Bộ Y tế Việt Nam lên tiếng bác bỏ thông tin tiêm vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga dịch vụ giá 1,5 triệu đồng ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang lan truyền trên mạng xã hội. Đây là fake news (tin giả).
Công an thành phố Hà Nội hiện đang tiến hành điều tra, làm rõ việc ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng.
Ngày 14/5: Việt Nam thêm 106 ca Covid-19
Cập nhật tin tức mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam. Tổng ca mắc trong ngày 14/5 là 106 trường hợp (sáng 30, trưa 16 và chiều 60 người).
Theo bản tin phát lúc 19h của Bộ Y tế (thường lệ được công bố vào 18h), chiều tối hôm nay, cả nước tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc SARS-CoV-2 mới – thêm 60 trường hợp dương tính với nCoV mới, trong đó 59 ca trong nước (ghi nhận ở khu vực đã cách ly) và 1 ca nhập cảnh.
Với thêm 60 ca dương tính nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên thành 3.816 bệnh nhân Covid-19. Số ca bình phục là 2.657. Toàn quốc có 35 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 không qua khỏi và một người tử vong do sốc phản vệ sau tiêm vaccine.
Số lượng ca mắc mới từ ngày 27/4 đến nay là 787 trường hợp ở 26 địa phương. Cụ thể, địa bàn Hà Nội 197 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 21 ca ở Bệnh viện K), Bắc Ninh 177, Đà Nẵng 115, Bắc Giang 107, Vĩnh Phúc 78, Hưng Yên 25, Hà Nam 18, Thái Bình 15, Lạng Sơn 12, Hải Dương 7, Hòa Bình 6, Thừa Thiên Huế 5, Nam Định 5, Quảng Nam 3, Quảng Trị 3, Đăk Lăk 2, Điện Biên 3, Phú Thọ 2, Yên Bái, TP. HCM, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh mỗi nơi một ca.
Theo Bộ Y tế, 59 ca lây nhiễm trong cộng đồng mới tại Bắc Ninh (33 người), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (2 người), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (1), Hà Nội (12), Bắc Giang (6), Đà Nẵng (3), Thái Bình (1) và Điện Biên (1). Một ca nhập cảnh được cách ly ngay ở Khánh Hòa.
Tất cả các ca dương tính mới được ghi nhận đều là trường hợp F1, được cách ly, đồng thời liên quan các ổ dịch cũ. Bộ Y tế khẳng định hôm nay không phát hiện thêm các ổ dịch mới.
Trong số này, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, 2 trường hợp mắc Covid-19 là người nhà và bệnh nhân. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung có thêm một người nhà bệnh nhân mắc Covid-19.
Đáng ngại nhất là ở Bắc Ninh với 33 bệnh nhân dương tính mới. Tất cả đều là F1 liên quan ổ dịch cũ. Hiện những người này được điều trị tại các cơ sở y tế: Bệnh viện dã chiến Gia Bình, Bệnh viện dã chiến Tiên Du, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay là 434.941 mẫu. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, số âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 49 người, lần 2 – 25 người, lần 3 – 18 người.
Giám đốc Hacinco bị đình chỉ cấp ủy và bị Công an Hà Nội điều tra
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) đã bị Thành ủy Hà Nội đình chỉ sinh hoạt cấp ủy 90 ngày.
Trước đó, trưa hôm qua, 13/5, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) đã báo cáo Sở Nội vụ thành phố tạm đình chỉ chức vụ trong Đảng cũng như chức Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) đối với ông Nguyễn Văn Thanh do có vi phạm về phòng chống dịch Covid-19.
Công an thành phố Hà Nội đang vào cuộc, tiến hành điều tra, làm rõ việc ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) có dấu hiệu không tuân thủ quy định, làm lây lan bệnh truyền nhiễm (Covid-19) ra cộng đồng.
Theo đó, ngày 14/5, một lãnh đạo Công an TP. Hà Nội thông tin cho biết, lực lượng chức năng đang lập hồ sơ, tiến hành điều tra vụ ông Nguyễn Văn Thanh, (Giám đốc Hacinco) có dấu hiệu làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng khi đi Đà Nẵng về Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không báo cáo y tế.
“Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Công an (Công an TP.Hà Nội – PV) xem xét xử lý vụ việc Giám đốc Hacinco, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu vụ việc, xem xét xử lý dựa trên cơ sở thực tế, theo các quy định pháp luật”, đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Công an TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu hồ sơ nhằm xác minh, làm rõ việc ông Thanh, cư trú ở ở tòa nhà Center Point 27 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, đã được Bộ Y tế xác định dương tính với SARS-CoV-2 có dấu hiệu làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Covid-19) cho người hay không.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ông Nguyễn Văn Thanh và vợ N.T.T.H đi du lịch Đà Nẵng ngày 30/4.
Sau khi trở về Hà Nội vào ngày 2/5, ông Thanh có đi đến cơ quan, ăn liên hoan, về quê…và tiếp xúc với nhiều người.
Ngày 11/5, ông Thanh đi chơi golf tại sân golf Moutain Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) với một câu lạc bộ golf.
Sau đó, Giám đốc Hacinco xuất hiện một số triệu chứng như ho, đau họng nên đã cùng vợ đi khám tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt -Xô. Trước đó, vợ ông Thanh đã đến khám tại Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc ở 216 Trần Duy Hưng nhưng lại được tư vấn “đi về”.
Điều đáng nói là chỉ đến khi có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19, hai vợ chồng ông Thanh mới khai tiền sử dịch tễ từng đi du lịch tại Đà Nẵng và có triệu chứng ho, đau họng từ ngày 6/5.
Sau khi có kết quả dương tính, ít nhất có trên 150 người từng tiếp xúc với hai vợ chồng giám đốc Hacinco trở thành F1, nhiều người khác cũng phải tự cách ly. Trong ngày 13/5, 2 trường hợp F1 của ông Thanh ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã chuyển thành F0.
Chiều 13/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu Công an vào cuộc xử lý giám đốc Hacinco. Ông Anh đề nghị cơ quan Công an xem xét trường hợp này có dấu hiệu chủ quan, lơ là làm lây lan dịch truyền nhiễm ra cộng đồng hay không.
Theo Chủ tịch Chu Ngọc Anh, thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) phải chỉ đạo Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) tổ chức kiểm điểm, đình chỉ công tác với ông Nguyễn Văn Thanh.
“Chỗ này tôi đề nghị làm hết sức nghiêm túc. Đây là ví dụ sinh động theo câu nói của Thủ tướng về việc một người lơ là, cả xã hội vất vả”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nêu rõ.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội còn cho biết, ông Thanh là cán bộ doanh nghiệp mà lại đi chơi golf trong giờ làm việc.
“Anh là cán bộ doanh nghiệp mà anh "golf geo" trong giờ làm việc. Hôm 11.5 đấy, đi chơi golf từ lúc 13 giờ 30. Rồi thành phố đã có quy định hạn chế tụ tập đông người mà dự liên hoan, họp mặt chỗ nọ chỗ kia, bỏ mặc tất cả quy định”, ông Chu Ngọc Anh chỉ thẳng.
Fake news: Bộ Y tế nói về tin tiêm vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga giá 1,5 triệu đồng
Bộ Y tế khẳng định, không hề có chuyện tiêm dịch vụ vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giá 1,5 triệu đồng.
Ngày 14/5, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế lên tiếng bác bỏ thông tin về việc ở Việt Nam có dịch vụ tiêm vaccine Covid-19.
Theo Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, ông nhận được thông tin về việc một Công ty (TTC – PV) kêu gọi công nhân đăng ký tiêm vaccine chống Covid-19 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với giá là 1,5 triệu đồng.
“Đây rõ ràng là thông tin giả mạo vì tiêm vaccine Covid-19 đang được thực hiện theo quy định và không hề có chuyện tiêm dịch vụ”, vị lãnh đạo nêu rõ.
Bộ Y tế khẳng định chắc chắn rằng tin ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2 giá 1,5 triệu đồng là tin giả (fake news).
“Cá nhân tôi đã liên lạc với Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để kiểm chứng thông tin này và xác định đây là ‘fake news’, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế nêu rõ, đồng thời kêu gọi các tổ chức và cá nhân cần đề cao cảnh giác.
Trước đó, trên mạng xuất hiện văn bản thông báo được ghi tên ‘Công ty Cổ phần TTC’ ở Vĩnh Phúc về việc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đề ngày 12/5/2021.
Theo văn bản này, Ban lãnh đạo Công ty tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19 “miễn phí” cho tất cả các cán bộ nhân viên người lao động làm việc tại Công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Đáng chú ý, loại vaccine được tiêm – theo văn bản này – là vaccine Sputnik V của Nga với số lượng 2 mũi tiêm và giá thành ‘dịch vụ’ là 1,5 triệu đồng.
Địa điểm thực hiện tiêm nêu trong văn bản của TTC là ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thời gian trong các ngày 12,13/5/2021.
Như đã thông tin, từ ngày 8/3/2021, tại Việt Nam, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19.
Các đối tượng được tiếp cận nguồn vaccine trước hết là lực lượng tuyến đầu - các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng Công an, Quân đội.
Việc tiêm chủng và đối tượng thực hiện nghiêm theo Nghị quyết số 21 ngày 26/2/2021 của Chính phủ Việt Nam.
Báo cáo từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia cho thấy, tính đến hết ngày 13/5/2021, Việt Nam đã có 959.182 liều vaccine Covid-19 được tiêm cho các đối tượng, đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả.
Cùng với đó, hiện các địa phương, đơn vị đang tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm và phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/5/2021 theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế, đảm bảo không bỏ phí bất cứ liều vaccine nào.
Như chia sẻ của Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam – TS. Kidong Park, ngày 16/5/2021 tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận 1.682.400 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca đợt 2 do chương trình Covax tài trợ để triển khai tiêm chủng trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương lên kế hoạch triển khai tiêm chủng, mở rộng đối tượng và đợt 3 này, phải đảm bảo tiếp tục phương châm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.
Thời gian qua, Việt Nam đã khẩn trương, nỗ lực đàm phán làm việc với các bên và theo Bộ Y tế, đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021.
Trong đó, có 38,9 triệu liều từ chương trình Covax, 30 triều liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dùng mọi nguồn lực, phương tiện, cách thức để đa dạng nguồn vaccine khác của Moderna, Johnson&Johnson.
Đối với Spunik V của Nga, các chế phẩm khác của các quốc gia như Đức (CureVac), Trung Quốc (Sinopharm) hiện vẫn đang được Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine để phục vụ người dân. Công tác sản xuất và thử nghiệm các vaccine “Made in Vietnam” cũng vẫn được đảm bảo tăng cường để sớm có nguồn vaccine do chính Việt Nam tự sản xuất.
Theo TS.Kidong Park, WHO được cho là cũng đang xem xét chuyển giao công nghệ mRNA cho Việt Nam, hướng đến hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này tự chủ về vaccine Covid-19.