Việt Nam tăng năng lực hàng hải không nhằm để chống Trung Quốc
14:16 24.11.2021 (Đã cập nhật: 14:23 24.11.2021)
© Ảnh : An Đăng - TTXVNMột góc Cảng Nam Hải Đình Vũ
© Ảnh : An Đăng - TTXVN
Đăng ký
Nhiều người lầm tưởng rằng, vì có chung tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh ở Biển Đông, nên nỗ lực tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam chỉ nhằm chống lại Trung Quốc mà quên đi những mục tiêu kinh tế hàng đầu, mang tính vĩ mô.
Thực tế cho thấy, kinh tế biển, vận tải hàng hải đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với ‘giấc mộng thịnh vượng’ của một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam như Việt Nam.
Do đó, việc Việt Nam tăng cường hợp tác với Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) được đánh giá là điều kiện cần thiết để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực hàng hải của Việt Nam.
Việt Nam cần thắt chặt hợp tác với Tổ chức Hàng hải Quốc tế
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có dư địa để phát triển ngành hàng hải, ưu tiên hơn nữa đến kinh tế biển.
Như đã biết, Việt Nam tham gia và trở thành thành viên thứ 126 của Tổ chức Hàng hải Quốc tế từ năm 1984.
Sự kiện này đánh dấu tầm quan trọng của chính sách ưu tiên kinh tế biển, tăng cao năng lực hàng hải của chính quyền Hà Nội. Tất nhiên, không phải chỉ để chống lại sự bành trướng và những hành động quấy rối của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia ở những vùng biển tranh chấp là nhiệm vụ thiết yếu, nhưng tận dụng lợi thế quốc gia ven biển là nhận thức thức thời của các lãnh đạo Việt Nam đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước, nhằm thực hiện những mục tiêu tầm vĩ mô, đưa Hà Nội hướng đến giấc mộng phồn vinh, thịnh vượng của một quốc gia phát triển.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia và là thành viên của 24 Công ước và Nghị định thư quan trọng của IMO như Công ước về tổ chức hàng hải quốc tế, Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế, Công ước quốc tế về mạn khô, Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển, Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu, Quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển, Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển, Công ước về tổ chức vệ tinh hàng hải quốc tế, Công ước Lao động Hàng hải 2006.
CC BY-SA 3.0 / Denelson83 / Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)
CC BY-SA 3.0 / Denelson83 /
Hà Nội sở hữu thế mạnh của một quốc gia có tầm quan trọng về địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam là một quốc gia ven biển, có chiều dài bờ biển 3.260km, có nhiều ngành kinh tế gắn liền với biển và hoạt động vận tải biển phát triển.
Vị trí của Việt Nam rất gần với đường hàng hải quốc tế, lại ở vào một khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và thị trường vận tải biển rất sôi động ở Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mối quan hệ thương mại với thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Với vị trí địa lý chiến lược và xác định được kinh tế biển là động lực cho sự phát triển chủ yếu của đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dành cho kinh tế biển sự quan tâm đặc biệt, nhiều quyết sách đầu tư, phát triển được phê duyệt, hệ thống cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển được đầu tư trọng điểm và có được sự tăng trưởng vượt bậc.
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá hạn chế, mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng vùng biển quốc gia mà chưa vươn ra được các vùng biển quốc tế.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng này còn tồn tại là cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, phần lớn mới chỉ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị mà chưa chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực một cách tương xứng.
Vì còn thiếu quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ làm giảm hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có, mà còn cản trở khả năng đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn nêu trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Do đó, việc được Tổ chức Hàng hải Quốc (International Maritime Organization - IMO) tế hỗ trợ, sẵn sàng giúp Việt Nam thực hiện nâng cao năng lực hàng hải là điều vô cùng cần thiết.
Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế hàng hải hàng đầu thế giới
Chiều 22/1, tại trụ sở Tổ chức Hàng hải Quốc tế (London), Tổng Thư ký IMO Kitack Lim đã có buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Nguyễn Hoàng Long.
Đại diện Việt Nam đã đến chào, cập nhật thông tin và bày tỏ thiện chí tăng cường hợp tác hơn nữa với Tổ chức Hàng hải Quốc tế nhằm nâng cao năng lực hàng hải, phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Trong cuộc gặp này, ông Kitack Lim hoan nghênh và đánh giá cao những thành tựu quan trọng, nhất là xu thế tăng trưởng năng động và những bước phát triển rõ rệt của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải suốt hơn 20 năm qua.
“Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển kinh tế được đánh giá đứng hàng đầu trên thế giới, có tiềm năng rất to lớn để phát triển ngành hàng hải”, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế nhận định.
Đáng chú ý, ông Kitack Lim đánh giá, với quy mô dân số lớn và lực lượng lao động có chất lượng, Việt Nam có lợi thế trong lĩnh vực đóng tàu và cung cấp các trang thiết bị cho tàu biển.
Cùng với đó, với vị trí địa lý thuận lợi là quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hợp tác với các nước có thế mạnh về hàng hải như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cùng các quốc gia trong khu vực ASEAN khác.
Trên thực tế, các hoạt động hàng hải và tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam được IMO đánh giá rất cao.
Điển hình như năm 2021, ông Trần Văn Khôi, thuyền viên tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã vinh dự được trao giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển”, IMO Bravery Award của IMO vì đã cứu sống 4 người trong vụ tàu VIETSHIP 01 bị chìm vào tháng 10-2020 tại vùng biển Quảng Trị.
Trong khi đó, năm 2020 ông Đinh Xuân Trường, thuyền trưởng tàu SAR 413 thuộc Vietnam MRCC, cũng vinh dự được tổng thư ký IMO gửi thư khen ghi nhận sự chuyên nghiệp, quyết tâm và nỗ lực trong vụ việc cứu nạn 11 thuyền viên và hành khách của tàu Đại Hải Phát 17 trong điều kiện thời tiết khó khăn ngày 20/11/2019.
Việt Nam đề nghị IMO hỗ trợ tăng năng lực hàng hải
Tại cuộc gặp với người đứng đầu Tổ chức Hàng hải Quốc tế, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nêu rõ mong muốn IMO hỗ trợ Việt Nam trong nâng cao năng lực hàng hải, phát triển kinh tế biển.
Ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, là một quốc gia ven biển với đường bờ biển dài và các cảng biển nước sâu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và có kết nối với hành lang kinh tế Đông-Tây, hiện kinh tế biển và vùng ven biển có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế của Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long đề nghị Tổng thư ký Kitack Lim hỗ trợ Việt Nam trong nâng cao năng lực về hàng hải.
Điều quan trọng cần hướng đến là làm sao có thể biến tiềm năng phát triển hàng hải thành những lợi thế cụ thể của Việt Nam, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế và vị thế đất nước trong thời gian tới.
Đáp lại, ông Kitack Lim khẳng định IMO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh trong việc nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam trong Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Ngoài ra, cũng theo Tổng thư ký Kitack Lim, hiện nay, ngành vận tải biển có liên quan chặt chẽ tới việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cũng sẽ phải nâng cao mục tiêu giảm lượng khí thải carbon để bắt kịp xu hướng của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, đối với các quốc gia ven biển thì đây là thời điểm để thúc đẩy toàn diện các hoạt động hàng hải và liên quan đến hàng hải.
Tuyến vận tải container kết nối Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ
Ngày 23/11 vừa qua, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã thông báo về việc ngành hàng hải Việt Nam sắp khai trương tuyến vận tải container kết nối với Malaysia và Ấn Độ.
Theo VIMC, ngày 25/11 tới đây, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ khai trương tuyến vận tải container kết nối trực tiếp giữa Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ.
Đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, đối với tuyến vận tải container kết nối trực tiếp giữa Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ, hôm 26/10 vừa qua, lần đầu tiên con tàu vận tải container của Việt Nam đã chạy khu vực Malacca qua Ấn Độ Dương để đưa hàng hóa đến Malaysia và Ấn Độ, thị trường xuất nhập hàng hóa, nguyên liệu lớn của các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam.
Cũng theo VIMC, với hải trình Hải Phòng - Port Klang - Calcutta - Port Klang - SP-ITC và tiếp nhận hàng trung chuyển từ Nhava Sheva tại Port Klang (Malaysia), tuyến dịch vụ này sẽ kết nối trực tiếp hai cảng biển lớn nhất Việt Nam là cảng thành phố Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng tới các cửa ngõ lớn nhất của Ấn Độ.
VIMC khẳng định với thời gian vận chuyển cạnh tranh sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển so với tuyến trung chuyển qua cảng Port Kelang được hơn 10 ngày so với trước đây.
“Ngày 25/11 tới đây, tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ của VIMC sẽ chính thức được thiết lập. Những chuyến tàu của VIMC vươn tới thị trường quốc tế”, lãnh đạo VIMC cho biết.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc mở tuyến vận tải này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ thể hiện là những container hàng hóa mà còn là những sự quyết tâm, những nỗ lực của VIMC để góp một phần cùng các doanh nghiệp Việt Nam tiến tới thị trường toàn cầu, tạo đà cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau thời kỳ đại dịch.
“Đây cũng là tín hiệu rất tích cực cho hoạt động thương mại của Việt Nam trong tương lai”, phía VIMC bày tỏ.
Hàng hải Việt Nam tiếp tục đầu tư đội tàu container hiện đại
Theo lãnh đạo VIMC, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến cho việc vận chuyển hàng hóa trở nên rất khó khăn.
Đặc biệt, khi toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vận chuyển quốc tế bằng đường biển phải phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu vận tải nước ngoài. Số chuyến tàu ghé cảng Việt Nam giảm, lượng vỏ container luân chuyển về Việt Nam cũng giảm, kéo theo giá cước tăng đột biến.
Phía Tổng Công ty Hàng hải nhấn mạnh, hiện nay, các container hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đều phải được gom về một số cảng trung chuyển quốc tế trong nước và khu vực Đông Nam Á để chuyên chở trên các tàu mẹ tới các cảng tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
“Việt Nam chưa mở được các tuyến vận tải container kết nối trực tiếp đến các cảng ngoài khu vực Đông Nam Á”, đại diện VIMC thông tin về nhu cầu cần có tuyến hàng hải kết nối với các quốc gia trong khu vực.
VIMC cũng thông tin thêm, do dịch bệnh và nhiều nguyên nhân khách quan khác, cước vận chuyển tăng cao ở các tuyến đường dài như tuyến châu Á - châu Âu và châu Á - Bắc Mỹ. Đáng chú ý, cước vận chuyển hàng hóa tại các tuyến này đã tăng khoảng từ 4 đến 8 lần trong vòng 1 năm, tăng lên đến 20.000 USD/container 40 feet từ mức cước 4.000 USD trước đây và phải chuyển tải tại các cảng Singapor, HongKong (Trung Quốc).
Cũng theo VIMC, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam phải tăng thêm nhiều chi phí cho hoạt động logistics, trong đó có chi phí vận tải container bằng đường biển. Thời gian giao hàng cũng bị chậm trễ, kéo dài ảnh hưởng lớn tới các đơn hàng và uy tín doanh nghiệp.
“Trước sức ép này, một số nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất, gia công hàng hóa tại Việt Nam đứng trước quyết định dịch chuyển bớt một phần dây chuyền sản xuất tới khu vực khác do chi phí nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu thành phẩm tăng cao”, VIMC thừa nhận.
Đơn vị này đánh giá, khó khăn cũng đặt một gánh nặng chi phí rất lớn lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài.
Do vậy, theo Tổng Công ty Hàng hải, Việt Nam cần có giải pháp chủ động đối với một phần chuỗi cung ứng logistics đó là vận tải container bằng đường biển tuyến xa, chủ động trong vận tải hàng hóa, tránh bị chèn ép tăng giá cước của các hãng tàu ngoại.
“Nhận thức vai trò của một doanh nghiệp nòng cốt trong ngành hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã quyết tâm đưa đội tàu vận tải container chuyên dụng của VIMC chạy tuyến kết nối trực tiếp với các cảng ngoài khu vực (không phải kết hợp với các tàu vận tải container của nước ngoài) để giảm tải áp lực vận chuyển hàng hóa và bình ổn nguồn cung vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước”, VIMC nêu rõ.
Theo đó, để hoàn thành kế hoạch trên, dự kiến trong năm 2022, VIMC sẽ tiếp tục đầu tư đội tàu container chuyên dụng, trọng tải lớn cùng trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, phát triển hoàn thiện mô hình quản trị để trở thành hãng tàu vận tải container mang thương hiệu quốc gia của Việt Nam.