Đại diện Bộ Công Thương lên tiếng việc gạo ST25 “ngon nhất thế giới” của Việt Nam bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ, khẳng định hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu tại nước ngoài.
Nguy cơ Việt Nam mất thương hiệu gạo ngon nhất thế giới vào tay doanh nghiệp nước ngoài
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, gạo ST24, ST25 nổi tiếng ngon nhất thế giới của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ đang là chủ đề nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và dư luận Việt Nam.
Nếu thực sự trong trường hợp gạo ST24, ST25 của Việt Nam bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ sẽ rất khó khăn cho phía Việt Nam khi xuất khẩu loại gạo trên vào thị trường Hoa Kỳ vì sẽ phải thông qua chính các công ty đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nếu không sẽ bị quy vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Trung Kiên cho biết, Hiệp hội mới chỉ “nghe nói” thông tin gạo ST25 Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ, thông tin chính xác thì chưa nhận được.
Ông Kiên cũng cho hay, phía VFA cũng đã liên hệ với Bộ Công Thương, các đơn vị trong ngành, doanh nghiệp nhưng cũng chưa được xác thực thông tin. Theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, VFA đã liên hệ với Bộ Công thương, nơi được cho là xuất phát của thông tin này nhưng Bộ Công thương cũng “nói chưa rõ ràng”.
“Vấn đề này vẫn đang được xác minh trước khi có thông tin và các phản ứng chính thức từ các bên liên quan, tránh làm hoang mang và dư luận không tốt”, ông Hồ Trung Kiên nhấn mạnh.
Trước đó, một đại diện VFA cũng chia sẻ “không bất ngờ” khi gạo hay các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam bị đăng ký thương hiệu ở nước ngoài vì không có luật nào cấm một doanh nghiệp (của bất cứ quốc gia nào trên thế giới) đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nào đó tại Mỹ nếu sản phẩm đó chưa được doanh nghiệp (kể cả của nước sản xuất) bảo hộ tại thị trường này.
Ở Mỹ, có rất nhiều công ty chuyên “săn” những sản phẩm, mặt hàng bán chạy, có nhiều tiềm năng kinh doanh thương mại, hướng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ để “nhanh chân” đăng ký bản quyền, quyền bảo hộ thương hiệu. Thậm chí, ngay cả các nhà nhập khẩu của Mỹ cũng có thể đăng ký để nhằm tạo lợi thế khi mua bán, nhập khẩu các mặt hàng có thể sinh lời cao sau này.
Vị lãnh đạo chia sẻ, về luật họ không sai, điều đáng buồn là doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài.
“Việc này cũng đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ chứ không riêng gì ST24, ST25”, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.
Điều đáng nói, gạo Việt Nam “ngon nhất thế giới” ST25 do nhóm tác giả của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo không phải trường hợp đầu tiên. Trước đó, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột cũng chịu tình trạng tương tự.
Bộ Công thương nói gì vụ gạo ST25 Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký ở Mỹ?
Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú, hiện đang có ít nhất 5 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25 tại Mỹ. Hiện danh sách này đều đang chờ duyệt nên ông Hồ Quang Cua vẫn còn cơ hội với thương hiệu gạo của mình.
Tuy nhiên, ông Phú cũng cho hay, nếu cha đẻ thương hiệu gạo ST25 Hồ Quang Cua chậm trễ trong việc bảo vệ thương hiệu ở thị trường nước ngoài thì rất có thể, gạo ST25 của Việt Nam sẽ bị mất thương hiệu tại thị trường Mỹ.
Trong sáng nay 22/4, Cục Xúc tiến Thương mại đã kiểm tra lại thông tin trên hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ USPTO. Đây là cơ quan liên bang về việc cấp bằng sáng chế (Patent), Thương hiệu (Trademark) của Hoa Kỳ.
Theo Bộ Công Thương, hiện đang có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 và tất cả đều trong trạng thái “đang kiểm tra” (Awaiting Examination).
Theo trạng thái mà USPTO cập nhật, đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài đã được chấp nhận (tức đã đáp ứng yêu cầu tối thiểu về quy định nộp đơn đăng ký) nhưng chưa thông qua quá trình thẩm định và xét duyệt.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, hồ sơ đăng ký là bảo mật nên Bộ Công Thương không biết doanh nghiệp này nộp hồ sơ từ bao giờ.
“Quy trình là 6 tháng, nếu sau thời gian quy định không có khiếu nại thì Chính phủ Mỹ sẽ cấp quyền bảo hộ”, ông Vũ Bá Phú cho biết.
Ông Phú khẳng định với Tuổi trẻ rằng đã liên hệ trực tiếp kỹ sư Hồ Quang Cua, đề nghị giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, có năng lực về vấn đề này nhằm giúp doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký với cơ quan Mỹ.
Muốn giữ được thương hiệu, doanh nghiệp phải đưa ra được bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, cũng như đưa sản phẩm ra thị trường và mang sản phẩm đi tham dự.
“Tuy nhiên doanh nghiệp phải thực sự có mong muốn và quyết tâm đòi lại thương hiệu” – đại diệc Cục Xúc tiến thương mại nhận định.
Để được chứng nhận là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ trình lên cơ quan chức năng.
Vì nguồn lực có hạn nên hiện nay, Chính phủ sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Nhà nước chỉ có các cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.
Trước đó, các cơ quan của Bộ Công thương cũng đã đưa ra các cảnh báo và khuyến nghị ông Hồ Quang Cua chủ động bảo vệ thương hiệu gạo của mình.
Hiện chương trình thương hiệu quốc gia, xúc tiến chỉ giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc quảng bá ngành hàng nói chung chứ không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, doanh nghiệp nào. Do vậy, việc hỗ trợ trực tiếp là chưa thể thực hiện được.
“Việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hay các biện pháp hỗ trợ cụ thể khác có thể có nguy cơ vi phạm cam kết trợ cấp của Hiệp định chống trợ cấp của WTO” - ông Phú cho biết.
Theo ông, sắp tới đây, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu tại nước ngoài.
Ông Hồ Quang Cua: Gạo được đăng ký thương hiệu ở Mỹ là điều tốt
“Cha đẻ” giống gạo ST25, kỹ sư Hồ Quang Cua, cho biết ông đã nắm được thông tin liên quan việc 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu giống gạo ST25.
Tuy nhiên, ông Cua cho rằng, việc thương hiệu của mình được người khác đăng ký quyền bảo hộ hợp pháp, có trách nhiệm thì cũng không hẳn là điều xấu.
“Việc gạo được đăng ký bảo hộ thương hiệu là tốt, tôi xin không bàn mấy chuyện đó”, kỹ sư Hồ Quang Cua bày tỏ.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định rằng, sản phẩm, thương hiệu nếu muốn được bảo hộ ở quốc gia khác (như việc gạo ST25 được bảo hộ tại Mỹ) thì doanh nghiệp phải đăng ký sở hữu trí tuệ, thương hiệu tại quốc gia đó. Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải tự đăng ký và đăng ký theo mẫu mà cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ tại nước sở tại quy định nếu muốn được bảo hộ thương hiệu.
Nếu doanh nghiệp tại Mỹ thành công đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25, thì khi Việt Nam xuất khẩu loại gạo này sang Mỹ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu ở Mỹ để không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia này.
Trong khi đó, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa ST25 tại Việt Nam), hầu hết doanh nghiệp đều có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu, dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào nếu đáp ứng đủ hồ sơ.
Về việc các doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bản quyền với gạo ST25, ông Trí cho biết điều này không ảnh hưởng đến chủ sở hữu giống lúa. Những doanh nghiệp ở Mỹ có thể là những đối tác nhập hàng của doanh nghiệp Việt, khi thấy sản phẩm tốt nên đã đăng ký.
“Gạo là sản phẩm không cần thiết phải cấp độc quyền nên cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này”, ông Hồ Quang Trí nhấn mạnh.
Gạo Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn để chiếm lĩnh nhiều thị trường trên thế giới
Ông Trần Quốc Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Mỹ.
“Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam. Đặc biệt, gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện”, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.
Đặc biệt, việc Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực mang tầm chiến lược như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và gần đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) cũng mở ra triển vọng rất lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam cả về khối lượng, giá trị.
Ông Toản nhấn mạnh, những hiệp định FTA đã ký đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam dần được mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán so với gạo trắng, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu cho gạo Việt Nam.
Theo ông Trần Quốc Toản, nhằm khai thác các lợi thế Việt Nam có được trong các FTA nhằm nâng cao thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội thị trường như Hàn Quốc, EU, Mỹ.
Bộ khẳng định hỗ trợ về cơ chế chính sách, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, nội luật hóa các cam kết quốc tế, thủ tục hải quan, logistics, tín dụng cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu tạo tiền đề cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai thác tốt thị trường tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như người nông dân cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng, giá cả cũng như xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đa dạng hoá thị trường hướng tới xuất khẩu bền vững gạo Việt Nam ra thế giới.