Kế hoạch ‘mở lại bầu trời’ ở Việt Nam
© Ảnh : TTXVN phátSân bay quốc tế Vân Đồn đón 345 khách có “Hộ chiếu vaccine” về từ Mỹ
© Ảnh : TTXVN phát
Đăng ký
Tại Việt Nam đang đề xuất mở lại đường bay nội địa. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về dự thảo kế hoạch phục hồi vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch Covid-19.
Các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines có thể được chủ động xây dựng lịch bay, mở bán vé, khai thác đường bay nội địa.
Việt Nam sắp mở lại đường bay nội địa?
Cục Hàng không Việt Nam ngày 13/9 có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hàng không nội địa nhằm duy trì hoạt động vận chuyển hàng không.
Nhiều người gọi đề xuất khôi phục các đường bay nội địa của Cục Hàng không là kế hoạch ‘mở lại bầu trời’ của Việt Nam, một trong những nỗ lực khôi phục hoạt động ngành hàng không vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không sụt giảm doanh thu nghiêm trọng mà còn hướng đến quá trình phục hồi tổng thể nền kinh tế đất nước.
Cục Hàng không hy vọng điều này có thể góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không trong nước, đồng thời, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương trong điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, kế hoạch này để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì hoạt động giao thông vận tải bằng đường hàng không, tránh đứt gãy nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện một số địa phương đã có kết quả khả quan trong phòng, chống dịch và điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội.
Cụ thể, trong kế hoạch trình Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam phân 22 cảng hàng không, sân bay trên cả nước thành 3 nhóm A, B, C.
© AFP 2023 / Nhac Nguyen Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Sân bay Quốc tế Nội Bài.
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Trong đó, nhóm A là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Nhóm B là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên) trong tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị 16.
Nhóm C là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16.
Kế hoạch ‘mở lại bầu trời’ được tiến hành như thế nào?
Cục Hàng không đề xuất mở lại hoạt động bay chở khách với an toàn mạng đường bay nội địa theo nhu cầu khai thác của các hãng hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, tần suất khai thác các chuyến bay, đường bay phải được giới hạn theo từng giai đoạn.
Theo Cục Hàng không, toàn bộ các đường bay nội địa kết nối các cảng hàng không, sân bay, bãi đáp của Việt Nam theo nhu cầu khai thác của các hãng hàng không Việt Nam với tần suất khai thác từng đường bay theo như tần suất khai thác cụ thể.
Giai đoạn 1 - tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4/2021 của hãng hàng không đó.
Giai đoạn 2 - tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4/2021 của hãng hàng không đó.
Giai đoạn 3 - tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và được khai thác theo nhu cầu hãng hàng không khi toàn bộ các địa phương tại Việt Nam dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngoài những quy định này, đối với mọi giai đoạn, các đường bay mới của mỗi hãng hàng không hoặc các đường bay của mỗi hãng có tần suất đến 1 chuyến/ngày vào thời điểm tuần đầu tiên tháng 4/2021 được phép khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày và được khai thác theo nhu cầu hãng hàng không khi toàn bộ các địa phương tại Việt Nam dỡ bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Dự thảo cũng quy định rõ về quy định với tổ bay, các sân bay và lực lượng vận chuyển hành khách tới sân bay và về các khu cách ly tập trung.
Mở lại đường bay, đảm bảo an toàn chống Covid-19
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn 1 (áp dụng thí điểm 4 tuần sau khi kế hoạch này được phê duyệt), chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách.
Tuy nhiên, hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Với chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B và C, từ nhóm C đến nhóm A và B, khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 sẽ có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
© Ảnh : Minh Quyết - TTXVNNhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường Yên Hoà (Cầu Giấy)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường Yên Hoà (Cầu Giấy)
© Ảnh : Minh Quyết - TTXVN
Các hành khách khác ngoài việc phải có xét nghiệm âm tính còn cần phải đáp ứng một trong các điều kiện đầy đủ như có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến cảng hàng không xuất phát, hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Đáng chú ý, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát, có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Riêng các đường bay giữa các cảng hàng không, sân bay nhóm C với nhau, chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến.
Tất cả hành khách trên đường bay này phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Trong quá trình khai thác giai đoạn 1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo dõi, đánh giá thực tiễn, nếu thực hiện thông suốt, hãng hàng không sẽ tiếp tục bán vé cho hành khách với các điều kiện như trên trong 4 tuần tiếp theo.
Giai đoạn này, các hãng hàng không chỉ được mở bán cho các hành khách “có xác nhận lưu trú tại khu vực không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tối thiểu 14 ngày trước khi di chuyển” trên các chuyến bay có ngày khởi hành trong vòng 4 tuần kể từ ngày bắt đầu giai đoạn 2.
“Sau 4 tuần thí điểm vận chuyển đối tượng hành khách này, các hãng hàng không triển khai việc mở bán bình thường nếu không được thông báo khác”, Cục Hàng không lưu ý.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết, sau một số tuần thí điểm, cơ chế áp dụng tự động sẽ được triển khai để hãng hàng không chủ động tổ chức vận chuyển (xây dựng lịch bay, mở bán, tiến hành khai thác...) theo các điều kiện của kế hoạch này.
“Khi thay đổi quy định giãn cách xã hội tại địa phương, việc mở bán, khai thác... sẽ thay đổi tương ứng”, Cục Hàng không nhấn mạnh.
© Ảnh : TTXVN - Vũ Văn ĐứcQuảng Ninh: Sân bay Vân Đồn đón chuyến bay đầu tiên thí điểm đón khách có “Hộ chiếu vaccine”
Quảng Ninh: Sân bay Vân Đồn đón chuyến bay đầu tiên thí điểm đón khách có “Hộ chiếu vaccine”
© Ảnh : TTXVN - Vũ Văn Đức
Cảng hàng không nhóm B gồm: Nội Bài, Thọ Xuân, Đồng Hới, Vinh, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Liên Khương, sân bay Vũng Tàu phục vụ trực thăng.
Cảng hàng không, sân bay nhóm C gồm: Đà Nẵng; Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang dừng tối đa các đường bay nội địa chở khách thường lệ (chỉ còn giao Vietnam Airlines khai thác đường bay Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/ngày nhưng do khó khăn trong việc tổ chức cách ly tại 2 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên hãng không thể thực hiện việc khai thác đường bay này).
Ngoài ra, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa chỉ còn các chuyến bay chở hàng hóa và các chuyến bay kết hợp chở hành khách với đối tượng là công vụ, lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 và các trường hợp có văn bản đồng ý di biến động của các địa phương liên quan như chuyên chở công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương, công dân di chuyển giữa hai địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét cấm bay và chuyển cơ quan công an xử lý những trường hợp hành khách sử dụng tài liệu giả mạo để đi máy bay.
Hàng không Việt Nam chuẩn bị nỗ lực đón khách trở lại
Cùng với đề xuất lộ trình mở lại các đường bay nội địa thường lệ, đón khách quốc tế trở lại Phú Quốc, các hãng hàng không Việt Nam đã chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch khôi phục một số đường bay quốc tế trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm nay, đã kiến nghị Bộ GTVT cũng như Chính phủ cho phép áp dụng IATA Travel Pass – hộ chiếu sức khỏe điện tử để sớm mở lại đường bay thương mại quốc tế 2 chiều đi/đến Việt Nam.
Hôm qua 12/9, Vietnam Airlines tổ chức hai chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Mỹ về nước nối chuyến qua Seoul - Hàn Quốc đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).
© Ảnh : TTXVN phátHành khách làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Vân Đồn
Hành khách làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Vân Đồn
© Ảnh : TTXVN phát
Cần nhấn mạnh, đây là 2 trong số các chuyến bay đầu tiên được lựa chọn để thí điểm chương trình cách ly 7 ngày của Bộ Y tế đối với hành khách từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Đáng chú ý, một số chuyến bay tiếp theo cũng được Vietnam Airlines phối hợp với cơ quan chức năng và tỉnh Quảng Ninh tổ chức thí điểm cuối tháng này.
Từ tháng 8/2021 đến nay, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã thử nghiệm thành công một số chuyến bay ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) - giải pháp được nhiều người đánh giá là chìa khóa để “mở cửa bầu trời”.
Đối với hàng không quốc tế, IATA Travel Pass được kỳ vọng giúp hành khách quản lý, xác thực các thông tin về sức khỏe khi đi du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu hiện hành về việc xét nghiệm hoặc tiêm phòng Covid-19 của chính quyền tại nơi đến. Nhờ đó, sẽ giúp việc di chuyển giữa các quốc gia an toàn và dễ dàng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây đứt gãy ngành du lịch và hàng không thế giới cũng như ở Việt Nam.
Cùng với đó, hãng hàng không Vietjet Air của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã thử nghiệm IATA Travel Pass và là một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tham gia thử nghiệm giải pháp này.
Cùng với IATA Travel Pas, các doanh nghiệp hàng không, du lịch, chuyên gia trong ngành ở Việt Nam cũng đề xuất nghiên cứu áp dụng “thẻ xanh Việt Nam” hay “thẻ thông hành xanh Việt Nam” dùng cho thị trường nội địa để nhanh khôi phục ngành du lịch trong nước.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cho rằng, nhóm nghiên cứu TAB đề xuất tên gọi thẻ thông hành xanh Việt Nam (Vietnam Green Travel Pass) thay cho tên gọi phổ biến hiện nay là “hộ chiếu vaccine” vì thẻ này cần cho việc đi lại trong nước chứ không phải chỉ xuất nhập cảnh.
Vị lãnh đạo nêu rõ, thẻ thông hành xanh có thể là mã QR trên smartphones hay in giấy khi được yêu cầu xuất trình đáp ứng điều kiện về chứng nhận xét nghiệm Covid-19 (cả xét nghiệm PCR và kháng nguyên), chứng nhận phục hồi (âm tính) sau khi đã bị mắc Covid-19.
Ông Chính lý giải, biện pháp này nhằm đem lại sự yên tâm cho Chính phủ, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người dân mở cửa lại các công việc kinh doanh, đi lại, đồng thời, thực hiện được nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vừa phát triển kinh tế vừa khôi phục du lịch, đảm bảo an toàn vào thời điểm này là vô cùng cần thiết. Việt Nam có thể thí điểm với những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine, đến các địa phương như Phú Quốc, Quảng Ninh, trước mắt tập trung vào du lịch nội địa.
Đối với các chuyến bay quốc tế, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần sớm xây dựng và áp dụng thực tiễn hộ chiếu vaccine với khách từ các nước Âu, Mỹ nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng thời gian qua. Có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
Việt Nam cần tận dụng nắm bắt cơ hội sớm bởi khi mở lại bầu trời, sẽ có rất nhiều quốc gia cùng cạnh tranh đón khách quốc tế nhưng cũng cần có lộ trình rõ ràng, cụ thể, thận trọng, đảm bảo an toàn về dịch bệnh, tỷ lệ tiêm chủng cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống y tế trong nước.