Bộ Tài chính nói gì về việc đưa sản phẩm test nhanh Covid-19 vào diện bình ổn giá?
20:04 02.10.2021 (Đã cập nhật: 15:19 11.10.2021)
© Ảnh : Chí Tưởng - TTXVNLực lượng y tế làm test nhanh xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
© Ảnh : Chí Tưởng - TTXVN
Đăng ký
Bộ Tài chính vừa phản hồi về kiến nghị đưa test xét nghiệm nhanh Covid-19 vào mặt hàng diện bình ổn giá vì dịch còn kéo dài.
Doanh nghiệp đề nghị đưa test nhanh Covid-19 vào diện bình ổn giá, Bộ Tài chính lên tiếng
Ngày 2/10, Bộ Tài chính phản hồi trước kiến nghị của 14 hiệp hội doanh nghiệp đề xuất đưa sản phẩm test nhanh Covid-19 vào diện bình ổn giá vì dịch còn kéo dài, nhu cầu xét nghiệm nhanh ở mức cao trong khi giá thị trường đắt đỏ.
Dẫn quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật Giá năm 2012; Khoản 1 Điều 3, Nghị định số 177/2013/NĐ ngày 14/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, Bộ Tài chính cho biết, sản phẩm test nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn thi hành. Cơ quan này cũng cho hay, Luật giá đã quy định, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ghi nhận đề xuất của các Hiệp hội doanh nghiệp, song theo quy định tại Luật Giá nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế (Bộ quản lý ngành, lĩnh vực) nghiên cứu đánh giá làm rõ sự cần thiết. Trong đó, đánh giá kỹ về yêu cầu quản lý, những tác động của mặt hàng này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cơ chế tổ chức thực hiện sau khi Bộ Y tế quản lý giá theo danh mục bình ổn giá.
Trên cơ sở đánh giá đó, để có văn bản đề xuất danh mục mặt hàng, đối tượng, biện pháp bình ổn giá theo quy định pháp luật về bình ổn giá tại Luật giá, pháp luật chuyên ngành về y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền.
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung KiênThứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời câu hỏi của các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời câu hỏi của các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí.
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung Kiên
Hiện nay, Bộ Tài chính đang đánh giá tổng thể để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá năm 2012. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Y tế cũng như các Bộ, ngành có liên quan đánh giá, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giá năm 2012. Trong đó, rà soát bổ sung các mặt hàng nhà nước quản lý theo trình tự, thủ tục quy định, phù hợp yêu cầu quản lý và thực tiễn phát sinh.
Vừa qua, Bộ Y tế đã có chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường.
Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm Covid-19, gồm 35 test xét nghiệm RT-PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, làm rõ thông tin về giá kit xét nghiệm Covid-19
Ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 để đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội tháng 10 và các tháng còn lại của năm 2021; xem xét các đề án xây dựng luật và một số vấn đề quan trọng khác.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, ngay cả tại những tâm dịch như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc, tử vong ngày càng giảm sâu”.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý tuyệt đối không được lơ là, chủ quan vì tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, không cực đoan, cần thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch ở các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở, tiếp tục phối hợp giữa các địa phương, không cát cứ, cục bộ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và linh hoạt, sáng tạo để tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của Trung ương.
Liên quan đến giá kit xét nghiệm, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ, kịp thời thông tin tới công chúng nhân dân. Thủ tướng khẳng định đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Trung HiếuNhân viên y tế phường Hàng Trống(Hoàn Kiếm) lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực lân cận Bệnh viện Việt - Đức.
Nhân viên y tế phường Hàng Trống(Hoàn Kiếm) lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực lân cận Bệnh viện Việt - Đức.
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Trung Hiếu
“Quan điểm của Chính phủ là nếu phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc trên cơ sở chức năng quyền hạn để làm rõ thông tin, xử lý nghiêm. Chính phủ luôn lắng nghe, tiếp thu những phản ánh, ý kiến đóng góp, những đề nghị của mọi tầng lớp nhân dân, song lưu ý thông tin đưa ra phải chính xác để tránh nghi ngờ, không có căn cứ, ảnh hưởng tâm lý các lực lượng chống dịch”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ nhập vắc-xin; triển khai tiêm vắc-xin khoa học, hiệu quả; ưu tiên vắc-xin cho các đối tượng, địa bàn phù hợp theo quy định. Thủ tương nêu rõ, việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc rất lớn vào phòng, chống dịch.