Việt Nam hợp tác về AI với Australia, muốn lọt top 50 thế giới
© Depositphotos.com / SdecoretTrí tuệ nhân tạo (AI)
© Depositphotos.com / Sdecoret
Đăng ký
Việt Nam tăng cường hợp tác với Australia về trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo đó, mạng lưới hợp tác về trí tuệ nhân tạo Việt Nam-Australia đã chính thức được Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) khởi xướng, nằm trong khuôn khổ của chương trình quảng bá chiến lược quốc gia trí tuệ nhân tạo (AI).
Việt Nam không chỉ muốn ghi tên mình vào bản đồ AI thế giới. Việt Nam còn đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh hàng đầu khu vực ASEAN, tiến đến châu Á và lọt top 50 thế giới về trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam hợp tác với Australia về AI
Sở hữu nền tảng Toán học rất tốt, từ trước đến nay, Việt Nam luôn được đánh giá cao và kỳ vọng có đầy đủ tiềm năng cạnh tranh về khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) với các quốc gia mạnh khác như Singapore, Nhật Bản, Hà Quốc hay Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ.
Chính phủ Việt Nam đang tìm kiếm, triển khai và đầu tư nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển đột phá của các ngành khoa học, công nghệ cao, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước.
Mạng lưới hợp tác về trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam – Australia vừa chính thức được khởi động.
Mạng lưới này nằm trong khuôn khổ chương trình quảng bá chiến lược quốc gia trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Theo Chính phủ Việt Nam, mạng lưới tập hợp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động về AI tại Việt Nam để cùng hợp tác với Australia phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực này.
Các đối tượng được quy tụ tham gia mạng lưới này – gồm cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực AI cũng như các ngành khác có ứng dụng hoặc liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Những cá nhân có thể đăng ký tham gia mạng lưới đa dạng từ nhà khoa học, các chuyên gia và cán bộ ứng dụng, kể cả các cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này là người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mạng lưới sẽ khôn chỉ tạo cơ hội mà còn giúp nâng cao năng lực, tạo nguồn nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo kết nối cộng đồng nghiên cứu và tiếp cận với các thông tin chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, tổ chức, trung tâm đào tạo AI của Việt Nam, mạng lưới hỗ trợ kết nối chuyên gia, tìm giải pháp ứng dụng AI cho doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm triển khai AI.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng hướng đến việc chuyển giao công nghệ, cung - cầu giải pháp. Đặc biệt, mạng lưới hợp tác về trí tuệ nhân tạo này sẽ tạo cơ hội cho các thành viên hợp tác với các đối tác của Australua và cập nhật tình hình AI tại Việt Nam, xứ sở Kangaroo và từ trên khắp thế giới.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trước mắt, mạng lưới sẽ xây dựng phần mềm quản lý và không gian cộng đồng trực tuyến để các thành viên tham gia sinh hoạt định kỳ, chia sẻ, đóng góp và phát triển ngành AI tại Việt Nam.
Ở bước tiếp theo, mạng lưới sẽ mở rộng hợp tác tới nhiều quốc gia khác và hướng tới xây dựng một cộng đồng AI bền vững với nhiều hoạt động phát triển ngành khoa học máy tính này tại Việt Nam.
Đưa AI Việt Nam vào top 50 thế giới
Khi chính thức khởi động mạng lưới này, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đối tác kêu gọi mọi cá nhân và tổ chức đang hoạt động về AI tại Việt Nam cùng tham gia.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mục tiêu là trong năm 2021, thu hút ít nhất 100 doanh nghiệp và 1.000 cá nhân ghi danh, sinh hoạt tại trang Facebook có địa chỉ tại: “facebook.com/groups/mangluoiai”.
Phát biểu về sự ra đời của mạng lưới hợp tác AI Việt Nam – Australia, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, đây sẽ là tiền đề cho một cộng đồng hợp tác bền vững về AI tại Việt Nam cũng như quốc tế trong thời gian tới.
“Chúng tôi mong muốn học hỏi từ Australia cũng như các nước khác để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển AI tại Việt Nam, hiện thực hóa mục tiêu rất tham vọng đặt ra trong Chiến lược quốc gia về AI, đưa Việt Nam vào Tốp 4 ASEAN và 50 nước hàng đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào năm 2030”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Mạng lưới hợp tác về AI Việt Nam – Australia sẽ thiết kế xây dựng phần mềm quản ý và không gia cộng đồng trực tuyến để mọi thành viên tham gia có thể đóng góp, chia sẻ các ý tưởng, dự án, quan điểm hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ là đơn vị quản lý mạng lưới.
Ông Tom Wood, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation (Chương trình Hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận Quan hệ hợp tác Đổi mới sáng tạo Australia-Việt Nam) cho biết, Aus4Innovation có một kế hoạch toàn diện nhằm hỗ trợ phát triển AI tại Việt Nam, mạng lưới này là một trong những hoạt động đó.
“Đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải thay đổi cách làm việc và hoạch định tương lai. Chúng tôi tin rằng AI sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giúp nền kinh tế của Việt Nam thích ứng tốt hơn với các thay đổi và trở nên hiệu quả hơn trong tương lai không xa”, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation nhấn mạnh.
Được biết, trước đó, nhằm đẩy mạnh hợp tác về tri thức và đổi mới sáng tạo với Việt Nam, vào tháng 5, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cũng đã quyết định tăng ngân sách cho giai đoạn 1 của Chương trình Aus4Innovation thêm 3,5 triệu AUD, nâng tổng ngân sách chương trình lên 13,5 triệu AUD giai đoạn 2017-2022.
Qua đó, phía Australia cũng tái khẳng định việc triển khai giai đoạn 2 của Chương trình đến năm 2035.
Mạng lưới Vietnam – Australia AI được kỳ vọng sẽ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài Việt Nam tham gia cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm triển khai trí tuệ nhân tạo, cung cấp giải pháp, chuyển giao công nghệ, nhằm hướng đến các mục tiêu lớn nhất trong Chiến lược quốc gia của đất nước – đưa Việt Nam vào top các nước dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới.
Việt Nam nhắm đến mục tiêu có 10 thương hiệu AI hàng đầu khu vực
Tất cả những gì Việt Nam đang làm không chỉ dừng lại ở việc ghi tên mình vào bản đồ AI thế giới, mà hơn hết, quốc gia Đông Nam Á này hướng đến đến những mục tiêu tham vọng hơn – vươn lên top trong khu vực ASEAN, châu Á và lọt top 50 thế giới.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về AI, đặc biệt, với tốc độ phát triển thần tốc như hiện nay, AI Việt Nam được dự báo sẽ sớm vươn lên dẫn đầu trong khu vực, hướng đến tầm thế giới, sẵn sàng cạnh tranh với các quốc gia phát triển hàng đầu về AI như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Canada, Australia….
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, trong Chiến lược quốc gia về Trí tuệ nhân tạo, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu rõ ràng đưa trí tuệ nhân tạo thành lĩnh vực quan trọng hàng đầu của Việt Nam, phấn đấu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam cũng hướng đến việcxây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực, đồng thời phát triển được ba trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn (Big Data) và tính toán hiệu năng cao (High Performance Computing – HPC). Cùng với đó, chiến lược cũng đặt mục tiêu kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ trí tuệ nhân tạo.
Cũng theo Chiến lược mà Chính phủ ban hành, Việt Nam kỳ vọng hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
“Đến năm 2030, Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về trí tuệ nhân tạo; có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về AI dẫn đầu trong khu vực ASEAN”, mục tiêu nêu rõ.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược mà Chính phủ ban hành cũng đưa ra các định hướng như xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo, phát triển hệ sinh thái AI, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Mạng lưới hợp tác về AI với Australia lần này cũng nằm trong Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Đáng chú ý, hôm 27 – 28/8 đã diễn ra sự kiện trực tuyến Ngày Trí tuệ nhân tạo 2021 do Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, đơn vị thành viên của Vingroup tổ chức.
Nơi đây quy tụ sự tham gia của giới nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về AI của Việt Nam cũng như thế giới, cùng nhau cập nhật những thông tin mới nhất về phát triển AI trong nước cũng như xu hướng của thế giới, đặc biệt là những ứng dụng mới của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xe tự hành (mà VinFast đang nắm công nghệ).
TS. Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc VinAI cho biết, tại sự kiện VinAI Day, lần đầu đơn vị sẽ giới thiệu đến công chúng Việt Nam trên khía cạnh kỹ thuật và hướng tiếp cận với sự phân tích chuyên sâu. Giáo sư Hongdong Li (ngành Thị giác máy tính, Đại học Quốc gia Australia) và Tiến sĩ Ching-Yao Chan (Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu DeepDrive, Đại học California, Berkeley) cũng sẽ tham gia chia sẻ về vấn đề này.
“Trong thời đại mà các ý tưởng cải tiến trong ngành công nghiệp ô tô dần bão hoà, tính năng lái tự động đã hình thành và mở ra một tương lai đầy tiềm năng, thu hút không chỉ các nhà sản xuất ô tô, mà cả những ông lớn về công nghệ như Google, Apple, Uber đến các startup cùng tham gia vào cuộc chơi”, TS. Bùi Hải Hưng bày tỏ.
Theo ông Hưng, sau gần ba năm kể từ khi thành lập, ngoài các công trình nghiên cứu quốc tế, VinAI cũng là đơn vị phát triển thành công công nghệ nhận diện gương mặt đứng Top 6 thế giới.
“VinAI cũng đã nghiên cứu và phát triển các thuật toán cho xe tự lái với module nhận thức nhận diện làn đường và vật thể đạt độ chính xác và tương thích cao với đường phố Việt Nam, góp phần vào việc đưa các sản phẩm xe thông minh sắp tới của VinFast ra thị trường Việt Nam và quốc tế”, TS. Bùi Hải Hưng cho biết.
Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam là một quốc gia với điều kiện giao thông rất đặc thù, nếu giải quyết được vấn đề xe tự hành thì sẽ có thể mở đường cho các ứng dụng có tính xã hội cao.
Thêm vào đó, việc đưa ra lời giải cho bài toán đặc thù của Việt Nam cũng tạo tiền đề để giải những bài toán mang tính cơ bản, có tầm ảnh hưởng cao ở các quốc gia khác.
Đặc biệt, một khi đã thành công rồi, các công ty công nghệ nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ cần mua những sản phẩm hoặc thậm chí nhập sản phẩm made in Vietnam để áp dụng tại quốc gia của mình.
Đó là AI ứng dụng trong lĩnh vực xe tự hành. Là quốc gia với rất nhiều nhân tài, Việt Nam thời gian qua đã ứng dụng AI vào công tác phòng chống Covid-19, camera giám sát ở các khu vực kể cả vùng biên giới hải đảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa AI tiến sâu hơn vào các lĩnh vực công nghệ, y tế, giáo dục, khoa học, đời sống.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển và khẳng định vị thế nền công nghệ AI nước nhà. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là vượt qua khó khăn, thử thách như thế nào, có chiến lược, quyết sách đúng đắn để ra sao để hiện thực hóa các mục tiêu quốc gia về Chiến lược nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.