Hải Phòng mượn vaccine Sinopharm Trung Quốc, TP.HCM ‘sẵn sàng tương trợ’
18:53 05.08.2021 (Đã cập nhật: 19:07 05.08.2021)
© Ảnh : Thanh Vân-TTXVNCư dân các xã, phường biên giới của thành phố Móng được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2.
© Ảnh : Thanh Vân-TTXVN
Đăng ký
Phản hồi việc Hải Phòng ‘mượn’ trước 500.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc, lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẵn sàng trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, chia sẻ. Sài Gòn luôn vì cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với việc ưu tiên bổ sung, cung cấp thêm vaccine Covid-19 cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, cần huy động cả các lực lượng y tế tư nhân tham gia hỗ trợ.
Đáng chú ý, trên hệ thống khai báo di chuyển nội địa của Bộ Công an, người dân đã có thể có thêm phần khai báo y tế để lấy mã QR dùng trong 3 ngày.
TP.HCM nói gì về việc Hải Phòng mượn 500.000 liều vaccine Trung Quốc?
Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức thông tin về việc Hải Phòng xin mượn tạm nửa triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Theo đó, thông tin tại cuộc họp báo tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời về việc thành phố Hải Phòng muốn “mượn tạm” 500.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc để tiêm cho dân.
© Ảnh : Xuân Khu-TTXVNÔng Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận hàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, nhân dân Campuchia.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận hàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, nhân dân Campuchia.
© Ảnh : Xuân Khu-TTXVN
“TP.HCM luôn luôn là Thành phố nghĩa tình vì cả nước, cùng cả mước, luôn luôn có tinh thần chia sẻ nên UBND TP.HCM sẽ xem xét nội dung đề xuất và có văn bản trả lời trong thời gian sớm nhất trên tinh thần tương trợ lẫn nhau”, Phó Chủ tịch TP.HCM khẳng định.
Trong sáng nay, ngày 5/8, Chủ tịch Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ký công văn gửi Bộ Y tế và UBND TP.HCM “mượn tạm” 500.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc để giúp địa phương nhanh chóng thực hiện tiêm chủng phòng chống Covid-19.
Công văn này khẳng định, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lây lan và bùng phát cao ở Hải Phòng. Do đó, nhiệm vụ chuẩn bị vaccine để tiêm cho người dân là nhiệm vụ cấp bách.
Hiện nay Hải Phòng có trên hai triệu người, trong đó đủ điều kiện tiêm vaccine khoảng 1,6 triệu người, tuy nhiên, hiện Bộ Y tế mới chỉ cấp cho thành phố cảng này gần 165.000 liều nên số lượng vaccine cần bổ sung là rất lớn.
Trong khi đó, hiện tại, ngành y tế TP.HCM vẫn đang xem xét, chưa quyết định tiêm ngay số vaccine của Trung Quốc cho nhân dân thành phố. Do đó, theo Chủ tịch Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách tiêm vaccine cho dân, Hải Phòng đăng ký với Bộ Y tế phân bổ hai triệu liều vaccine Sinopharm và 1,2 triều liệu các loại khác.
“Được biết, TP.HCM hiện nay có khoảng 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, để kịp thời có vaccine tiêm cho người dân trong thời gian Hải Phòng chưa nhận được số vaccine nêu trên, UBND TP Hải Phòng đề nghị UBND TP.HCM cho Hải Phòng mượn 500.000 liều của Sinopharm”, lãnh đạo Hải Phòng nhấn mạnh.
Từ 4/8, UBND TP. Hải Phòng đã có thông báo về việc thống nhất chủ trương tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc theo thứ tự ba nhóm ưu tiên – đó là lái xe, phụ xe đường dài – công nhân đang làm việc ở các khu, cụm công nghiệp và người dân xung phong xin được tiêm chủng.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP.HCM và phía Nam
Ngày 5/8, xét theo đề nghị của TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ưu tiên cấp thêm vaccine Covid-19 cho thành phố và các địa phương phía Nam đang có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch và triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch và triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng đồng ý với việc tiếp tục phân bổ vaccine phòng Covid-19 cho TP.HCM và những tỉnh đang là “điểm nóng” dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên gửi các lô vaccine tiếp theo cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đồng thời, Bộ Y tế phải báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 trước khi phân bổ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc cán bộ, cơ quan đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, kịp thời cập nhật tình hình thực hiện tiêm.
Trước đó, theo văn bản số 5256 của Văn phòng Chính phủ hôm 1/8, nhằm tổ chức tiêm vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng thời gian sớm nhất cho TP.HCM (gồm cả TP.HCM và các địa bàn giáp ranh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chủ động phối hợp với Bộ Y tế để điều chỉnh lại quy trình tiêm vaccine cho phù hợp với yêu cầu của tỉnh và tình hình dịch bệnh thực tiễn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đồng chí Vũ Đức Đam cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch tiêm và thông báo cho Bộ Y tế nhu cầu vaccine theo kế hoạch tiêm.
Bộ Y tế có trách nhiệm phân bổ vaccine đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trường hợp cần thì báo cáo Thủ tướng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc phân bổ, tổ chức tiêm vaccine giữa các lực lượng y tế công –tư.
Được biết, chỉ đạo này của Phó Thủ tướng xuất phát từ đề xuất của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về việc ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng y tế tư nhân tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch.
Theo đó, đã có nhiều cơ sở y tế tư nhân trên cả nước cử hàng trăm nhân viên y tế tình nguyện đăng ký tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, tại TP.HCM đã có nhiều bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân đăng ký tham gia đồng hành với hệ thống bệnh viện công lập thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống Covid-19 hiệu quả. Tuy nhiên, còn tồn tại thực tế rằng, hầu hết các bác sĩ, nhân viên y tế tư nhân tham gia tuyến đầu chống dịch mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine. Họ có tâm lý e ngại, lo sợ không đảm bảo an toàn khi tham gia công tác phòng chống dịch.
Do vậy, Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam đề nghị ưu tiên phân bổ đủ lượng vaccine cho các cá nhân, nhất là đội ngũ y bác sĩ tham gia tuyến đầu chống dịch ở các địa phương để họ được tiêm ngừa, có tâm lý ổn định nhất.
Bộ Công an: Khai báo y tế lấy mã QR trên hệ thống khai báo di chuyển nội địa
Chiều 5/8, cung cấp thông tin cho người dân, Đại úy Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân số thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, người dân có thể khai báo y tế và nhận QR code trên hệ thống khai báo di chuyển nội địa.
Cụ thể, theo Đại úy Hiển, do nhu cầu cấp bách phòng chống dịch nên Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an đã nhanh chóng xây dựng hệ thống quản lý di biến động của công dân vùng dịch cũng như quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19.
Đây là chức năng bổ trợ đáng chú ý. Theo Đại úy Trần Duy Hiển, hệ thống này sẽ cùng khai thác dữ liệu từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu cư trú của Việt Nam.
Thông tin về cơ chế vận hành, Đại úy Hiển cho hay, người dân sẽ khai báo thông qua trang Suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Sau khi khai báo, các dữ liệu thông tin sẽ được đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp cho người dân một mã QR có giá trị sử dụng trong 72 giờ (3 ngày).
“Người khai báo sẽ không phải đăng nhập, không cần tài khoản riêng”, Đại úy Trần Duy Hiển nhấn mạnh.
Đại diện C06 lưu ý, khi vận hành, ở mỗi trạm kiểm soát, cán bộ công an sẽ đăng nhập vào hệ thống chung. Người dân đi qua chỉ cần quét mã QR code mà không cần dừng lại khai báo.
“Việc quét mã không cần dùng thiết bị chuyên dụng, chỉ cần camera thông thường nên không cần mua sắm thiết bị”, C06 nhấn mạnh.
Hiện, hệ thống này đã được triển khai thử nghiệm tại chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ Hà Nội cùng các điểm kiểm soát Quảng Ninh.
Sắp tới Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ về việc sử dụng phương thức quản lý khai báo này trên khắp cả nước.
Thông tin về điểm khác biệt của hệ thống quản lý di biến động công dân vùng dịch với các phần mềm khai báo y tế hiện tại của Việt Nam, Đại úy Hiển cho biết, hệ thống khai báo y tế của Bộ Công an là hệ thống duy nhất liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo tính chính xác trong khai báo.
“Công an các phường/xã nơi người dân đi và nơi đến đều nhận được thông tin chính xác về ngày, giờ người dân có mặt trên địa bàn. Từ đó, cơ quan chức năng có thể truy vết về hành trình khi có yêu cầu”, đạid iện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hệ thống này còn quản lý tập trung dữ liệu người được tiêm vaccine Covid-19, phân tích tỷ lệ công dân được tiêm chủng để cơ quan chức năng có định hướng phân bổ, mua sắm vaccine của Việt Nam hiện nay.
C06 nhấn mạnh, việc khai báo trên hệ thống sẽ giúp giảm ùn tắc cho các chốt kiểm dịch. Hệ thống cũng sẽ hỗ trợ truy vết các “F” khi có yêu cầu cung cấp lịch trình di chuyển, giảm bớt thời gian và chi phí.
Căn cứ nơi lưu trú, tạm trú, thường trú, nơi đi, và nơi đến khi khai báo, thông tin của công dân sẽ được gửi về các xã phường thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu dân cư để công an địa phương tiện theo dõi.
Đại tá Hiển cũng nhấn mạnh, trong trường hợp dân không có smartphones hay thiết bị kết nối internet, công an sẽ đặt bản khai giấy ở các chốt để người dân khai vào, cán bộ sẽ nhập dữ liệu này lên hệ thống quản lý chung.
Đại diện C06 Bộ Công an cũng nhấn mạnh, hệ thống khai báo y tế của Bộ CÔng an đang sử dụng phương thức bảo mật ở 4 mức cao nhất hiện nay.
“Sẽ không để xảy ra lộ, lọt thông tin công dân” Đại úy Hiển khẳng định.