm 2060. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng nói rằng Trung Quốc sẽ không đưa ra các cam kết mới trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp tới. Chuyên gia Zhang Jiadong giải thích rằng, trong vấn đề đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có những tranh chấp xung quanh vị thế Trung Quốc như một nước đang phát triển với tất cả những hậu quả kéo theo.
“Trung Quốc vẫn coi mình là một nước đang phát triển. Như Thứ trưởng Ngoại giao Le Yucheng đã nói, về khí hậu, Trung Quốc vẫn có thể được coi là một đứa trẻ đang học tiểu học, trong khi Hoa Kỳ và các nước phát triển khác đã chuyển sang cấp trung học. Và, tất nhiên không thể đặt những nước này ở vị trí ngang hàng với nhau. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, đông dân, và điều này gây khó khăn cho việc đàm phán của chúng tôi. Quan điểm truyền thống cho rằng các nước phát triển phải chịu trách nhiệm chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Họ không chỉ cần đầu tư nhiều hơn vào quá trình này mà còn phải chuyển giao các công nghệ thích hợp cho các nước đang phát triển với các điều kiện ưu đãi, hoặc thậm chí miễn phí. Trong trường hợp này, Trung Quốc là bên hưởng lợi. Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác không muốn chấp nhận điều này. Họ tin rằng lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc đã đạt đến quy mô khổng lồ, vì vậy Trung Quốc cũng phải chia sẻ chi phí với họ. Họ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nhận về mình nhiều trách nhiệm hơn và có thể đóng góp nhiều hơn. Sự khác biệt về vấn đề này rất nghiêm trọng ngay cả khi quan hệ giữa hai nước nói chung tốt đẹp, ví dụ trong nhiệm kỳ tổng thống Obama. Và không quốc gia nào muốn hành động gây phương hại đến lợi ích quốc gia của mình”.
Hoa Kỳ phải đưa ra cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ảo sắp tới. Đồng thời, theo FT, Washington đang gây áp lực lên Bắc Kinh để Trung Quốc đạt mức phát thải cao nhất không phải vào năm 2030 như kế hoạch mà là vào giữa thập kỷ này. Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than - tỷ trọng của loại nhiên liệu này trong tổng cán cân năng lượng của đất nước vượt quá mức 50%. Theo tính toán của tổ chức phân tích chuyên gia TransitionZero, chuyên nghiên cứu các vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong vòng 10 năm Trung Quốc cần đóng cửa 588 nhà máy nhiệt điện than thì mới đạt đỉnh phát thải. Trong khi đó hiện tại số lượng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than ở Trung Quốc là hơn một ngàn, tương đương gần một nửa công suất phát điện bằng than trên thế giới. Vì vậy, bản thân kế hoạch đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 đã là một nhiệm vụ khó khăn. Và Trung Quốc, tất nhiên, mong đợi sự hỗ trợ từ các nước phát triển, bao gồm cả công nghệ năng lượng sạch. Đồng thời, đối với Hoa Kỳ, hợp tác công nghệ với Trung Quốc được xếp vào vấn đề an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao sự tương tác về khí hậu đối mặt với các vấn đề địa chính trị, đây là quan điểm của ông Wang Yiwei, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Hoa.
“Hoa Kỳ từ chối công nhận địa vị của Trung Quốc như một nước đang phát triển, thậm chí còn nói về những thách thức và mối đe dọa nào đó từ phía Trung Quốc, điều này hoàn toàn không hợp lý. Và, tôi cho rằng, còn có vấn đề khác lớn hơn: liệu Hoa Kỳ có thể thực hiện chính sách chuyển đổi năng lượng nhất quán để chống lại biến đổi khí hậu hay không. Rốt cuộc, các nhóm chính trị trong nước ở Hoa Kỳ sử dụng các vấn đề như khí thải carbon làm đòn bẩy cho áp lực địa chính trị. Chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ đã tạo ra nhiều hệ thống liên minh. Và họ đang buộc các đồng minh của mình phải từ chối hợp tác công nghệ với Trung Quốc, không sử dụng các linh kiện của Trung Quốc. Vì vậy, phản ứng của Hoa Kỳ với biến đổi khí hậu đang phục vụ cho hệ thống chính trị Hoa Kỳ và trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, và đây chính là mâu thuẫn cơ bản với Trung Quốc".