Mỹ đã thay đổi thái độ với Việt Nam như thế nào?
Đăng ký
Việt Nam và Mỹ từng là “cựu thù”, đó là sự thật lịch sử. Tuy nhiên, Việt Nam trong mắt Hoa Kỳ nay đã khác. Chính quyền Washington đã thay đổi thái độ với Hà Nội, ưu tiên, coi trọng quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này.
Kể từ khi bình thường hóa, dỡ bỏ cấm vận, quan hệ Việt-Mỹ đã biến đổi sâu sắc. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định rất rõ ràng vị thế quan trọng của Việt Nam đối với Nhà Trắng.
Vị thế Việt Nam trong mắt Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ. Chuyên gia bình luận liệu Việt Nam và Mỹ có nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sau chuyến thăm Hà Nội của bà Kamala Harris.
Mỹ nói gì về chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam?
Nhà Trắng đã có thông báo về chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Đây là chuyến thăm Hà Nội đầu tiên – chưa từng có tiền lệ của một Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Dự kiến, chiều nay, 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tới Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du châu Á chính thức đầu tiên sau khi kết thúc chuyến thăm 3 ngày tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Hà Nội, gặp gỡ lãnh đạo đất nước trong chuyến công du hai ngày 24-26/8. Chuyến thăm của đại diện lãnh đạo quyền lực chính quyền Joe Biden được kỳ vọng mang đến đột phá mới trong quan hệ Việt-Mỹ, nhất là khả năng nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên mức “đối tác chiến lược”.
Trong thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ, trong chuyến công du một tuần, Phó Tổng thống Harris thảo luận với các nhà lãnh đạo Singapore và Việt Nam về nhiều vấn đề cùng quan tâm, trong đó có an ninh khu vực, phản ứng toàn cầu trước đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
“Chuyến thăm (của Phó Tổng thống Kamala Harris) góp phần tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế giữa Washington và các đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, thông cáo báo chí khẳng định.
Dự kiến, khi thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Tổng thống Kamala sẽ có các cuộc gặp với các lãnh đạo chính quyền Hà Nội, trong đó có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Phạm Minh Chính về tăng cường quan hệ Việt – Mỹ, phối hợp ứng phó với tình hình đại dịch Covid-19, cũng như các vấn đề an ninh khu vực (Biển Đông, hợp tác tại các diễn đàn đa phương, ASEAN, APEC, HĐBA LHQ và quốc tế), kinh tế, thương mại, đầu tư.
Dư luận quốc tế cho rằng, trong các cuộc hội đàm của bà Harris với lãnh đạo chính quyền Hà Nội, có khả năng, đại diện Nhà Trắng sẽ đề cập những khoản viện trợ mà Washington có thể dành cho Việt Nam trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4 diễn biến nghiêm trọng.
Đặc biệt, như Sputnik đã thông tin trước đó, Phó Tổng thống Kamala Harris dự kiến sẽ tham dự lễ khánh thành văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ tại Hà Nội. Đây là văn phòng khu vực của CDC Mỹ tại Đông Nam Á nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến các bệnh truyền nhiễm.
Tính đến nay, chính quyền Joe Biden đã thể hiện rất rõ “thiện chí” với Việt Nam. Mỹ đã viện trợ Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á.
Trước đó, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng trước, Mỹ đã cam kết tài trợ 77 tủ đông âm sâu, giúp Việt Nam bảo quản và phân phối vaccine ngừa Covid-19.
Ngoài ra, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 20 triệu USD hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Như chúng tôi đã đề cập trước đó, tính đến ngày 3/8/2021, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia đứng đầu về số lượng nhận hỗ trợ vaccine từ Mỹ với tổng số liều đã nhận. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi chính quyền Joe Biden chuyển thêm vaccine cho Việt Nam thời gian tới.
Đặc biệt, phía Việt Nam cũng đã ký kết các thỏa thuận thương mại với các nhà sản xuất vaccine của Mỹ là Moderna và Pfizer để bảo đảm có ít nhất 80 triệu liều vaccine, cùng với việc nỗ lực đa dạng nguồn vaccine của Bộ Y tế (AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell của Sinopharm, Janssen, vaccine nội địa Việt Nam Nanocovax, Covivac…) giúp khoảng trên 70% dân số được tiêm mũi đầu tiên vào quý đầu tiên của năm 2022, nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng, phục hồi kinh tế và đảm bảo cuộc sống, an sinh xã hội cho nhân dân.
Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin về chuyến thăm của bà Kamala Harris
Hôm qua, ngày 23/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo về chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Hà Nội.
📢At the invitation of the Vice President of the Socialist Republic of Viet Nam Vo Thi Anh Xuan, Vice President of the United States of America Kamala Harris will pay a visit to Viet Nam from 24th to 26th August 2021.@VP @KamalaHarris pic.twitter.com/zIFxflpqWw
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26/8, theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Trước đó, Sputnik Việt Nam đã thông tin, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 19/8, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cũng đã nêu bình luận về chuyến thăm Hà Nội của đại diện cấp cao chính quyền Biden – Harris.
“Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và hoạt động trao đổi đoàn các cấp hai nước đều nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Bà Kamala Harris: Mỹ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Singapore
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khi đề cập đến chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris, đã nhấn mạnh, Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng đối với người dân Mỹ, sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ.
“Chuyến thăm sắp tới của bà sẽ tập trung vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam”, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nêu rõ.
Ngày 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài phát biểu tại Singapore, đề cập cụ thể đến chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực ASEAN, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bên cạnh việc đề cập đến tình hình Afghanistan, chiến lược rút quân của Hoa Kỳ khỏi Kabul, phân tích điều gì đang diễn ra trong cuộc chiến với Taliban*, Phó Tổng thống Mỹ hiểu rằng, một phần nhiệm vụ của bản thân trong chuyến công du châu Á lần này là thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Singapore và Việt Nam rằng cam kết của Washington đối với Đông Nam Á là vững chắc chứ không phải hỗn loạn, bất ổn như thực tế đã xảy ra với Afghanistan.
“Hôm nay, chúng tôi có mặt tại Singapore (và sau đó là Việt Nam) để nhấn mạnh và tái khẳng định mối quan hệ lâu dài của Hoa Kỳ với đất nước và trong khu vực này, đồng thời củng cố tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định.
Theo đó, Phó Tổng Mỹ nhắc lại, trong kỷ nguyên mới của một thế giới kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, các quốc gia phải sẵn sàng cùng nhau đối phó với những thách thức và cùng nhau tạo nên cơ hội.
“Và đây chính là lý do tại sao các mối quan hệ đối tác của chúng tôi ở Singapore, Đông Nam Á và khắp Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Hoa Kỳ tự hào là một phần của Thái Bình Dương. Đây là một khu vực quan trọng cho an ninh và sự thịnh vượng của Washington”, đại diện Nhà Trắng nhấn mạnh.
Tiếp đó, người phụ nữ quyền lực nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại nêu rõ, nước Mỹ hướng tới một tầm nhìn dài hạn cho hòa bình và sự ổn định, tự do trên biển, thương mại không bị cản trở, đặc biệt thúc đẩy nhân quyền, cam kết trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.
Lãnh đạo chính quyền Biden – Harris cho hay, mục tiêu này là lợi ích chung và “sẽ không có cuộc chơi có tổng bằng không (0)” ở đây. Cùng với đó, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng tái khẳng định các cam kết của của Mỹ với khu vực hiện nay, cũng như trong tương lai.
“Để làm được những điều trên, chúng tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức để thúc đẩy các mối quan hệ đối tác chủ chốt, trong đó có quan hệ với Singapore và Việt Nam”, bà Kamala Harris nhấn mạnh.
Phó Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, thúc đẩy lợi ích của Mỹ với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương để duy trì các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế và tự do hàng hải, bao gồm cả tranh chấp biển đảo ở Biển Đông.
‘Quan hệ Việt – Mỹ đã chín muồi’
Bình luận về chuyến thăm Việt Nam “chưa từng có tiền lệ” lần này của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2014-2018, cho rằng, thực tế hiện nay, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ “đã chín muồi”.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, việc nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đến châu Á chọn Đông Nam Á với 2 điểm dừng Singapore và Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của chính quyền mới là điều rất đáng chú ý. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, chuyến đi chứa đựng thông điệp lớn của nước Mỹ với khu vực.
Thông cáo trước đó của Nhà Trắng nhấn mạnh, chuyến đi nhằm tăng cường quan hệ và hợp tác kinh tế với “hai đối tác rất quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu quan điểm, thông điệp của chuyến đi là nước Mỹ trở lại và cam kết lâu dài với khu vực.
Chuyến đi của bà Kamala Harris cũng khẳng định coi trọng, củng cố các quan hệ đối tác khu vực, đồng thời, xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ.
Đại sứ nhận định, nội dung trao đổi xoay quanh vấn đề an ninh khu vực, nỗ lực chung của các bên nhằm thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ (ở Biển Đông – PV), nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 và những hành động cấp thiết nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và cả vấn đề kinh tế (trong đó có nội dung về chuỗi cung ứng toàn cầu, về bán dẫn và thương mại số).
Đánh giá chuyến đi mở ra những cơ hội hợp tác nào giữa Mỹ với Việt Nam, Đại sứ Phạm Quang Vinh trong cuộc trao đổi với Zing cho rằng một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu hai nước sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược dịp này hay không.
Đại sứ Vinh cho rằng quan hệ giữa hai nước đã chín muồi, chỉ chờ thời điểm “đặt tên” mối quan hệ. Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng nhận định quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Joe Biden có nhiều điểm đáng chú ý.
Theo đó, theo ông Vinh, chính sách chung của nước Mỹ dưới thời ông Biden ngay từ đầu coi trọng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Điều này được thể hiện cụ thể qua sự trao đổi và đối thoại thường xuyên giữa hai nước. Tiếp đến, Tổng thống Biden gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và thành công của đại hội XIII đầu tháng 2/2021.
“Đây có lẽ là lần đầu tiên và câu chuyện này rất có ý nghĩa, thể hiện Mỹ coi trọng quan hệ và thể chế chính trị Việt Nam”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Theo Đại sứ, hiện nay, quan hệ hợp tác mọi mặt, từ kinh tế, an ninh, đến phòng chống dịch, khắc phục hậu quả chiến tranh đều được đẩy mạnh và mang tính thực chất. Hai bên cũng đối thoại và xử lý khác biệt một cách hiệu quả và mang tính xây dựng, như về vấn đề tiền tệ gần đây.
“Chắc chắn dưới thời Tổng thống Biden, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đà và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu rõ.
Vị thế Việt Nam trong mắt Mỹ nay đã khác
Chuyên gia, giới quan sát quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận định về chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8 của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Theo học giả Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (Mỹ), chìa khóa thành công trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày nằm ở cam kết của Mỹ trong hỗ trợ khu vực chống dịch Covid-19.
Ông Poling nhìn nhận đây là cơ hội tốt để bà Harris và chính quyền Joe Biden xây dựng uy tín về chính sách tại khu vực then chốt này.
Trong khi đó, một chuyên gia quen thuộc với Việt Nam là GS. Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nêu quan điểm, nhiều thế hệ lãnh đạo Mỹ, từ ông Barack Obama, Donald Trump cho đến đương kim Tổng thống Joe Biden hiện nay đều coi Việt Nam là quốc gia ổn định về chính trị và có đóng góp quan trọng vào an ninh khu vực với vai trò dẫn dắt của mình.
Ông Thayer nhận định chuyến thăm Việt Nam người nắm giữ quyền lực lớn nhất sau Tổng thống Joe Biden trong nội các Mỹ sẽ tập trung vào hai vấn đề lớn. Thứ nhất là các vấn đề thế giới và khu vực như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, an ninh mạng và hợp tác giữa Mỹ và Đông Nam Á nhằm xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tự do thương mại trên Biển Đông và hợp tác an ninh khu vực, nhất là lên án các hành vi đơn phương của Trung Quốc.
Thứ hai bà Kamala Harris sẽ cùng lãnh đạo Việt Nam thảo luận cụ thể phương thức đường hướng củng cố quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại-kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, sức khỏe-môi trường, hậu quả chiến tranh, quyền con người và giao lưu nhân dân hai nước.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS) ở Singapore đánh giá rằng quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Vị thế Việt Nam trong mắt người Mỹ ở mức cao nhất từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ. Ngược lại, Việt Nam coi trọng vai trò của Mỹ về mặt kinh tế, an ninh-quốc phòng và chiến lược”, TS. Lê Hồng Hiệp khẳng định.
Theo vị chuyên gia, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam góp phần củng cố hơn quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác trong nhiều vấn đề hai bên có chung lợi ích từ kinh tế-thương mại tới an ninh quốc gia, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương.
Quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Joe Biden sẽ ra sao thời gian tới?
Bình luận về chuyến thăm của bà Kamala Harris, Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đánh giá, hiện Việt Nam đang có một vị thế cũng như vai trò rất quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu.
Theo Đại sứ, bản thân chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng coi khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên nhất, coi Việt Nam và Singapore là 2 đối tác chủ yếu của Mỹ trong việc duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ.
Hiện Việt Nam đang có một vị thế cũng như vai trò rất quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu. Bản thân chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng coi khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên nhất. Trong cuộc trao đổi với VOV, Đại sứ Ngô Quang Xuân nhấn mạnh, Mỹ hiện coi Việt Nam và Singapore là 2 đối tác chủ yếu của Mỹ trong việc duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ.
“Theo tôi, chuyến thăm này có thể sẽ mở ra khá nhiều cơ hội cho cả hai nước. Tôi được biết, trước hết là ưu tiên trong chương trình nghị sự là vấn đề y tế toàn cầu, quan hệ hợp tác kinh tế và vấn đề an ninh. Chuyến thăm của bà Phó Tổng thống tạo cơ hội cho hai bên củng cố quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển rất tốt đẹp, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, kể cả an ninh và quốc phòng”, Đại sứ Ngô Quang Xuân nhấn mạnh.
Chuyên gia lưu ý, chuyến thăm của bà Kamala Harris sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế thương mại. Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, đơn cử như quan hệ thương mại, từ 450 triệu USD năm 1995 đã đạt tới gần 76 tỷ USD năm 2019.
Thực tế, quan hệ Việt - Mỹ đang trên đà phát triển tích cực trong những năm qua. Năm 2020, xuất khẩu sang nhiều thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại Việt - Mỹ vẫn đạt 90,8 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2019. Trong đó, Việt Nam xuất sang Mỹ 77,1 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,7 tỷ USD. Cùng với đó, thương mại song phương được duy trì trong 7 tháng của năm 2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập từ Mỹ 8,97 tỷ USD, tăng 10,6%.
Chuyến thăm cũng là cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư và cơ hội cho Mỹ mở rộng đầu tư vào công nghệ cao, phát triển kinh tế số và đô thị thông minh, năng lượng sạch tái tạo, phát triển bền vững, giáo dục đào tạo chất lượng cao… Chuyến thăm cũng tạo cơ hội cho phát triển hợp tác chống đại dịch Covid-19.
Đại sứ Ngô Quang Xuân đánh giá, hiện nay Việt Nam đã trở thành quốc gia có uy tín và trách nhiệm, đối tác tin cậy của cộng đồng khu vực và quốc tế, thị trường phát triển nhanh chóng với gần 100 triệu dân, lực lượng lao động trẻ. Vị trí vững chắc của Việt Nam trong khu vực có thể nói phát triển năng động nhất thế giới.
Về thể chế và môi trường hợp tác kinh tế thương mại đầu tư của Việt Nam hiện nay đã được cải thiện, về chất lượng không ngừng được nâng cao, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện và đang phát triển tốt. Mỹ cũng thấy hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam hiện nay có thể đủ điều kiện cho hợp tác phát triển công nghệ cao, kỹ thuật số, an ninh mạng.
“Về mặt chính trị, Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế thấy rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam trọng tâm là hòa bình, hội nhập sâu và rộng vào khu vực và quốc tế. Bản thân Việt Nam là quốc gia hòa bình, ổn định, cam kết quốc tế cao, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, nhất là đối với các đối tác đầu tư hợp tác kinh tế thương mại”, Đại sứ nói.
Bình luận về quan hệ Việt – Mỹ thời gian tới dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Đại sứ Ngô Quang Xuân cho rằng, hiện giữa hai nước đang triển khai các chương trình đối tác toàn diện. Đây là hợp tác cùng có lợi.
“Đã từng công tác ở Hoa Kỳ một thời gian khá dài, tôi hiểu rằng, từ trước đến nay, dù ở chính quyền nào, Mỹ luôn quan tâm đến vấn đề lợi ích; quan hệ với quốc gia nào có lợi thì họ sẵn sàng đẩy mạnh quan hệ. Hiện hợp tác với Việt Nam cũng là như vậy. Đây là hợp tác đậm tính chất bổ sung và hỗ trợ nhau, không cạnh tranh, không xung đột lợi ích”, ông Ngô Quang Xuân nói.
Chuyên gia chỉ ra rằng, trong mối quan hệ này, hai bên chia sẻ lợi ích và trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải trên biển Đông, củng cố quyết tâm giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Mỹ gần đây nỗ lực giúp Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải, khả năng tuần tra trên biển như chuyển giao nhiều tàu tuần duyên lớp Hamilton, xuồng tuần tra Metal Shark cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam để bảo vệ chủ quyền và an ninh hàng hải.
* Tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga