Bộ Y tế Việt Nam vừa chính thức cho phép phối hợp tiêm vaccine - liều đầu tiên là AstraZeneca và liều thứ hai là Pfizer – nguyên nhân chính là do trong nước nguồn vaccine đang thiếu. Những thỏa thuận, cam kết 20 triệu liều, 40 triệu liều, rồi hơn 100 triệu liều cho tới giờ vẫn chỉ là thông tin cho dân chúng.
Một số quốc gia như Canada, Tây Ban Nha và Hàn Quốc đã phê duyệt món “cocktail” vaccine (liều đầu tiên là AstraZeneca và liều thứ hai là Pfizer). Còn các nhà khoa học của WHO thì phản đối việc tiêm chủng kết hợp các loại vaccine phòng COVID-19 của các nhà sản xuất khác nhau cho liều đầu tiên và liều thứ hai, cho là vì có rất ít dữ liệu về tác động của một loại “cocktail” như vậy đối với cơ thể.
Vì sao Bộ y tế cho phép phối hợp tiêm vaccine?
“Tại Bản tin thời sự 19 giờ ngày 15-7-2021, trả lời phỏng vấn của VTV, T.S Kidong Park, Trưởng Cơ quan đại diện WHO ở Việt Nam cho biết WHO coi việc Việt Nam cho phép tiêm mũi vaccine thứ hai là loại Pfizer/BioNTech sau mũi thứ nhất là loại AstraZeneca hoàn toàn có thể thực hiện an toàn. Điều này có được là do các vaccine dù được điều chế bằng các công nghệ khác nhau nhưng đều có chung nguyên tắc là sử dụng “virus bất hoạt” hoặc công nghệ “vector mô phỏng”. Còn lại các thành phần tá dược của tất cả các loại vaccine đều không gây nguy hại cho sức khỏe. Trong khi đó, Chủ tịch WHO chỉ đề cập đến vấn đề chưa có dữ liệu khoa học nào bảo đảm cho việc tiêm trộn lẫn vaccine phòng COVID-19 chứ không hề đưa ra khuyến cáo “cấm” hay “cho phép”, - Chuyên gia Hồng Long bình luận với Sputnik.
“Theo bài công bố vừa đây về nghiên cứu của Tây Ban Nha đăng trên tạp chí The Lancet, nhóm nghiên cứu cho biết họ đã tiến hành thử nghiệm gọi là "CombiVacS": tiêm ngừa liều 2 bằng vaccine Pfizer/BioTech cho người đã được tiêm 1 liều AstraZeneca. Kết quả đã chứng minh việc tiêm 2 loại vắc-xin này là an toàn, phản ứng phụ giữa nhóm tiêm khác loại và cùng loại là tương đương. Hơn nữa, sự phối hợp này đã "gây ra một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ", tức khả năng miễn dịch với Covid-19 ở người tiêm 2 mũi khác loại còn tốt hơn so với người tiêm cùng loại. Cho nên, việc BYT Việt Nam ra quyết định nói trên là có cơ sở, mặc dù tôi cho rằng, nguyên nhân chính là nguồn vaccine về không như theo kế hoạch”, -Tiến sĩ Hoàng Giang nói với Sputnik.
Bộ y tế Việt Nam có bị động trong việc mua và phân phối vaccine?
Theo chuyên gia Hồng Long thì thực ra, về chiến lược, Bộ Y tế Việt Nam không bị động trong vấn đề vaccine phòng chống COVID-19.
“Tháng 6/2020, khi vaccine AstraZeneca bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ ba, VNVC đã đóng góp đầu tư 600.000 USD cho dự án này với hy vọng sẽ có được vaccine sớm nhất có thể với tư cách khách hàng được ưu tiên. Và song song với đó là việc đầu tư nghiên cứu vaccine nội địa của Chính phủ. 600.000 USD đối với Việt Nam là khoản tiền lớn, nhưng đối với “các ông lớn” như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ, .v.v… thì số tiền đó chỉ là “con tem dán trên lưng con voi” mà thôi. Và theo nguyên tắc tỷ lệ hưởng thụ tương ứng với tỷ lệ đóng góp, Việt Nam chắc chắn sẽ xếp sau nhiều “ông lớn khác” trong ván cờ vaccine”, - Chuyên gia Hồng Long phát biểu với Sputnik.
“Nhưng đến đợt bùng phát dịch thứ tư ngày 25/4/2021 thì mọi dự đoán bi quan nhất đều bị vượt qua. Và đương nhiên mọi dự báo lạc quan tối thiểu nhất cũng không thể trở thành hiện thực. Dịch bệnh bùng phát mạnh hơn gấp nhiều lần với cường độ lớn hơn tổng cường độ của ca ba đợt bùng phát trước đó cộng lại. Vì vậy, nói cho đúng hơn thì Việt Nam đã bị động trước chủng Delta của virus SARS- COV-2 chứ không bị động về chiến lược vaccine”, - Chuyên gia Hồng Long nếu đánh giá của mình với Sputnik.
Đọc thêm: Dập dịch đợt 4 – bài toán khó