Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, TP.HCM có nhiều thay đổi về chiến lược phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là về xét nghiệm, cách ly, tiêm vaccine chủng vaccine.
Bộ Y tế Việt Nam đồng ý cho một công ty dược tại TP.HCM (Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn) được nhập về 5 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Chính quyền Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành kích hoạt công tác phòng chống dịch ở mức cao nhất.
Thêm hơn 1600 ca Covid-19
Bản tin chiều tối nay của Bộ Y tế cho biết, cả nước có thêm 591 ca Covid-19 mới, phần lớn ở TP.HCM, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày lên thành 1.625 trường hợp. Việt Nam đã có 26.010 bệnh nhân mắc coronavirus.
Đáng chú ý, trong số các ca bệnh được công bố chiều tối nay, chỉ có 1 trường hợp nhập cảnh ở Đồng Tháp, còn lại 590 ca là lây nhiễm trong nước.
TP.HCM vẫn là điểm nóng dịch Covid-19 khi có thêm đến 400 ca mắc mới, Long An (40), Tiền Giang (34), Đồng Tháp (32), Khánh Hòa (25), Phú Yên (22), Hưng Yên (8 ), Bình Dương (7), Cần Thơ (6), Bắc Ninh (5), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (2), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), Bắc Giang (1).
Bộ Y tế khẳng định, cả 500 ca mới chiều tối nay đều được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, cả ngày, Việt Nam phát hiện 1.625 ca Covid-19 mới, trong đó chỉ có 9 trường hợp là các ca bệnh xâm nhập, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Thái BÌnh (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (3), Quảng Nam (2).
Còn lại 1.616 ca được phát hiện trong nước, riêng TP.HCM đã chiếm 1229 trường hợp, Long An (77), Bình Dương (73), Tiền Giang (34), Đồng Nai (32), Đồng Tháp (32), Khánh Hoà (29), Phú Yên (28), Bắc Ninh (15), Bắc Giang (10), Trà Vinh (8 ), Hưng Yên (8 ), Quảng Ngãi (7), Cần Thơ (6), An Giang (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hậu Giang (4), Vĩnh Phúc (2), Bạc Liêu (2), Hà Nội (2), Sóc Trăng (2), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), hầu hết cũng đều ở các khu đã phong tỏa/cách ly.
Số lượng ca nhiễm mới tính từ thời điểm bùng phát làn sóng thứ 4 (27/4) đến nay là 22.533 trường hợp, trong đó, có 6.210 người đã khỏi bệnh.
Lượng xét nghiệm mà Việt Nam thực hiện từ 27/4 đến nay là trên 3.809.856 xét nghiệm cho 9.029.725 lượt người.
Việt Nam đã chữa khỏi cho 8.984 trường hợp mắc Covid-19, số ca tử vong là 110 bệnh nhân.
Một công ty dược Việt Nam nhập khẩu 5 triệu liều vaccine Sinopharm Trung Quốc
Mới đây, một công ty dược tại TP.HCM vừa được Bộ Y tế chấp thuận cho phép nhập khẩu 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Sinopharm để tiêm chủng cho người dân.
Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Lê Việt Dũng cho biết, Cục vừa ký quyết định phê duyệt cho phép Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (số 18-20 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4) nhập khẩu lô vaccine Covid-19 Sinopharm của Trung Quốc.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc phê duyệt này nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 6/7, UBND TP.HCM đã giao Công ty Dược Sài Gòn tiến hành quy trình đàm phán, thương thảo, ký kết các hợp đồng mua bán vaccine phòng Covid-19 tại TP.HCM.
Trước đó, Công ty Dược Sài Gòn đã có công văn gửi Cục Quản lý Dược về việc nhập khẩu vaccine chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam kèm đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK.
Trên cơ sở nội dung các Nghị định số 554, 155 của Chính Phủ và Quyết định 2763 của Bộ Y tế về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch, Cục Quản lý Dược đồng ý cho phép công ty này nhập khẩu 5 triệu liều vaccine Sinopharm theo đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK đề ngày 1/7.
Vaccine được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch và phải đáp ứng các điều kiện đi kèm theo quy định của Bộ Y tế.
Công ty Dược Sài Gòn là bên chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vaccine nhập khẩu. Doanh nghiệp này cũng đảm bảo bảo quản vaccine theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến chất lượng vaccine.
Dược Sài Gòn phải tuân thủ các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông, phân phối thuốc và dược có liên quan. Được biết, đơn hàng có giá trị tới tháng 8/2022.
Sinopharm là vaccine thứ 6 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng cho tình huống khẩn cấp. Ngày 4/6, Bộ Y tế Việt Nam đồng ý phê duyệt có điều kiện với chế phẩm vaccine này.
Trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, vaccine Sinopharm có hiệu quả gần 78,1% với các trường hợp có triệu chứng và 73,5% với những ca nhiễm không triệu chứng.
Bộ trưởng Y tế nói về nhiều thay đổi trong chống dịch ở TP.HCM
Sáng 9/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp với Bộ phận thường trực hỗ trợ TP.HCM chống dịch và các đơn vị chuyên môn.
Người đứng đầu ngành Y tế đánh giá, thành phố đang có nhiều thay đổi trong chuyên môn về biện pháp phòng dịch, thể hiện qua việc cách ly, xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng vaccine. Đặc biệt, 2 vấn đề nổi cộm là cách ly, xét nghiệm.
Trường hợp F1 được cách ly tại nhà: Thay đổi đầu tiên là về cách ly. Đối với khu vực nguy cơ rất cao (tức là khu vực phong tỏa), F1 được cách ly tại nhà, không cần cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Trong thời gian cách ly, toàn bộ thành viên trong nhà không được phép đi ra ngoài.
Với khu vực nguy cơ cao, F1 được cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với các F1 ở khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại gia đình thì toàn bộ F1 phải được đưa đi cách ly tập trung.
Với các khu vực khác (có nguy cơ thấp hơn), thực hiện cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, đặc biệt khi F1 lưu trú tại các gia đình đông người, tại các khu chung cư, tập thể, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp cách ly tập trung.
Hạn chế tụ tập để lấy mẫu xét nghiệm: Về vấn đề lấy mẫu xét nghiệm, 24 đội công tác của Bộ Y tế và Bộ phận thường trực đặc biệt giúp TP HCM điều phối (máy móc, nhân lực, chuyên môn lấy mẫu) xét nghiệm. Các quận, huyện tiếp nhận mẫu, xét nghiệm và gửi trả kết quả nhanh, giảm từ 24 giờ xuống 12 giờ.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát các phòng xét nghiệm để bổ sung, điều phối máy. Sử dụng 2 phương pháp là RT- PCR và kháng nguyên nhanh để trả kết quả càng nhanh càng tốt.
Với khu vực có nguy cơ rất cao, thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình.
Với khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu 7 ngày/lần, có thể tăng nếu điều kiện cho phép. Các khu vực còn lại tiến hành lấy mẫu đại diện hộ gia đình, trong đó chọn người hay đi ra ngoài, có mức độ giao lưu tiếp xúc nhiều để lấy mẫu.
Theo ông Long, về phương thức lấy mẫu, khu vực nguy cơ rất cao và cao nên lấy mẫu tại hộ gia đình, không tổ chức thành các điểm lấy mẫu. Kết quả test nhanh trả ngay cho hộ gia đình, nếu xét nghiệm RT-PCR thì chỉ gộp mẫu trong gia đình đó mà không gộp với hộ gia đình khác.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng đề xuất điều phối thêm nhân lực lấy mẫu, vì 2.500 tổ như hiện nay là chưa đủ. Mỗi tổ lấy mẫu phải có 2 người.
“Không thể kéo người dân ra ngoài, tụ tập để lấy mẫu. Nếu không sẽ không còn ý nghĩa nào trong chống dịch” người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh.
Về việc điều trị với các trường hợp F0 không triệu chứng, Bộ trưởng yêu cầu TP.HCM thành lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu như khu ký túc xá, khu tái định cư, nhà thi đấu... Các khu điều trị này phải phân chia tầng, phòng theo thời gian bệnh nhân được phát hiện dương tính và nhập viện.
Với các ca bệnh có triệu chứng, tiến triển nặng, phải đưa vào bệnh viện dã chiến, hoặc lập bệnh viện điều trị Covid-19 từ các bệnh viện hiện có, chuyển đổi công năng. Thiết lập khu vực Hồi sức tích cực tùy theo điều kiện thực tế và cơ sở hạ tầng để điều trị bệnh nhân nặng tại các bệnh viện này. Trong đó, 50% công suất giường dành cho bệnh nhân nặng.
Bảo đảm ít nhất 1.000 giường hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định... với đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục và ECMO.
Đối với vấn đề vaccine, Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cấp vaccine cho TP.HCM. Thành phố tổ chức tiêm chủng cho người dân theo chiến dịch nhưng có điều chỉnh so với trước đây.
Theo đó, khu vực nguy cơ rất cao và cao, nên tổ chức thành nhiều điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi cần thiết, chia thành nhiều khung giờ để đảm bảo giãn cách. Bộ Y tế sẽ huy động khoảng 30 xe tiêm chủng lưu động và sẽ bàn giao thí điểm cho TP.HCM vào ngày 10/7.
“Điểm tiêm lưu động càng nhỏ, bám vào các hẻm nhỏ càng tốt”, ông Long lưu ý.
Đối với các khu vực còn lại, cần tổ chức 2 hình thức tiêm, cả cố định và lưu động. Tuy nhiên, không tổ chức điểm tiêm có đông người.
Hà Nội kích hoạt công tác chống dịch ở mức cao nhất
Bí thư Thành ủy Hà Nội vừa yêu cầu các cấp, các ngành kích hoạt công tác phòng chống dịch ở mức cao nhất.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Lãnh đạo Thủ đô lưu ý, sau 9 ngày không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng, từ ngày 5/7, Hà Nội đã ghi nhận các ca mắc mới, do đó, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đang đặt ra rất cấp bách.
Nhắc lại việc đợt bùng dịch lần thứ tư này là nặng nhất ở Hà Nội từ trước đến nay, tuy nhiên, theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, nhờ bản lĩnh, kinh nghiệm, ý chí quyết tâm, Hà Nội đã chủ động thực hiện “3 trước, 4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa nguồn lây, cách ly nhưng không cực đoan theo mô hình “3 lớp”.
Nhờ chống dịch hiệu quả, đảm bảo duy trì kinh doanh sản xuất, TP. Hà Nội vẫn có mức tăng trưởng đạt gần 6%, đảm bảo nguồn thu, an sinh xã hội của người dân.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành kích hoạt công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất, bảo đảm thế trận phòng, chống dịch mạnh trên toàn thành phố.
“Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn trong mọi tình huống, phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng tuyến đầu; tăng cường hoạt động của các tổ Covid-19 tại cộng đồng”, ông Dũng lưu ý.
Ngày 7/7 và 8/7 vừa qua, thành phố đã kịp thời điều chỉnh một số quy định trên như tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, không tập trung quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng.
Hiện thành phố vẫn duy trì nới lỏng các dịch vụ và triển khai đồng loạt các biện pháp mạnh kết hợp tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm nghiêm nhằm khống chế dịch... Những biện pháp này sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch cao nhất.
Ông Đinh Tiến Dũng đánh giá, việc kiểm soát được tình hình ở mức độ như hiện nay và vẫn duy trì nới lỏng các dịch vụ là thành quả rất đáng quý, là công sức, nỗ lực của cả cộng đồng.
“Chúng ta phải trân trọng và giữ gìn bằng được”, vị lãnh đạo lưu ý.
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, cần phải chấn chỉnh một số biểu hiện chủ quan, buông lỏng ở một vài chính quyền địa phương. Theo đó, Bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm cao nhất về hiệu quả phòng, chống dịch trên địa bàn phụ trách. Nơi nào vì chủ quan, lơ là mà để xảy ra lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, cấp ủy cấp trên vào cuộc phải kiểm tra, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy, thanh tra nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, lãnh đạo các cấp.
“Nếu phát hiện nơi nào cán bộ có hành vi chủ quan, bao che, dung túng cho những vi phạm quy định phòng, chống dịch phải kỷ luật thật nặng để làm gương”, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Đinh Tiến Dũng mong rằng, các doanh nghiệp, tiểu thương, nhân dân thủ đô tiếp tục chia sẻ với thành phố về các biện pháp siết chặt một số dịch vụ không cần thiết, tăng cường công tác chống dịch. Theo vị lãnh đạo, những giải pháp, nỗ lực chỉ thực sự hiệu quả nếu có được sự đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm túc của người dân.
“Đây là điều kiện có ý nghĩa quyết định đối với thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19 cả trước mắt và lâu dài”, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đúc kết.