Trước đây tàu của Nga đã sử dụng một số yếu tố thuộc công nghệ "tàng hình", bao gồm cả lớp phủ ngoài hấp thụ sóng vô tuyến, nhưng khái niệm về một con tàu khó bị phát hiện vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh.
Tàu hộ vệ Mercury của Nga
"Tàu hộ vệ Mercury sẽ là con tàu đầu tiên của Hải quân có lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến trên toàn bộ diện tích bề mặt bên ngoài. Theo ước tính sơ bộ, một con tàu dài hàng trăm mét khi đó sẽ phản xạ tín hiệu vô tuyến chỉ giống như một chiếc thuyền nhỏ", - một trong những nguồn tin của Sputnik cho biết.
Ngoài lớp phủ theo khái niệm "tàng hình", cấu trúc bên ngoài của tàu hộ vệ sẽ có hình dạng đặc biệt: số lượng các phần nhô ra và các khe hở sẽ giảm đến mức tối thiểu, sử dụng vật liệu composite và các loại sơn đặc biệt.
Nguồn tin thứ hai đã xác nhận thông tin này, lưu ý rằng hiện đã có kế hoạch tiến hành đợt thử nghiệm đặc biệt để đánh giá hiệu quả công nghệ "tàng hình" của tàu Mercury.
Theo các nguồn tin, hiện nay đã chế tạo xong phần thân tàu của tàu hộ vệ, hiện đang thực hiện các cấu trúc bên ngoài.
Tàu hộ vệ thuộc Đề án 20386 Mercury là tàu thế hệ mới dựa trên đề án 20385, trong đó áp dụng nguyên tắc trang bị vũ khí theo dạng module và khả năng triển khai cả máy bay không người lái. Mercury được khởi công ngày 28/10/2016 với tên gọi “Derzky”. Dự kiến nó sẽ được chuyển giao cho hạm đội vào năm 2022.
Lớp tàu hộ vệ này có khả năng tấn công tàu nổi của đối phương bằng tên lửa hành trình, truy tìm và tiêu diệt tàu ngầm, bảo vệ tàu thường và tàu chiến trước các cuộc không kích bằng tên lửa phòng không và bắn pháo yểm trợ cho quân đổ bộ.